Nga có ưu thế đóng vai trò hòa giải, đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán

Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng về kinh tế đối với Triều Tiên, nhưng Nga có ưu thế chính trị, vì được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tín nhiệm, có thể làm trung gian hòa giải, thúc đẩy đối thoại đa phương.

Ngày 12/4/2017, tại Moscow, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Getty Images

Theo báo chí Trung Quốc và Nga, Moscow dự định để Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Nguồn tin từ giới ngoại giao Nga cho biết thông tin Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson muốn Nga gây ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng và thuyết phục Triều Tiên khôi phục đàm phán đa phương là có căn cứ thực sự.
Moscow theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên một cách bất an. Họ rõ ràng không hoan nghênh tàu khu trục Mỹ áp sát biên giới Triều Tiên - điều này sẽ chỉ gây trở ngại cho các nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng đối thoại.
Mặc dù vậy, Nga thực sự có thể đóng vai trò hòa giải trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Việc Triều Tiên phóng tên lửa thất bại vào ngày 16/4 cũng đã đem lại hy vọng nhất định cho khôi phục đối thoại.
Theo tờ Izvestia Nga, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề quốc tế mà Moscow và Washington có lập trường gần gũi. Hai nước lớn này nhất quán chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, gần đây cũng nhất trí ủng hộ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt thử hạt nhân.
Tuy nhiên, Nga và Mỹ vẫn tồn tai bất đồng về phương pháp giải quyết vấn đề này. Moscow cho rằng tình hình Triều Tiên không có phương án giải quyết bạo lực.
Washington mặc dù cũng tuyên bố đàm phán tốt hơn chiến tranh, nhưng cho rằng tiến hành tấn công đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên là một khả năng, đồng thời cam kết bảo vệ an ninh của mình và các đồng minh (Hàn Quốc, Nhật Bản) trong trường hợp khẩn cấp.

Từ ngày 6 - 7/4/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành hội đàm ở bang Florida, Mỹ, trong đó có bàn về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Mỹ và Hàn Quốc ứng xử nghiêm túc với sứ mệnh bảo vệ sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Mỹ vẫn kiên định trung thành với nghĩa vụ đồng minh, bao gồm bảo vệ Hàn Quốc".
Trong chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 16 - 18/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tiếp tục đưa ra cam kết của Mỹ đối với an ninh của đồng minh. Việc Triều Tiên phóng tên lửa thất bại ngày 16/4 hoàn toàn không gây ra rối loạn, không làm thay đổi mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề.
Đồng thời, khi thăm Moscow gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington đặt nhiều hy vọng vào Moscow là do Nga có thể thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán.
Hai quan chức ngoại giao Nga xác nhận, Moscow rất muốn khôi phục liên hệ quốc tế, thực sự đang tìm cách đưa Triều Tiên quay trở lại đàm phán đa phương.
Một nguồn tin cho biết: "Moscow luôn chủ trương dùng các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Chúng tôi đồng ý với sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về các động thái gần đây của Bình Nhưỡng, nhưng không cho rằng xâm lược Triều Tiên là lối thoát của giải quyết vấn đề".
Andrey Klimov, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Hội đồng Liên bang Nga cho biết: "Moscow không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, chưa từng lên tiếng làm nhục nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nga và Triều Tiên đang duy trì quan hệ giữa các chính đảng và quốc hội”.
“Đồng thời, hai nước có quan hệ ngoại giao tốt đẹp, thực hiện chế độ miễn visa. Chúng tôi có thể đóng vai trò hòa giải trong vấn đề này. Đồng thời, Moscow ủng hộ các nghị quyết đã được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua, yêu cầu Triều Tiên áp dụng các hành động trong đó có chấm dứt chương trình hạt nhân và thử tên lửa đạn đạo”.
“Trung Quốc cũng có đặc điểm tương tự, nhưng họ có chỗ khó của họ trong vấn đề này. Vì vậy, Nga là một trong những đối tác thích hợp nhất cho việc khôi phục đối thoại mang tính xây dựng".

Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: Epochtimes

Chuyên gia Vasilii Cashin, Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng Trung Quốc có nhiều biện pháp kinh tế hơn Nga trong việc gây ảnh hưởng đến Triều Tiên, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên gấp vài lần giữa Nga và Triều Tiên, nhưng Moscow có một ưu thế chính trị là được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul tín nhiệm.
Tuần trước, Quốc hội Triều Tiên tổ chức hội nghị, quyết định khôi phục công tác của Ủy ban Đối ngoại. Điều này cho thấy cùng với việc sẵn sàng cho chiến tranh, Bình Nhưỡng vẫn hy vọng hòa bình.
Điều đáng chú ý là, một trong những ủy viên của ủy ban này là nhà đàm phán chính của đàm phán vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan.
Moscow và Washington có kinh nghiệm chung trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân. Washington không chỉ một lần chỉ ra rằng Nga đã phát huy vai trò to lớn trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ở mức độ rất lớn, chính Nga thuyết phục Tehran quay trở lại bàn đàn phán.
Các dấu hiệu cho thấy, Mỹ vui mừng với việc tái diễn kịch bản Iran. Vấn đề chính là ở chỗ tàu khu trục Mỹ mang theo tên lửa Tomahawk thường xuyên hoạt động ở vùng biển lân cận Triều Tiên. Do đó, thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại với phương án đa phương sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, Moscow dự định sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn nổ ra chiến tranh ở khu vực biên giới Viễn Đông.

Phong Vân -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nga-co-uu-the-dong-vai-tro-hoa-giai-dua-trieu-tien-quay-lai-ban-dam-phan-119504.html