'Nga không có lý gì tấn công Ukraine'

Nhà phân tích Nikola Mikovic nhận định Nga sẽ không chủ động tấn công Ukraine vì điều này lợi bất cập hại. Cái Nga muốn là duy trì hiện trạng trong thời gian dài nhất có thể.

“Lúc này không phải thời điểm cho Nga”, ông Nikola Mikovic - nhà phân tích người Serbia chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga, Belarus và Ukraine - trả lời Zing ngày 26/1, trong lúc căng thẳng giữa Nga và phương Tây bị đẩy cao đến mức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Phương Tây cáo buộc Moscow tập trung binh sĩ gần biên giới với Ukraine để chuẩn bị tấn công nước láng giềng, trong khi Điện Kremlin phủ nhận.

“Theo tôi, mục tiêu chính của Nga là duy trì hiện trạng càng lâu càng tốt”, ông Mikovic nói. Ông cho hay “hiện trạng” ở đây nghĩa là Nga bảo toàn tầm ảnh hưởng tại vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine, nơi các lực lượng ly khai thân Nga lập ra hai nhà nước tự xưng là Cộng hòa Donetsk và Luhansk.

Trong khi đó, trong bài bình luận ngày 20/1, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cũng cho rằng Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine.

“Hành động của Tổng thống Vladimir Putin cho thấy mục đích thật sự của ông không phải là chinh phục và sáp nhập Ukraine vào Nga, mà là để thay đổi trật tự hậu Chiến tranh Lạnh tại Đông Âu”, ông Trenin viết.

Bản đồ thể hiện các vị trí triển khai chiến lược hiện tại của Nga. Ảnh: New York Times.

Nga muốn duy trì hiện trạng

Vài tuần trước, Anh bất ngờ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi cáo buộc ông Putin lên kế hoạch lật đổ chính quyền Ukraine để thay thế bằng một nhân vật thân Nga. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này.

Nhưng ông Mikovic nhận định cáo buộc của Anh là điều ít có khả năng xảy ra vì ở Kyiv lúc này không có lực lượng thân Nga. “Tôi không nghĩ là Nga sẽ muốn một chính phủ bù nhìn ở Kyiv vì không ai trên thế giới sẽ công nhận chính quyền ấy và Nga cũng không có nguồn lực tài chính để duy trì bộ máy cai trị ở Kyiv”, ông nói.

Nhà phân tích Nikola Mikovic. Ảnh: GeoPolitics.

Theo ông Mikovic, Nga cũng không có lý do gì để phát động chiến tranh vì đã đạt được mục tiêu quân sự và chính trị, theo nhà phân tích người Serbia.

Việc chiếm đóng Ukraine không có lợi mà còn khiến Nga lãng phí tiền và nguồn lực để nuôi sống hàng triệu người Ukraine, ông nói.

“Nga đang kiểm soát Crimea với lượng lớn khí đốt, cũng như vùng Donbass với trữ lượng lớn than”, ông Mikovic nhận định. “Ngoài hai vùng này, các vùng khác của Ukraine không có bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào”.

Trái với các quan điểm thường thấy về việc phương Tây lo ngại Nga, ông Mikovic cho rằng chính Moscow mới là phía yếu thế hơn.

“Nga không phải phía nắm quyền quyết định trong trường hợp này”, ông Mikovic nói. “Phương Tây nắm quyền chủ động và Nga sẽ phải thích ứng hoặc phản ứng trước các thực tiễn mới”.

Dẫn chứng cho “thế yếu” của Nga, ông Mikovic chỉ ra rằng Điện Kremlin đã nhượng bộ trước Mỹ và đồng minh phương Tây. Chẳng hạn, Nga phải chấp nhận việc Mỹ kéo dài quá trình thương lượng, trong khi thời gian không ở bên Nga.

“Nga càng chờ lâu thì Ukraine càng nhận thêm nhiều vũ khí hiện đại. Tới khi phải can thiệp, Nga sẽ ở vào vị thế khó khăn”, ông Mikovic nói.

Ngoài ra, ông Mikovic còn cho biết Nga đang phụ thuộc lớn vào phương Tây. “Những nhà tài phiệt Nga nắm giữ tài sản ở phương Tây và ở các địa điểm ngoại biên (offshore). Vì thế Nga sẽ phải nhượng bộ phương Tây để bảo vệ tài sản ở đây”, ông nói.

Lính Ukraine đón lô hàng viện trợ quân sự từ Mỹ tại sân bay quốc tế Boryspil, ngày 25/1. Ảnh: Reuters.

Lằn ranh đỏ của ông Putin

Tương tự ông Mikovic, ông Trenin nhận định lịch sử cho thấy Nga có thể sẽ động binh nếu Ukraine vượt quá “lằn ranh đỏ” bằng cách cố tái chiếm vùng Donbass bằng vũ lực. Năm 2008, Nga cũng đã có phản ứng quân sự khi Georgia tấn công lực lượng ly khai Nam Ossetia.

