Nga tích cực xây dựng quan hệ với các nước Trung Đông

Trung Đông đang trở thành một đấu trường đối đầu địa chính trị mới giữa Nga và Mỹ, khi mỗi bên đều tìm cách thu hút các nước trong khu vực làm đồng minh của mình. Cuộc đấu tranh nhằm thúc đẩy các cách tiếp cận rất khác biệt của riêng họ để giải quyết cuộc khủng hoảng ở địa bàn này chỉ làm nổi bật sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng trong khu vực giữa Moscow và Washington.

Nga đang tích cực xây dựng quan hệ với các nước trên khắp Trung Đông trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas vẫn tiếp diễn. Mục tiêu của Moscow là tìm kiếm sự hỗ trợ của đối tác trong cuộc đối đầu với phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Phó Giáo sư tại Viện Khoa học Xã hội thuộc Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (RANEPA) của Nga Sergey Demidenko chỉ ra rằng, trong bối cảnh mối quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi, Moscow đang tìm mọi cách để nhận càng nhiều sự hỗ trợ ở Trung Đông càng tốt.

Chuyên gia này nêu rõ: "Ở Trung Đông, ngoại giao Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và các quốc gia khác, những đối tác nhất quán nhất của Moscow". Ông nói thêm, trong tình hình đang thay đổi ở Trung Đông, Nga đang tận dụng cơ hội này để mở rộng nhóm đồng minh quốc tế của mình.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian tại cuộc gặp hôm 22/1 ở New York (Mỹ).

Đồng quan điểm, chuyên gia Alexander Azadgan, Giáo sư Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế Chính trị Quốc tế ở California nhận định: "Nga đang nỗ lực cạnh tranh với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và xích lại gần hơn các nước vùng Vịnh Arab nhằm thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với họ, tránh tác động tàn khốc của các lệnh trừng phạt của phương Tây". Theo vị chuyên gia này, trong khi Nga có những nỗ lực cụ thể nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, thì Washington cũng đang thực hiện các bước tương tự chống Moscow theo hướng Ukraine.

Trong những ngày qua, bên lề cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đứng đầu phái đoàn Nga tại New York (Mỹ), đã tổ chức các cuộc gặp với các đại diện đến từ UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Liban, Algeria, Jordan và Chính quyền Palestine, tất cả các nước đang tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông.

Còn ở trong nước, hôm 25/1, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Trung Đông - Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov đã tiếp một phái đoàn phong trào Houthi tại Yemen đến Moscow thảo luận về các diễn biến liên quan xung đột ở Dải Gaza dẫn tới tình hình leo thang tại Biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Nga "lên án mạnh mẽ" việc Mỹ và Anh không kích các vị trí ở Yemen, cho rằng các cuộc không kích này "có thể gây bất ổn tình hình ở quy mô khu vực".

Ngoài ra, ông Mikhail Bogdanov và phái đoàn Houthi cũng thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị ở Yemen, trong đó "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế để tạo các điều kiện cần thiết sớm nhất có thể cho việc triển khai một cuộc đối thoại toàn quốc ở Yemen dưới sự bảo trợ của LHQ".

Về phần mình, ông Mohammed Abdel Salam - người phát ngôn của Houthi và cũng là người dẫn đầu phái đoàn - cho biết đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov để thảo luận về xung đột đang tiếp diễn tại Gaza và việc lực lượng Mỹ - Anh không kích các mục tiêu Houthi ở Yemen.

Hồi tuần trước, phát biểu tại cuộc họp báo thường niên tổng kết công tác ngoại giao năm 2023, đồng thời đưa ra quan điểm, đường hướng đối ngoại của Nga thời gian tới, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, trong năm 2023, Chính phủ Nga nỗ lực ổn định nền kinh tế trong bối cảnh Moscow đối mặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt, bao vây cấm vận của phương Tây. Theo ông, Nga tăng cường phát triển quan hệ hợp tác trên cả bình diện song phương và với các tổ chức dựa trên quan điểm tôn trọng, cân bằng lợi ích của các nước. Nga thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở Trung Ðông, châu Phi, Mỹ Latin và châu Á; chú trọng củng cố Nhà nước Liên minh Nga-Belarus; tăng cường khối Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU) trên cơ sở thúc đẩy hợp tác trong các dự án với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển nhất khi trong năm 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga sau khi ông tái đắc cử cương vị Chủ tịch nước, đồng thời Tổng thống Vladimir Putin cũng tới Bắc Kinh dự Diễn đàn hợp tác BRI. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang góp phần vào một thế giới đa cực đa dạng và hiện có gần 30 quốc gia muốn gia nhập khối này, đồng thời lưu ý đến quan điểm đối ngoại của Nga là các vấn đề an ninh của lục địa Á-Âu sẽ do khu vực này giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Ngoài ra, ông cũng chỉ trích xu hướng bài Nga, chủ nghĩa thực dân mới và cho biết Liên bang Nga sẽ chú trọng bảo vệ người Nga ở nước ngoài.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nga-tich-cuc-xay-dung-quan-he-voi-cac-nuoc-trung-dong-i721529/