'Nga sẽ không tham gia hội nghị của Thụy Sĩ về Ukraine'

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Thụy Sĩ khó có thể đóng vai trò là một nền tảng trung lập để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. ẢNh: Sputnik

RT đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13/3 tuyên bố, Moscow sẽ không bao giờ tham gia hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về cuộc xung đột tại Ukraine. “Nga không có ý định tham gia một hội nghị như vậy, ngay cả khi được mời chính thức,” bà Zakharova nói.

Đây là phản hồi chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Nga sau khi các các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin rằng Trung Quốc và Thụy Sĩ đang nỗ lực mời Nga tham gia đàm phán.

Vào tháng trước, Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình “vào mùa hè”. Hiện chưa có thông tin cụ thể về ngày diễn ra sự kiện. Danh sách những bên tham gia cũng chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Ukraine đã chỉ ra rằng Nga chỉ có thể được mời nếu nước này đồng ý trước một loạt điều kiện tiên quyết.

“Diễn đàn này sẽ được dành riêng để thúc đẩy 'công thức hòa bình' trong tối hậu thư của Tổng thống Ukraine Zelensky, mặc dù các nhà tổ chức Thụy Sĩ giả vờ rằng họ đang tìm kiếm mẫu số chung trong các sáng kiến hòa bình của các quốc gia khác nhau,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Quan chức này giải thích rằng “công thức hòa bình” của nhà lãnh đạo Ukraine bao gồm một số điều khoản phi thực tế, trong khi lợi ích hợp pháp của Nga đang bị phớt lờ. “Vì vậy, hội nghị sắp tới là sự tiếp nối của các cuộc họp theo hình thức Copenhagen, vốn đã làm mất uy tín ngay từ đầu và hiện đã đi vào bế tắc,” bà Zakharova nói.

Người phát ngôn đồng thời cho rằng: “Thụy Sĩ khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình khác nhau, vì điều này đòi hỏi phải có một vị thế trung lập mà Bern vốn đã đánh mất”.

Nhà ngoại giao Nga chỉ ra rằng, Thụy Sĩ “đang có quan điểm công khai ủng hộ Ukraine, bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết chống Nga, xem xét việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của chúng tôi, tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga bất hợp pháp và tổ chức các cuộc họp theo ‘công thức hòa bình’ của Tổng thống Zelensky”.

“Vào tháng 1/2023, chiến lược chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ đã quy định rằng hệ thống an ninh châu Âu nên được xây dựng không phải với Nga mà là ‘chống lại Nga’. Những hành động này không tương thích với vai trò hòa giải,” bà Zakharova nhấn mạnh.

Mặt khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow vẫn để ngỏ khả năng đàm phán về giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

“Tuy nhiên, bất kỳ đề xuất đàm phán nghiêm túc nào cũng nên được thực hiện sau khi Tổng thống Zelensky thu hồi sắc lệnh cấm khả năng đàm phán với Nga, ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và có những tín hiệu rõ ràng về việc sẵn sàng cân nhắc thực tế hiện nay, cũng như lợi ích hợp pháp của Nga. Một tối hậu thư là điều không thể chấp nhận được đối với Nga,” bà Zakharova nhận định.

Ukraine và Thụy Sĩ chưa đưa ra bình luận về các tuyên bố từ phía Nga.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào mùa xuân năm 2022.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình đã đổ vỡ kể từ tháng 4/2022, sau khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.

Ông David Arakhamia - nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới Kiev và thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rút khỏi đàm phán. Tuy nhiên, ông Johnson phủ nhận vai trò trong việc này.

Vào tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Ông cũng đã công bố “Công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine, trong đó yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine, từ bỏ 4 vùng tuyên bố sáp nhập, cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014).

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình này, nhấn mạnh rằng những đề xuất từ Ukraine cần tính đến "tình hình thực tế" của liên quan đến lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng được sáp nhập). Mặt khác, Moscow đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Kiev không có thái độ tương tự.

Trong cuộc họp báo ngày 3/3 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không từ bỏ ý tưởng đàm phán hòa bình với Kiev nhưng nhận thấy Ukraine và các nước phương Tây không có mong muốn thực sự về điều này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán thì các cuộc đàm phán sẽ không giống như trước, vì Kiev sẽ phải chấp nhận “thực tế mới” về lãnh thổ.

Hôm 8/3, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Nga sẽ không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên được tổ chức tại Thụy Sĩ trong những tháng tới, nhưng một đại diện của Moscow chỉ có thể được mời tham dự cuộc họp tiếp theo sau khi lộ trình hòa bình đã được thống nhất với các đồng minh của Kiev.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nga-se-khong-tham-gia-hoi-nghi-cua-thuy-si-ve-ukraine-post32583.html