Nga mong đợi, Mỹ cố gắng - Thỏa thuận Syria vẫn bế tắc

Nga có thể nhìn thấy những giá trị tiềm năng đang được vẽ ra trên bàn đàm phán và cố gắng trích xuất thêm nhượng bộ từ phía Mỹ, nhưng cánh cửa cho một thỏa thuận ở Syria dường như đang đóng lại.

Theo Al-monitor, bất chấp việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng hai bên đã đạt được nhiều hứa hẹn trong 10 giờ đàm phán tại Geneva vào hôm 26/8, nhưng một thỏa thuận hợp tác về Syria giữa Nga-Mỹ gần như sẽ không xảy ra trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Trung Quốc.

Thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria "không có vẻ gì là hứa hẹn".

Cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Geneva đang tiếp tục vào ngày 31/8, nhưng nó "không có vẻ gì là hứa hẹn", một nhà ngoại giao giấu tên có mặt trong cuộc đàm phán nói với Al-Monitor. Đây "có lẽ là cơ hội cuối cùng trước khi ông Obama và người đồng cấp Putin gặp gỡ vào ngày Chủ nhật ở Trung Quốc".

"Tôi không nghĩ thông điệp người Nga là cảnh cửa đã khép lại tại đây, chúng ta có thể thấy một thỏa thuận thực sự có thể đạt được và một sự chứng minh từ phía Moscow", phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes nói trong cuộc họp báo tại Nhà trắng hôm 29/8.

"Tuy nhiên nếu chúng tôi có thể có được một thỏa thuận, điều đó chỉ xảy ra nếu hai bên đảm bảo rằng nó sẽ cung cấp khả năng tiếp cận nhân đạo cần thiết vào Aleppo", ông Rhodes nói thêm.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm quan trọng", Rhodes nói. "Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có cơ hội để quan sát xem liệu người Nga có thể đáp ứng với các thỏa thuận được yêu cầu."

Michael Ratney, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề phe đối lập ở Syria, cũng phủ nhận tin đồn về một thỏa thuận Mỹ-Nga về Aleppo đã được ký kết.

"Mỹ và Nga đã không đạt được thỏa thuận, nhưng cả hai vẫn nỗ lực và hiểu được rằng, một sự hợp tác giữa hai quốc gia có thể chấm dứt chiến sự, giảm bạo lực và cứu sống thêm nhiều người", Ratney tiết lộ thêm và cho biết "thỏa thuận này không được xây dựng dựa trên niềm tin của hai bên mà ngược lại Mỹ đã ra một cái giá cao đối với Nga", trong đó liên quan đến chế độ của ông Assad và các đồng minh của nước này.

"Tình hình xung quanh thành phố Aleppo là không thể chấp nhận đối với Mỹ", Ratney cho biết. "Mỹ không tán thành nỗ lực của quân chính phủ bao vây thành phố Aleppo và yêu cầu mọi tuyến đường vào thành phố phải được duy trì".

Tuyên bố của Ratney kết luận "thỏa thuận này nhằm giải quyết những mối quan tâm quan trọng của cả hai, bao gồm các cuộc tấn công của quân chính phủ dưới sự hậu thuẫn của Nga mà Mỹ không hài lòng trong thời gian qua; bên cạnh việc tăng cường các nỗ lực chống lại các nhóm khủng bố, cụ thể là IS và Jabhat Fatah al-Sham, đại diện cho một mối đe dọa không chỉ đối với Mỹ mà còn với Syria và cộng đồng quốc tế.

Theo giới quan sát, sự ngờ vực của Mỹ đối với Nga càng thêm gia tăng kể từ sau thời điểm ngày 15/7. "Tình hình ở Aleppo là điểm quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán, nhưng nó đang gây ra khá nhiều thất vọng cho phía Mỹ", Genevieve Casagrande, một nhà phân tích Syria tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nói với Al-Monitor. Chuyên gia này cũng nhận định rằng dù một thỏa thuận về Aleppo có đạt được cũng không đồng nghĩa với việc sẽ mở khóa thêm nhiều vấn đề khác lớn hơn.

"Những gì mà các cuộc không kích của Nga thể hiện trong 10 tháng qua là khá rõ ràng. Mỹ nên tin rằng người Nga và chính phủ Syria sẽ không nhượng bộ và tiếp tục chiến đấu chống lại các lực lượng của phe đối lập ngay cả khi một thỏa thuận đạt được", Casagrande nói thêm.

Giới quan sát nhận thấy rằng cuộc đàm phán Nga-Mỹ đã tốn quá nhiều thời gian mà không đi đến đâu, câu hỏi được đặt ra ở đây là phải chăng thỏa thuận này sẽ cần phải có sự tương đồng nhất định với chính sách của chính quyền mới sắp lên điều hành nước Mỹ?

"Nga có thể nhìn thấy những giá trị đạt được đang được vẽ ra trên bàn đàm phán và cố gắng trích xuất thêm một số nhượng bộ có thể nhận được thêm", Casagrande nói. "Nó là bằng chứng rõ ràng cho thấy Mỹ rất quan tâm đến một thỏa thuận với Nga. Nhưng chi tiết thỏa thuận phải được làm rõ".

Ông cũng nhận định rằng với thời điểm cuộc bầu cử tổng thống mới đang diễn ra, có khả năng hai bên sẽ cố gắng thúc đẩy cho một thỏa thuận đạt được trước khi một chính quyền khác lên thay thế.

Theo chuyên gia quân sự Nga Michael Kofman, mục tiêu quan trọng của Mỹ và Nga tại Syria về cơ bản là không hề giống nhau.

"Các bên tham gia đều cố gắng giải quyết xung đột bằng cách loại bỏ các nhóm mà họ không thích. Một số mong muốn lật đổ Assad, những người khác lại muốn loại bỏ lực lượng người Kurd, và Nga muốn đánh bật cái gọi là nhóm 'đối lập ôn hòa' được Mỹ chống lưng, người Kurd và chiến binh thánh chiến ở Syria."

Về phía Moscow, nước này có thể không thấy cần thiết cho một thỏa thuận với Mỹ để thúc đẩy các mục tiêu của mình tại Syria.

Một năm trước đây, lực lượng quân chính phủ còn trên đà sụp đổ, Idlib và Latakia bị đánh chiếm. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại Latakia và Idlib đã bình ổn, thành lũy duy nhất của phe đối lập chỉ còn lại Aleppo. Chính sách của Mỹ cũng chuyển từ "Assad bắt buộc phải ra đi" đến "Assad có thể ở lại một thời gian" và sau đó là đến "hợp tác quân sự"... điều mà cách đây 10 tháng Mỹ đã thề là sẽ không bao giờ nhượng bộ.

"Với đà này, chỉ 10 tháng nữa, vấn đề được đưa ra trên bàn thảo luận sẽ là làm thế nào để tiêu diệt phe đối lập trên chiến trường", Kofman nhận định.

Minh Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/canh-cua-da-khep-cho-thoa-thuan-nga-my-tai-syria-a256410.html