Nga đốt tiền cho Syria và cuộc chiến in tiền trong nước

Chính phủ Nga vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách quân sự ở Syria dù tốn kém và Nga đang đối mặt tình trạng khó khăn về kinh tế.

Nhật báo tài chính RBK của Nga mới đây bình luận về khả năng Chính phủ Nga có in thêm tiền hay không trong nỗ lực đưa Không quân tới hỗ trợ Chính phủ Syria đánh chiếm chống lại khủng bố Hồi giáo IS.

Trong bối cảnh đang phải đương đầu với suy thoái kinh tế khá nghiêm trọng, Chính phủ Nga vẫn tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự tốn kém này.

Ông Sergei Shoigu đến căn cứ không quân ở miền bắc Syria tháng 6/2016.

Ước tính của RBK, với tần suất xuất kích khoảng 35 lần/chiếc mỗi ngày, chiến dịch quân sự tại Syria đã tiêu tốn của nước này khoảng 58,3 tỷ ruble (gần 1 tỷ USD).

Tại thời điểm tháng 3/2016, chi phí cho toàn bộ các máy bay tham gia chiến đấu vào lúc chiến dịch cao điểm nhất ước tính từ 2,5 triệu- 9 triệu euro/ngày.

Theo "RBK", từ đó đến nay chi phí càng ngày càng gia tăng. Ngoài các khoản chi trực tiếp cho không kích còn phải tính tới ngân sách bảo dưỡng máy bay, duy trì hoạt động của căn cứ không quân Hmeymim.

Hiện, không có số liệu đầy đủ về thành phần lực lượng Nga tại Syria. Cuối tháng 10/2015, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho RBF biết có khoảng 1.600 lính Nga đã được triển khai. Nhưng tháng 11/2015, hãng tin Reuters cho biết con số này trên thực tế lên đến gần 4.000 người.

Tháng 9/2016, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Nga trong thông cáo đưa ra tiết lộ 4.378 người Nga đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia tại căn cứ không quân ở Syria.

Dù đến nay chưa có số liệu chính thức về chi tiêu của Nga trong cuộc chiến này được tiết lộ công khai nhưng vẫn là con số khiêm tốn cho với Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết mỗi ngày ngân sách của phương Tây lên đến 11 triệu euro. Tính đến giữa tháng 8/2016, tổng chi phí cho chiến dịch can thiệp của phương Tây ước tính khoảng 8 tỷ euro.

Theo nhận định của Pavel Falgenhauer, chuyên gia quân sự độc lập trả lời trên tờ La Croix, ngân sách thực sự cho chiến dịch can thiệp của Moscow để hỗ trợ Chính quyền Damascus trên thực tế còn cao hơn các ước tính đưa ra như hoạt động hậu cần, vận chuyển bằng đường biển trang thiết bị khí tài và binh lính, bảo dưỡng tàu hải quân. Chưa kể Nga cung cấp cho quân đội Syria một lượng vũ khí rất lớn.

Chính phủ và các phương tiện thông tin chính thức của Nhà nước Nga thường xuyên đưa ra thông báo đánh giá chiến dịch can thiệp vào Syria nhưng không nhắc đến khía cạnh tài chính, mặc dù trên thực tế để hạn chế thâm hụt ngân sách, Chính phủ Nga đã phải sử dụng cả quỹ dự trữ.

Cuộc chiến in tiền ngày càng khốc liệt

Nga đang đứng giữa hai lựa chọn hết sức khó khăn: hoặc là tiếp tục chi tiền ồ ạt để hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, hoặc tiếp tục các chương trình an sinh xã hội và thúc đẩy sản xuất công nghiệp để tái khởi động tăng trưởng kinh tế.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga hy vọng rằng màn thể hiện tại chiến trường Trung Đông sẽ mang lại những hợp đồng bán vũ khí lớn trong tương lai.

Trong khi đó, các lệnh cấm vận từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác áp đặt lên Nga từ năm 2014 đã ảnh hưởng một cách khá nặng nề đối với kinh tế Nga.

Cấm vận kinh tế ảnh hưởng tới kinh tế Nga.

Do các biện pháp trừng phạt tài chính mà từ nửa cuối năm 2014-2017, Nga không được bổ sung nguồn vốn khoảng 280 tỷ USD, đồng thời mất đi dòng vốn ròng khoảng 160-170 tỷ USD, trong đó gồm có đầu tư trực tiếp khoảng 85 tỷ USD.

Việc bị cắt giảm các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã làm giảm đi cơ hội được vay vốn và việc giảm đi dòng vốn đầu tư vào Nga từ nước ngoài khiến các lệnh trừng phạt kinh tế có hiệu quả gấp hai lần.

Trong năm 2015, đầu tư trực tiếp vào Nga giảm so với năm 2013 từ mức 70 tỷ USD còn 6,5 tỷ USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, các lệnh trừng phạt trên đã kìm hãm GDP tăng trưởng từ 0,5-0,6%. Ngoài ra, kịch bản giá dầu giảm khiến nền kinh tế Nga càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng những ảnh hưởng của các lệnh cấm vận Nga và hành động đáp trả của Moskva đã khiến tăng trưởng GDP của nước này giảm từ 1 đến 1,5%/năm. Dưới tác động của làn sóng cấm nhập khẩu lương thực đầu tiên khiến lĩnh vực nhập khẩu giảm khoảng 9,1 tỷ USD (so với năm 2013).

Trả lời câu hỏi: làm cách nào để đền bù những thiệt hại mà nước Nga phải gánh chịu?

Nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là tiền mặt nhưng cái khó là phải xác định được con số để đền bù. Một số chuyên gia khác thì cho rằng cách bù đắp cho nước Nga lúc này không phải là kinh tế mà là các bước đi mang tính chính trị.

Cuộc chiến in tiền ở Nga: Putin khó xử

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nga-dot-tien-cho-syria-va-cuoc-chien-in-tien-trong-nuoc-3320295/