Nga - Nhật khó cởi được 'nút thắt Kuril'

GD&TĐ - Để chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản từ 15 - 16/12 , Ngoại trưởng Fumio Kishida có chuyến công du nước Nga.

Tokyo hy vọng tăng cường hợp tác với Nga sẽ mở đường cho việc ký một hiệp ước hòa bình và có thể giải quyết “nút thắt Kuril” vốn án ngữ trên con đường hợp tác giữa hai nước trong mấy chục năm qua.

Đổi đầu tư lấy lãnh thổ

Tại St. Petersburg, ông Fumio Kishida truyền đạt thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Nga V.Putin. Tại Moskva, ông đã tổ chức cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Fumio Kishida cho biết, Tokyo đặc biệt chú ý đến những tuyên bố của V.Putin trong thông điệp liên bang về hy vọng cho sự khởi sắc trong quan hệ với Nhật Bản.

Ông gọi chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Nga là sự kiện lớn nhất của quan hệ Nga - Nhật trong năm nay. “Mong muốn chuyến thăm thành công tốt đẹp” - Ông Fumio Kishida bày tỏ.

Ngoại trưởng Nhật mong muốn hiệp ước hòa bình sẽ đạt được một kết quả tốt đẹp, được Nhật Bản và Nga chào đón. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva và Tokyo có khá nhiều quan điểm chung trong vấn đề này, nhưng kỳ vọng quá là không nên.

Theo Sergei Lavrov, điều quan trọng nhất là thể hiện rõ mong muốn các nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản trong việc tìm kiếm một giải pháp “cùng chấp nhận được”. Điều này đòi hỏi sự “kiên nhẫn, bền bỉ và khả năng làm việc liên tục”.

Thực ra, Nhật Bản muốn Nga trả lại cho họ các đảo: Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai thuộc quần đảo Nam Kuril, nơi đã trở thành một phần của Liên Xô sau Thế chiến II và nay thuộc chủ quyền của Nga. Đổi lại, Nhật sẽ đầu tư lớn vào vùng Viễn Đông và Siberia, nơi giàu có tài nguyên nhưng vẫn còn “yên giấc ngủ”.

Tại sao Nga khó có thể trả Kuril cho Nhật?

Ý tưởng trao trả quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản có từ thời Liên Xô, nhất là khi nước Nga vừa tuyên bố độc lập, kinh tế khó khăn, Tổng thống B.Yeltsin cũng có nhã ý nhường lại Kuril cho Nhật để đổi lấy viện trợ. Tuy nhiên, qua bao cuộc đàm phán, câu chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Hàng loạt những lý do khiến Nga khó có thể trao trả Kuril cho Nhật.

Thứ nhất, cá và các nguồn lực rất lớn của cải nằm trong các vùng biển của các đảo ở Nam Kuril.

Thứ hai, các vị trí chiến lược của chuỗi Kuril cho phép Nga vươn mình ra khỏi Biển Okhotsk tới Thái Bình Dương.

Thứ ba, nó sẽ là tiền lệ khiến Nga phải xem xét lại kết quả của Chiến tranh Thế giới II.

Thứ tư, việc Moskva trả Kuril cho Tokyo sẽ kích động các nước khác, đặc biệt là Ukraine trong vấn đề lãnh thổ với Nga (Crưm).

Thứ năm, người Nga phản đối mạnh mẽ việc trao trả quần đảo Kuril. Và cuối cùng, lãnh thổ quốc gia, về nguyên tắc, không ai có thể cho đi.

Theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì “quan điểm mang tính nguyên tắc của hai bên không dễ gì xích lại gần nhau”. Trong bối cảnh ấy, Moskva và Tokyo đang cố gắng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ trong các lĩnh vực khác.

Nếu các dự án hợp tác kinh tế được thực hiện hiệu quả, nó sẽ nâng cao mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Trong cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga V. Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Shochi vào năm ngoái, ông Abe đã đưa ra kế hoạch hợp tác kinh tế gồm 8 điểm với tràn trề hy vọng.

Sau cuộc gặp gỡ này, Shinzo Abe hào hứng nói về “một cách tiếp cận mới” với Nga để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, theo lời Tổng thống Nga, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ông Putin ví đàm phán tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật như người leo dốc “từng bước, từng bước một”.

Nhật Bản cần phải thừa nhận trật tự thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó có quần đảo Nam Kuril.

Như vậy, chuyến công du Nhật Bản vào trung tuần tháng 12 tới của V.Putin chắc chắn sẽ khó giải quyết tới cùng câu chuyện tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước mà chỉ góp phần tăng cường quan hệ song phương lên một “tầm cao mới” như cách nói của Ngoại trưởng Nhật Bản. Việc cởi “nút thắt Kuril” vẫn còn phải chờ đợi.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nga-nhat-kho-coi-duoc-nut-that-kuril-2659264-b.html