Nga tăng cường bom lượn hủy diệt mục tiêu, Ukraine loay hoay chống đỡ

Bom lượn đã trở thành vũ khí chủ chốt của không quân Nga nhằm tạo lợi thế trên không và giành thêm đất trên thực địa. Hiện Ukraine vẫn chưa có phương án chống đỡ thực sự hữu hiệu trước thứ vũ khí có sức hủy diệt đáng sợ này.

Nga đẩy mạnh sử dụng bom lượn với nhiều đặc điểm lợi hại

Giới chuyên gia phương Tây ghi nhận, không quân Nga đã cải thiện đáng kể hiệu quả của mình trong cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine bằng việc tăng cường sử dụng “bom lượn”, từ đó đóng góp vào các thành công gần đây của Nga trên chiến trường.

Hố sâu do bom lượn tạo ra. Ảnh: Anadolu.

Số lượng lớn bom của Nga từ thời Xô viết, mang khối thuốc nổ tới nửa tấn, đã được gắn thêm cánh và hệ thống dẫn đường để có thể bay cự ly xa với độ chính xác nhất định. Điều chỉnh này cho phép máy bay phản lực Nga ném bom ở cự ly xa hơn để tránh hệ thống phòng không Ukraine.

Cùng với UAV, tên lửa và trọng pháo, các quả bom lượn này đã bổ sung hỏa lực hủy diệt cho chiến dịch quân sự của Nga tại miền Đông Ukraine, đặc biệt là tại thị trấn Avdiivka mà Nga mới giành được.

Giới chức Ukraine cho biết, thứ vũ khí đa dạng này của Nga vẫn là nỗi đau đầu đối với quân đội Ukraine. Theo họ, vũ khí hiệu quả nhất giúp họ đối phó được với bom lượn là máy bay tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất và được Ukraine khát khao bấy lâu nay.

Nga lần đầu triển khai bom lượn vào năm ngoái (2023). Giải pháp đó giúp Nga vượt qua thách thức từ phòng không Ukraine muốn vô hiệu hóa ưu thế trên không của Nga trong những ngày đầu của cuộc xung đột quân sự Ukraine. Dẫu Ukraine vẫn sở hữu hệ thống phòng không và một số máy bay chiến đấu thì Nga vẫn xoay sở được để tấn công Ukraine từ khoảng cách xa hơn bằng các quả bom lượn.

Dmytro Lykhovii - phát ngôn viên lực lượng quân sự Ukraine ở miền Đông, thừa nhận: Các quả bom này, “thật không may, có sức hủy diệt rất lớn”. Chúng “đơn giản là phá hủy tất thảy, phá hủy các công trình, các cơ sở hạ tầng có thể dùng làm công sự phòng ngự”.

Lực lượng Ukraine cũng có sử dụng bom lượn, bao gồm hệ thống Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM), với độ chính xác cao hơn cả của Nga. Tuy nhiên, Ukraine thiếu thốn loại bom này.

Trong khi đó, bom lượn Nga đã thể hiện hiệu quả trong việc đánh chiếm Avdiivka.

Trong một đăng tải trên mạng xã hội Telegram giữa lúc diễn ra trận chiến Avdiivka, quân nhân Maksym Zhorin thuộc Lữ đoàn tấn công độc lập số 3 của Ukraine đã mô tả rằng có từ 60 - 80 quả bom lượn của phía Nga lao thẳng xuống khu vực anh ta mỗi ngày. “Những quả bom này phá hủy hoàn toàn mọi vị trí. Tất cả nhà cửa, cấu trúc xây dựng đều biến thành hố sau khi một quả bom lượn như thế rơi xuống đây”.

Dựa trên số liệu từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, Konrad Muzyka - giám đốc của hãng tư vấn quốc phòng Rochan có trụ sở ở Ba Lan, nhận xét rằng từ giữa tháng 12/2023, số lượng các cuộc không kích của Nga nhằm vào vị trí quân Ukraine đã gia tăng đáng kể và đa số các cuộc tấn công này sử dụng bom lượn.

Theo Muzyka, kể từ tháng 1/2024, các cuộc không kích của Nga trên khắp chiến tuyến thường xuyên vượt mức 100 vụ một ngày, riêng 4 ngày trước khi Avdiivka thất thủ, con số này lên tới gần 160 vụ.

Muzyka phân tích: “Phía Nga thực sự chẳng mất gì cả. Tôi mường tượng họ có nhiều bom loại này, họ sẽ không bị cạn kiệt nhanh chóng… Bom lượn của Nga rất tiện cho tác chiến đô thị”.

