Nga bắt đầu phải tháo dỡ máy bay của mình để lấy phụ tùng

Tháo dỡ máy bay để lấy phụ tùng là cách Nga bắt buộc phải làm nhằm duy trì hoạt động cho những phi cơ mua từ phương Tây.

Nhiều hãng hàng không của Nga, bao gồm cả doanh nghiệp lớn nhất Aeroflot do nhà nước kiểm soát đã buộc phải tháo dỡ máy bay phản lực Boeing và Airbus của mình để tận dụng phụ tùng thay thế do không còn mua được từ nước ngoài do vướng lệnh trừng phạt.

Thông tin này được hãng truyền thông Anh Reuters đăng tải, sau khi tham khảo nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không Nga. Bước đi này phù hợp với hướng dẫn của chính phủ Nga ban hành vào tháng 6/2022 cho các hãng bay.

Nội dung chính của hướng dẫn là khuyến nghị là cho một số máy bay ngừng hoạt động để lấy phụ tùng thay thế, nhằm đảm bảo các phi cơ do nước ngoài sản xuất còn lại vẫn có thể tiếp tục bay cho đến ít nhất là năm 2025.

Những biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp dụng đối với Nga đã khiến các hãng hàng không của nước này không nhận được phụ tùng thay thế, hoặc dịch vụ bảo trì từ phương Tây.

Tại thời điểm này, có một vài máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga và chiếc Airbus A350 thuộc sở hữu của Aeroflot đã ở trên mặt đất từ lâu đang trong danh sách phân loại, nguồn tin của hãng thông tấn Reuters tiết lộ.

"Chiếc Airbus A350 bị tháo dỡ gần như còn mới, nhưng để duy trì khả năng bay của các phi cơ khác, nó buộc phải trở thành đối tượng hy sinh", nguồn tin của Reuters nói rõ, đồng thời đề nghị giấu tên vì vấn đề trên khá nhạy cảm.

Theo ghi nhận của Reuters, từ trước đến nay, hiện tượng “ăn thịt đồng loại” trong ngành hàng không Nga là lẻ tẻ, hiếm gặp. Nhưng với thời gian trôi qua và hiệu lực của các lệnh trừng phạt, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Ngoài ra dòng Sukhoi Superjet của Nga cũng phụ thuộc nhiều vào các bộ phận của nước ngoài. Đến thời điểm này, một động cơ đã được loại bỏ khỏi chiếc máy bay phản lực mới do Nga sản xuất để cho phép chiếc Superjet còn lại tiếp tục bay.

Trong nỗ lực chứng minh tin tức do mình thu thập được là chính xác đưa ra, Reuters đề cập đến thông tin từ cơ sở dữ liệu theo dõi máy bay Flight Radar 24 nổi tiếng.

Theo số liệu thống kê, 15% máy bay (khoảng 50 chiếc) thuộc đội bay Aeroflot đã không cất cánh kể từ cuối tháng 7/2022. Con số này bao gồm 3 chiếc Airbus A350 do nước ngoài sản xuất (chúng không hoạt động trong hơn 3 tháng qua).

Các chuyên gia phân tích của Reuters còn nhận định rằng việc đảm bảo nguồn cung từ các quốc gia không áp đặt hạn chế đối với Nga khó có thể giúp ích, bởi vì những công ty từ châu Á và Trung Đông lo ngại nguy cơ bị chính phủ phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với họ.

Ngoài ra bất kỳ nỗ lực nào để vượt qua các hạn chế đều có thể dễ dàng bị phát hiện, do các nhà sản xuất máy bay lớn đã đưa ra quy tắc thông báo bắt buộc về việc phân phối những bộ phận được đánh dấu bằng số serial duy nhất.

"Vì vậy, sẽ không ai đồng ý cung cấp phụ tùng cho Liên bang Nga, bởi vì toàn bộ đường đi của bộ phận phải được Boeing và Airbus biết trước, họ luôn kiểm soát trước khi giao cho người dùng cuối", hãng thông tấn Reuters nói rõ.

Việc tháo dỡ phụ tùng để lắp lên máy bay khác cũng không đảm an toàn, bởi những bộ phận này đã hao mòn nhất định, rất khó để máy bay Boeing hay Airbus của Nga được phép bay ra nước ngoài.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-bat-dau-phai-thao-do-may-bay-cua-minh-de-lay-phu-tung-post513448.antd