New York - thành phố sắp kết nghĩa với TP HCM: Là trung tâm tài chính thế giới, GDP năm 2020 cao gấp 3 lần Việt Nam

Trong chuyến công tác tới Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiện sẽ chứng kiến lễ ký kết quan hệ kết nghĩa giữa TP HCM và TP New York - hai trung tâm tài chính, kinh tế hàng đầu của mỗi quốc gia.

Nằm trong khuôn khổ chuyến công tác đến Mỹ để tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) và các hoạt động song phương tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chứng kiến lễ ký kết quan hệ kết nghĩa giữa TP HCM và TP New York.

Theo Sisters Cities International (SCI), thành phố kết nghĩa (sister city, thành phố chị em) là mối quan hệ lâu dài giữa hai thành phố ở hai quốc gia khác nhau. Một số quan hệ mang tính chất pháp lý, trong khi số khác chỉ mang tính biểu tượng. Việc hai thành phố kết nghĩa với nhau nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao thương, kinh doanh, khoa học công nghệ,…

Theo thống kê, hiện TP New York đang kết nghĩa với 9 đô thị khác trên thế giới, bao gồm Athens (Hy Lạp), Bắc Kinh (Trung Quốc), Budapest (Hungary), Jerusalem (Israel), Johannesburg (Nam Phi), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha), Santo Domingo (Cộng hòa Dominica) và Tokyo (Nhật Bản).

Dự kiến, TP HCM sẽ trở thành thành phố kết nghĩa thứ 10 của New York trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ.

Trong khi đó, theo Sở Ngoại vụ TP HCM, tính đến tháng 7/2015, thành phố đã ký thỏa thuận kết nghĩa với 40 thành phố nước ngoài, với những cái tên nổi bật như San Francisco (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Moscow (Nga), Osaka (Nhật Bản) …

New York và TP HCM có nhiều điểm tương đồng để trở thành thành phố kết nghĩa, chẳng hạn như là đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển mạnh về lĩnh vực tài chính, thương mại. Tuy TP HCM có diện tích lớn gần gấp 3 lần New York, nhưng quy mô dân số của hai thành phố gần như tương đương nhau.

Theo thống kê, cả hai thành phố này đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Vào năm 2020, TP HCM đóng góp 17,2% GDP Việt Nam, trong khi thành phố New York chiếm 4,9% GDP nước Mỹ. Ngoài ra, cả hai cũng thuộc nhóm những thành phố có GDP bình quân đầu người cao nhất tại từng quốc gia.

So sánh một số chỉ tiêu kinh tế của TP HCM và TP New York. (Minh Quang tổng hợp Tổng hợp từ TCTK, Fed).

Trung tâm tài chính của hai quốc gia

Ngoài ra, TP New York và TP HCM đều là trung tâm tài chính, kinh tế quan trọng của cả hai nước. TP New York là trung tâm tài chính quan trọng nhất của nước Mỹ và toàn thế giới, đánh bại cả những tên tuổi lâu đời như London hay Paris.

Thành phố này là nơi đặt trụ sở của 16 công ty thuộc danh sách Fortune Global 500, cao thứ ba thế giới, chỉ sau hai đô thị là Bắc Kinh và Tokyo. Theo thông tin trên website thành phố, New York có khoảng 330.000 lao động làm việc trong lĩnh vực tài chính, là trụ sở của hơn 200 công ty đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm.

Những ngân hàng, quỹ đầu cơ khổng lồ như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley hay BlackRock, Blackstone đã lựa chọn New York là nơi đặt trụ sở. Ngoài ra, ba tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín bậc nhất trên toàn cầu là S&P Global, Moody's và Fitch đều có đại bản doanh ở New York.

New York cũng sở hữu hai sàn chứng khoán khổng lồ là NYSE và NASDAQ với quy mô vốn hóa vượt trội hoàn toàn so phần còn lại của thế giới. Tổng vốn hóa của NYSE và NASDAQ bằng vốn hóa của 11 sàn giao dịch xếp sau cộng lại, tương đương 176% tổng sản phầm quốc nội (GDP) của Mỹ.

Theo số liệu từ Statista, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản đang đóng góp khoảng 45,2% GDP của thành phố New York trong năm 2022. Khoảng một nửa trong số này đến từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Giá trị vốn hóa trên sàn NYSE gần tương đương GDP của nước Mỹ.

TP HCM cũng được coi như trung tâm tài chính, kinh tế của Việt Nam, được nhiều doanh nghiệp tài chính trong và ngoài nước chọn làm nơi đặt trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Một số ngân hàng như: HSBC UOB,... đã đặt hội sở tại TP HCM.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, vào năm 2022, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực đóng góp nhiều thứ hai cho GRDP của thành phố, đạt 10,1%, chỉ đứng sau hoạt động thương nghiệp (16,4%).

Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng là một trong 3 sàn giao dịch chứng khoán chính của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 8, vốn hóa của HOSE đạt 4,9 triệu tỷ đồng, tương đương 203 tỷ USD, cao gấp 3,5 lần vốn hóa của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM (do HNX quản lý) cộng lại. Vốn hóa của sàn HOSE tương đương khoảng 55% GDP Việt Nam năm 2022.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/new-york-thanh-pho-sap-ket-nghia-voi-tp-hcm-la-trung-tam-tai-chinh-the-gioi-gdp-nam-2020-cao-gap-3-lan-viet-nam.html