Blogger quân sự Nga “Military Informant” xác nhận trên mạng Telegram vào ngày 2/3/2024 rằng máy bay Nga đã “tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng bom thả xuống các vị trí của Ukraine”, đặc biệt là quanh Avdiivka. Blogger này viết: Việc ném bom như thế này “theo nghĩa đen là không cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sống sốt, từ đó dẫn đối phương đến chỗ đánh mất rõ rệt nhân lực và lãnh thổ”.

Mykola Bielieskov, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia ở Kiev, đánh giá rằng các loại bom như thế đang gây ra mỗi lúc một nhiều vấn đề cho Ukraine.

Giới chức Ukraine cho rằng, kết cấu sắt nặng nề của quả bom lượn khiến nó gần như không thể bị bắn rơi, bởi vì hệ thống phòng không được thiết kế chủ yếu để phát hiện tên lửa đang bay theo một quỹ đạo rõ ràng, không như bom lượn.

Nhà phân tích Bielieskov nói: “Chúng tôi cố gắng chống lại chúng bằng phương tiện hạn chế có trong tay”. Theo ông, rốt cuộc, một trong những giải pháp tốt nhất để khắc phục thực trạng này vẫn sẽ nằm ở máy bay tiêm kích F-16. Hiện phi công Ukraine đang trong quá trình huấn luyện để lái loại máy bay này. Dự kiến, Ukraine có thể triển khai F-16 trong mùa hè 2024.

Bieliesko chia sẻ thêm: Tiêm kích F-16 với “các chỉnh sửa mới nhất” đối với tên lửa không đối không AIM-120 “có thể làm tăng rủi ro” cho máy bay phản lực của Nga khi các máy bay này “thả bom lượn hoặc bay trở về căn cứ”.

Đội hình máy bay Nga vẫn duy trì tần suất tấn công ở mức cao

Gần đây, phòng không Ukraine tuyên bố gặt hái một số thành công khi Nga đẩy mạnh sử dụng không quân. Lực lượng này tuyên bố đã bắn hạ khoảng 15 máy bay quân sự Nga, bao gồm 10 chiếc tiêm cường kích Su-34, 2 chiếc tiêm kích đa năng hạng nặng Su-35 và một chiếc máy bay radar A-50, đều trong tháng 2 vừa qua.

Tuy nhiên, có một vấn đề là chưa thể kiểm chứng độc lập các tuyên bố như vậy. Một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi sâu sắc về số liệu của Ukraine.

Justin Bronk - một chuyên gia về không chiến, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Liên quân chủng hoàng gia ở London (Anh) nhận xét: “Tuyên bố quá đà luôn là vấn đề trong câu chuyện tấn công tầm xa”. Bronk đồng ý rằng Ukraine có thể đã bắn rơi một số máy bay nhất định của Nga nhưng cũng có thể một số máy bay khác của Nga đã thả bom sớm khi chưa đi vào tầm hoạt động của radar Ukraine nhằm tránh hỏa lực đối phương. Theo Bronk, điều này gây ra hiệu ứng máy bay biến mất khỏi màn hình và làm Ukraine lầm tưởng đã bắn hạ được máy bay đối phương.

Trong khi đó, Muzyka lưu ý rằng “chúng tôi chưa thấy sự sụt giảm lớn về số lượng các vụ không kích do Nga thực hiện”.

Mặc dù vậy, tình báo Anh xác nhận Ukraine đã bắn hạ được ít nhất một máy bay A-50 của Nga - một công cụ lợi hại được trang bị radar tiên tiến.

Nga không báo cáo bị tổn thất máy bay này nhưng cha của một hoa tiêu A-50 đăng tải lên mạng xã hội Vkontakte của Nga rằng con trai ông, Aleksandr, đã chết “khi thực thi nhiệm vụ quân sự” vào 2 ngày trước đó - đúng thời điểm A-50 được cho là đã bị bắn rơi.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, có trụ sở ở Washington) cũng nhận định rằng “máy bay Nga có vẻ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công bằng bom lượn với tần suất tương đối cao” bất chấp các thông tin cho rằng lực lượng Ukraine đã bắn hạ tương đối nhiều máy bay chiến đấu của Nga.

ISW cho rằng có thể Bộ chỉ huy Nga đã cân nhắc kỹ lợi hại, xác định ích lợi từ sử dụng bom lượn lớn hơn nhiều so với rủi ro từ việc đưa máy bay tiến gần mục tiêu.

Quân đội Nga cũng gia tăng sử dụng bom lượn ở tỉnh Kharlov, theo thống đốc (phe Ukraine) của tỉnh này. Thống đốc Synyehubov cho biết thêm, một quả bom lượn của Nga chứa đạn chùm đã được thả lần đầu tiên xuống thị trấn Kupyansk. Theo ông này, 10 tháng trước, việc Nga sử dụng bom lượn là điều rất hiếm.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-tang-cuong-bom-luon-huy-diet-muc-tieu-ukraine-loay-hoay-chong-do-post1082186.vov