Ngoài ra, Tổng thống Putin còn một số lằn ranh đỏ khác, như việc NATO kết nạp Ukraine hay phương Tây đặt căn cứ quân sự hoặc hệ thống tên lửa tầm xa tại Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây ít có khả năng thực hiện những điều này, ông Trenin viết trên Foreign Affairs.

Khác với ông Mikovic, ông Trenin cho rằng tuy bị “ra rìa” trong trật tự hậu Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn có lợi thế trong cuộc đối đầu hiện tại.

Cụ thể, sau khi Xô Viết tan rã, phương Tây đã thiết lập trật tự châu Âu dựa trên vai trò trung tâm của Mỹ cùng NATO. “Sự sắp xếp ấy khiến Nga trở thành một nước phải nghe theo quy định mà không có nhiều tiếng nói trong vấn đề an ninh châu Âu”, ông Trenin viết trên Foreign Affairs.

Trong 5 lần mở rộng gần nhất của NATO, có 4 lần xảy ra dưới sự quan sát của ông Putin: Slovakia, Slovenia, Romania, và Bulgaria vào năm 2004, Croatia và Albania vào năm 2009, Montenegro vào 2017 và Bắc Macedonia vào năm 2020. Đối với ông Putin, Ukraine là phòng tuyến cuối cùng, ông Trenin nhận định.

Ukraine là phòng tuyến cuối cùng của Nga trước sự mở rộng về hướng đông của NATO, theo ông Trenin. Ảnh: Google Maps.

Chính sự chênh lệch đáng kể về tầm quan trọng của Ukraine đối với Nga và Mỹ khiến Moscow chiếm thế thượng phong trong cuộc đối đầu hiện tại.

Trong khi Mỹ không mấy mặn mà với việc triển khai quân để bảo vệ Ukraine, Nga coi đó là vấn đề lợi ích an ninh quốc gia sống còn và từng khẳng định sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự nếu lợi ích ấy bị de dọa.

“Chính lập trường sẵn sàng động binh và khoảng cách địa lý gần với Ukraine giúp Nga có lợi thế so với Mỹ cùng đồng minh”, ông Trenin nói.

Triển vọng đàm phán

Theo ông Trenin, khả năng Mỹ thực thi các yêu cầu của Nga theo hình thức và lịch trình do Moscow đặt ra là bằng không.

“Về lý thuyết, hai bên có thể đạt thỏa thuận về hai trong ba vấn đề mấu chốt: NATO không mở rộng và phương Tây không triển khai vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng gần Nga”, ông Trenin nói. “Nhưng những thỏa thuận như vậy sẽ mang tính chất chính trị, không mang tính ràng buộc về pháp lý”.

“Dù Nga quả quyết phải ký thỏa thuận chính thức với Mỹ, Moscow ắt hẳn hiểu rằng do đặc điểm của chính trường Mỹ, bất cứ hiệp ước nào cũng sẽ khó có thể được Quốc hội Mỹ phê chuẩn”, ông Trenin viết trên Foreign Affairs.

Vì thế, theo ông Trenin, một thỏa thuận hành pháp - dạng thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, không cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và không có địa vị pháp lý như luật - có thể là lựa chọn thay thế thực tế hơn cho cả hai bên.

Ngoại trưởng Mỹ (trái) và Nga gặp nhau tại Geneva vào ngày 21/1. Ảnh: New York Times.

Theo ông Trenin, yêu cầu chính của Nga - NATO ngừng mở rộng hướng về lãnh thổ của các nước Xô Viết cũ - đang được thực thi trên thực tế.

Ông Trenin cho rằng hai bên có khả năng đạt thỏa thuận về việc Mỹ không đặt bệ phóng tên lửa tại Ukraine, thể hiện qua việc các nhà đàm phán của Mỹ rất sẵn lòng trao đổi về chủ đề này tại Geneva.

Việc đặt căn cứ tên lửa ở Ukraine không phải là ưu tiên với Washington vì Nga có thể phản ứng bằng cách trang bị tên lửa siêu vượt âm cho tàu ngầm hoạt động gần Mỹ.

Ông Trenin nhận xét hai bên cũng có thể đạt thỏa thuận về các căn cứ quân sự của Mỹ và của thành viên NATO tại Ukraine. “Lúc này, các nước phương Tây mong muốn tránh chịu thiệt hại trong bất cứ cuộc giao tranh nào giữa Nga và Ukraine. Vì thế, họ đang lên kế hoạch sơ tán cố vấn khỏi đây”, ông nói.

Tuy nhiên, triển vọng hai bên thống nhất ngừng hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa Ukraine và Mỹ/NATO là rất thấp, thậm chí là không thể, theo ông Trenin. “Điều có hy vọng nhất là hai bên đồng ý giới hạn tính chất của những khí tài mà phương Tây cung cấp cho Kyiv”, ông Trenin nói.

“Để điều này xảy ra, Mỹ sẽ yêu cầu Nga giảm các hoạt động quân sự tại biên giới với Ukraine. Nhưng bất cứ động thái giảm leo thang nào từ Nga cũng sẽ đi kèm với yêu cầu NATO phải hạn chế triển khai quân gần biên giới của Nga với châu Âu”, ông Trenin viết.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-khong-co-ly-gi-tan-cong-ukraine-post1292630.html