Nga-Mỹ 'ăn miếng trả miếng', Syria gánh hậu quả

Những nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria đã bị giáng một đòn nghiêm trọng sau khi Mỹ chấm dứt hợp tác trực tiếp với Nga về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Quan hệ lạnh nhạt giữa hai cường quốc thậm chí còn giá lạnh hơn sau khi Nga đình chỉ hiệp ước với Mỹ về loại bỏ plutonium ở cấp độ sản xuất vũ khí.

Xe của quân đội Mỹ ở Aleppo.

Hai quyết định, được công bố ở Washington và Mátxcơva cách nhau vài giờ hôm 3.10, nhìn bề ngoài không liên quan gì đến nhau, song rõ ràng đã thể hiện sự mất lòng tin sâu sắc và căng thẳng gia tăng giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, hiện đang mâu thuẫn trầm trọng về nhiều vấn đề, đặc biệt là về hồ sơ Syria và Ukraina.

Những động thái này một mặt làm giảm các lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Nga, song mặt khác tác động trực tiếp nhất là cú giáng "trời đánh" vào những nỗ lực hồi sinh một lệnh ngừng bắn đang hấp hối ở Syria. Quốc gia này đang khẩn thiết cần một thỏa thuận ngừng bắn để đưa viện trợ nhân đạo đến những cộng đồng bị bao vây và bắt đầu đàm phán về tiến trình chuyển giao chính trị ở Syria.

Chính quyền của Tổng thống Obama cho biết họ quyết định cắt đứt đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn ở Syria vì Nga "không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 9.9".

Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định, Mỹ đang rút các chuyên gia có nhiệm vụ hợp tác với Nga trong việc thực hiện thỏa thuận và chỉ để lại các kênh quân sự nhằm tránh xung đột giữa lực lượng không quân Nga và Mỹ trong vùng trời Syria.

Ông Kirby tuyên bố rằng, đây là quyết định "không dễ dàng" của Mỹ nhưng xuất phát từ cáo buộc Nga vi phạm các cam kết.

Mỹ cáo buộc Nga không tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế, không đảm bảo để chính phủ Syria tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Mỹ cho rằng, Nga và Syria tăng cường tấn công quân sự vào các mục tiêu dân sự, ngăn cản hoạt động cứu trợ nhân đạo tiếp cận dân thường.

Ba quan chức Mỹ còn nói với Fox News, Nga lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không S-300 tối tân đến Syria. Theo đó, hệ thống S-300 này đã đến một căn cứ hải quân ở thành phố biển Tartus của Syria hồi cuối tuần qua.

Mặc dù chưa có sự xác nhận chính thức nào từ phía Nga, song giới chức Mỹ cho rằng ở Syria, Mặt trận Al-Nusra không có không quân, IS cũng không có máy bay hoặc tên lửa hành trình, vì vậy rõ ràng việc Nga đưa S-300 đến Syria là để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công tiềm năng của Mỹ hoặc đồng minh.

Trong khi đó, từ Mátxcơva, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ "thất vọng sâu sắc" trước động thái của Mỹ, và chỉ trích Washington thất bại trong việc tách biệt quân nổi dậy với chi nhánh của Al-Qaeda. "Quyết định của Washington phản ánh sự bất lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc thực hiện điều kiện chủ chốt cho sự hợp tác về cuộc khủng hoảng Syria. Hoặc có thể họ không bao giờ có ý định làm như vậy" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói rõ, đồng thời cảnh báo rằng "Nhà Trắng sẽ chịu trách nhiệm nếu Syria tiếp tục hứng những đòn tấn công mới của khủng bố".

Việc đình chỉ đàm phán được công bố vài giờ sau khi Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh ngừng hiệp ước với Mỹ về loại bỏ plutonium ở cấp độ sản xuất vũ khí, vì "hành động thù địch" của Washington.

Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ đã không "đảm bảo thực thi nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng lượng thặng dư plutonium đã được tinh chế đến cấp có thể làm vũ khí".

"Ăn miếng trả miếng", Nhà Trắng cũng ra tuyên bố bày "sự thất vọng sâu sắc" với quyết định này của Nga.

V.A

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/ngamy-an-mieng-tra-mieng-syria-ganh-hau-qua-598088.bld