Nga rút khỏi Tòa Hình sự quốc tế: Tạo trật tự mới?

Ngoài việc bảo vệ lợi ích của đất nước, Nga còn muốn tạo lập một cực riêng trong trật tự thế giới khi tuyên bố rút khỏi quy chế Rome của ICC.

Nỗi lo của Nga

Ngày 16/11, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh để Nga chính thức rút khỏi quy chế Rome về Tòa Hình sự quốc tế (ICC). Điện Kremlin khẳng định, việc rút khỏi quy chế trên phù hợp với lợi ích quốc gia Nga.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng quyết định trên của Nga không có gì lạ vào thời điểm này.

Theo Ths Hoàng Việt, thời điểm năm 2000, Mỹ và phương Tây rất mạnh, chi phối toàn bộ luật chơi trên thế giới. Nếu Nga không tham gia thì họ cũng không thể tồn tại được. Vì vậy Nga bắt buộc phải chấp nhận thỏa hiệp bằng cách ký tham gia quy chế Rome. Tuy nhiên Nga chưa phê duyệt để chính thức trở thành thành viên của quy chế này.

Ngoài việc bảo vệ lợi ích của đất nước, Nga còn muốn tạo lập một cực riêng trong trật tự thế giới khi tuyên bố rút khỏi quy chế Rome của ICC.

“Sau khi Nga sát nhập Crimea thì Mỹ và phương Tây lên án Nga rất gay gắt. Hơn nữa cuộc chiến của Nga tại Syria hiện nay cũng đang gặp phải nhiều phản đối từ 1 số nước. Nga đang bị 1 số tổ chức nhân quyền đòi kiện ra quy chế Rome ICC về các tội ác trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh tại Syria bây giờ.

Thậm chí tổng thống Nga Putin trong một tuyên bố cho rằng thực ra ICC chỉ là một công cụ của phương Tây để chống lại Nga.

Vì vậy Nga bắt buộc phải lựa chọn. Nếu muốn bảo vệ lợi ích của riêng Nga thì đôi khi lại xảy ra xung đột với các quốc gia khác”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.

Đặc biệt, vị chuyên gia nhấn mạnh đến thời điểm Nga tuyên bố rút khỏi quy chế Rome của ICC. Quyết định của tổng thống Putin được đưa ra đúng 1 ngày sau khi Ủy ban nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết trong đó cáo buộc Nga chiếm đóng tạm thời Crimea cũng như cáo buộc Nga phân biệt đối xử với người dân Crimea.

Trước đó, ICC cũng công bố báo cáo sơ bộ trong đó khẳng định những gì đang xảy ra ở Crimea là một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Nga.

“Nga muốn đề phòng trường hợp xấu nhất với mình nên đã buộc phải quyết định như vậy. Trước Nga thì Trung Quốc cũng từng đưa ra những tuyên bố như vậy khi nước này bị Philippines kiện ra tòa PCA về những tuyên bố liên quan đến đường lưỡi bò.

Những lãnh đạo của các quốc gia lo ngại phải đối mặt với ICC. Do vậy họ tự rút ra”, Ths Việt dẫn chứng.

Nga muốn tạo 1 cực riêng

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến trong quyết định của tổng thống Putin, đó là Nga đang muốn tạo một cực riêng trong quan hệ quốc tế.

Theo Ths Hoàng Việt, bản thân Mỹ cũng không phải là quốc gia tham gia ICC. Thời gian vừa qua, Washington cũng bị 1 số tổ chức nhăm nhe để kiện ra tòa hình sự quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ thường dùng ảnh hưởng của một nước siêu cường chi phối tất cả.

“Đến bây giờ Mỹ vẫn là siêu cường. Tuy nhiên sức mạnh của họ đã không còn đủ để bao tất cả thế giới nữa. Và những nước có thế mạnh khác như Nga, Trung Quốc cũng đang khẳng định mình là một cường quốc, 1 cực của thế giới”, Ths Việt nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, việc đưa ra quyết định trên vào thời điểm nước Mỹ đang tiến hành chuyển giao quyền lực cũng là một lựa chọn đầy khôn ngoan của điện Kremlin.

“Tổng thống đắc cử mới của Mỹ Donald Trump đang dành nhiều thiện cảm với Nga. Hơn nữa, ông Trump có một tư tưởng hoàn toàn khác, đó là chủ nghĩa dân tộc Mỹ mới. Điều này khiến nội bộ nước Mỹ hiện nay đang bị phân hóa sâu sắc. Việc này đã tạo điều kiện cho các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ và trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc mang lợi ích của riêng họ”, Ths Việt đánh giá.

Tuy nhiên, điều giảng viên ĐH Luật TP.HCM lo ngại, đó là hiện nay nền kinh tế Nga vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chính sách cấm vận của phương Tây sau khi sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước này.

“Một cường quốc mạnh thì trước hết phải mạnh về kinh tế. Cái Nga đang kẹt nhất hiện nay là yếu về kinh tế.”, Ths Việt nói.

Xáo trộn

Theo đánh giá của Ths Hoàng Việt, việc Nga tuyên bố rút khỏi Quy chế Rome của ICC chỉ là hành động nhất thời nhưng sẽ gây ra những xáo trộn và ảnh hưởng nhất định đến tình hình chính trị của các nước phương Tây.

“Các nước chắc chắn không làm gì được Nga khi họ tuyên bố rút khỏi Quy chế Rome. Bởi lẽ việc tham gia vào các định chế quốc tế là phụ thuộc vào ý chí của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên quyết định của Nga sẽ tạo ra một tiền lệ xấu với các nước. Tức là nhiều quốc gia nếu bị ràng buộc bởi những định chế quốc tế, họ sẽ tìm cách rút đi. Các nước sẽ bảo vệ lợi ích của riêng họ. Thực tế thời gian qua, 1 số quốc gia ở châu Phi đã quyết định rút khỏi ICC.

Và nếu làm như vậy thì luật chơi quốc tế sẽ bị đe dọa và mỗi quốc gia sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến luật chung”, Ths Việt lo ngại.

Từ câu chuyện này, vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc ICC phải thay đổi để có những quy định phù hợp hơn với xã hội hiện nay.

“ICC được các nước lập ra nhằm xét xử tội ác chiến tranh về tội ác diệt chủng và chống lại loài người, nhất là những tội liên quan đến chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng mà đến bây giờ xã hội thay đổi và ICC cần phải đặt ra vấn đề thay đổi cho phù hợp. Ngay cả Liên Hợp Quốc cũng yêu cầu phải có sự cải tổ. Chuyện đó là hết sức bình thường và bắt buộc phải làm”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-rut-khoi-toa-hinh-su-quoc-te-tao-trat-tu-moi-3323321/