Nga bình thản đón trừng phạt Mỹ

Nga đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho trường hợp Mỹ quyết định gia tăng lệnh trừng phạt về kinh tế, giá dầu giảm sâu và cả tương lai EU ngừng trừng phạt.

Báo RT trích dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định đã dành thời gian nghiên cứu việc Mỹ có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga và đã sẵn sàng với những biện pháp "không tương xứng".

“Chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga đã tồn tại từ lâu. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị một loạt những biện pháp có thể được áp dụng theo một cách không tương xứng trong trường hợp những Nga bị áp đặt thêm lệnh trừng phạt”, ông Ryabkov nói.

Tuy nhiên, ông Ryabkov cũng không nêu cụ thể những biện pháp đối phó mà Nga đã lên kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Sputnik

Tuyên bố này của vị ngoại giao Nga đưa ra sau khi có các tuyên bố từ phía Mỹ cho thấy Washington có thể sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga do những bất đồng về tình hình ở Syria.

Trong khi đó, diễn biến giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong các phiên giao dịch đầu ngày 24/10.

Reuters cho biết, lúc 1h 33 GMT tức 8h 33 sáng (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 51,59 USD/thùng, giảm 19 cent, tương đương 0,4% so với phiên giao dịch cuối cùng trước đó.

Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng giảm 22 cent, tương đương 0,4% xuống còn 50,63 USD/thùng.

Các nhà giao dịch cho biết giá dầu thế giới giảm sau khi Iraq tuyên bố không muốn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy thị trường của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) theo kế hoạch sẽ được quyết định tại phiên họp của OPEC ngày 30/11 tới đây.

Với tín hiệu không mấy khả quan về giá dầu, các lệnh trừng phạt nếu được nhằm vào Nga thực sự sẽ tiếp tục là những áp lực lớn đẩy nền kinh tế nước này vào những kịch bản tồi tệ.

Song, ngay khi Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moscow, Thủ tướng Medvedev đã tuyên bố Nga sẽ xây dựng nền kinh tế tự chủ để "tự nuôi sống đất nước của mình".

Đi đúng tư tưởng và quan niệm này, mới đây, Bộ Kinh tế Nga đưa ra 3 kịch bản đối với nền kinh tế gồm kịch bản tiêu cực nhất, giá dầu thấp cực điểm; kịch bản lạc quan, tăng trưởng rất chậm và kéo dài đói nghèo tới 20 năm; kịch bản lạc quan nhất tăng trưởng GDP vào mức 4% (năm 2019) và trung bình đạt 3,6% trong cả thời kỳ 2016- 2035.

Việc Bộ Phát triển Kinh tế Nga công bố dự báo phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2035 và thẳng thắn nhìn nhận vấn đề một cách thực tế nhất cho thấy rằng, bản thân nước Nga không hề ảo tưởng, họ nhìn thẳng vào những khó khăn hiện tại mà họ đang phải đối mặt.

Kịch bản giá dầu thấp sẽ có thể gây tồi tệ cho nền kinh tế Nga. Ảnh biếm họa

Trong bản kế hoạch của Bộ Phát triển Kinh tế Nga không hề đề cập đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Moscow. Bởi lẽ, bản thân Moscow không mong đợi hoặc đặt nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ giữa Nga với phương Tây sẽ trở nên tốt đẹp.

Nga đã dự đoán sẵn sẽ chủ động trước khó khăn giống như những gì họ thể hiện trong 2 năm vừa qua.

Kịch bản không quá tiêu cực

Dẫu vậy, tương lai nền kinh tế Nga không quá tăm tối bởi Liên minh châu Âu EU đang có nhiều bất đồng trong việc tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới vấn đề ở Syria.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc ngày họp thứ nhất tại Thủ đô Brussels của Bỉ hôm 21/10 trong chia rẽ và bất đồng xung quanh giải pháp trừng phạt Nga, đặc biệt là Italia và Slovakia. Bất chấp tuyên bố được cho là định hướng quan điểm nhằm vào các biện pháp gia tăng trừng phạt kinh tế Nga, các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn không thể thống nhất về việc có trừng phạt Nga nữa hay không.

Trong khi Đức đang kiên quyết các phản ứng áp đặt trừng phạt Nga, giới quan chức nước này lại "làm ngơ" cho các doanh nghiệp trong nước làm ăn với Nga.

Nga hiện được giới doanh nhân Đức đánh giá rất cao, đầu tư của nước này vào thị trường Nga đã đạt mức kỷ lục. Tờ báo Spiegel dẫn số liệu từ Phòng Thương mại Đức- Nga và Ngân hàng liên bang Đức nhấn mạnh, chỉ tính riêng trong quý hai của năm 2016, các công ty Đức đã đầu tư vào Nga tới 655 triệu euro - nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính quyền Đức thời gian qua đang dần chuyển sang xu thế ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chính trị gia Đức, thậm chí là cả các lãnh đạo ở cấp chính phủ đã đến Moscow để đàm phán về làm ăn kinh tế với Nga.

Trong ngày 25/10, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Đức, một phái đoàn hơn 20 nghị sĩ và chính trị gia đương nhiệm cùng với các nhà hoạt động xã hội, các doanh nhân, các nhà khoa học Đức đã đến thăm bán đảo Crimea của Nga trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/9 tại Moscow. Ảnh: Sputnik

Cả Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, đã cùng đoàn tùy tùng đông đảo các doanh nhân đến thăm Moscow ngày 21-22/9, và sau đó là các chuyến thăm của Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Bavaria Horst Zeehofeere.

Theo quan điểm của chuyên viên Đức Hans-Henning Schroder, các chính khách Gabriel, Steinmeier đang cố gắng tiếp cận để cải thiện quan hệ với Nga. Ông Gabriel phấn đấu khôi phục liên hệ kinh tế, mà kết quả cuối cùng sẽ có thể là cải thiện bầu không khí chính trị.

Việc Tổng thống Putin tiếp Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đã cho thấy "giai đoạn đối đầu" đã kết thúc.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-binh-than-don-trung-phat-my-3321629/