Nếu người dân tìm được kho báu 3 tấn vàng ven sông Cà Ty thì chia chác ra sao?

Trong một số trường hợp thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu thì người nhặt được kho báu có quyền xác lập sở hữu hoặc được hưởng một phần giá trị tài sản.

Như PLO đã đưa tin, ngày 12-4, Giám đốc VHTT&DL Bình Thuận đã có kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất không xem xét, giải quyết đối với đơn xin khai thác vật quý của ông Huỳnh Phú Tân.

Lý do là ông Tân không cung cấp được thông tin, hình ảnh, tư liệu gì cụ thể, rõ ràng để chứng minh có sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu "kho báu" 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty (Phan Thiết).

Vậy giả sử tìm được “kho báu” 3 tấn vàng thì số vàng sẽ được xử lý như thế nào? Những tình huống pháp lý nào có thể phát sinh trong trường hợp này?

Trao đổi với phóng viên, Ths Nguyễn Đức Hiếu (Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM), phân tích: Xung quanh giả thiết "tìm được 3 tấn vàng" có thể đặt ra nhiều tình huống.

Thứ nhất, trong trường hợp chủ sở hữu vì một lý do nào đó mà từ bỏ quyền sở hữu thì có thể căn cứ Điều 228 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu. Theo đó, nếu tài sản là động sản thì quyền sở hữu thuộc về người phát hiện, quản lý; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về nhà nước.

Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai. Sau 1 năm mà không xác định được chủ sở hữu động sản thì quyền sở hữu thuộc về người phát hiện tài sản. Nếu tài sản là bất động sản, thì sau 5 năm không xác định được chủ sở hữu thì tài sản thuộc về nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Sông Cà Ty chảy giữa lòng TP Phan Thiết nơi ông Huỳnh Phú Tân xin phép khai thác "kho báu". Ảnh: PN

Thứ hai, nếu số vàng được tìm thấy do người khác vì một lý do nào đó mà vô tình đánh rơi khi đi trên sông, thì sẽ căn cứ Điều 230 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên.

Theo đó, trường hợp người phát hiện được tài sản đó biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản. Nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo, giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai.

Sau 1 năm mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định:

- Tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

- Tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 30 Nghị định 29/2018 quy định cụ thể về mức chi cho các trường hợp nêu trên.

Nếu số vàng được cố tình chôn lấp dưới lòng sông thì sao?

Nếu số vàng được cố tình chôn lấp dưới lòng sông hoặc vì một lý do nào đó như tai nạn đắm tàu chôn vùi dưới lòng sông, thì số vàng tìm được thì sẽ xác định theo tại Điều 229 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.

Theo đó, trường hợp biết chủ sở hữu là ai, thì người phát hiện phải thông báo hoặc trả lại ngay. Nếu không biết chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Trường hợp tài sản này không có hoặc không xác định được chủ sở hữu mà không phải tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở, sau khi trừ các chi phí tìm kiếm, bảo quản thì thuộc sở hữu của người tìm thấy.

Nếu tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, phần giá trị còn lại thuộc về nhà nước.

Ngoài ra, về mức thưởng, căn cứ khoản 5 Điều 30 Nghị định 29/2018 (quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân) thì tùy loại tài sản được tìm thấy mà được hưởng thêm mức thưởng khác nhau căn cứ vào giá trị của tài sản.

Về mức thanh toán phần giá trị của tài sản, khoản 6 Điều 30 Nghị định 29/2018 quy định: Phần giá trị của tài sản cho tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm trong trường hợp không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

LS DƯƠNG HOÀNG THẢO, Đoàn Luật sư TP.HCM

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/neu-nguoi-dan-tim-duoc-kho-bau-3-tan-vang-ven-song-ca-ty-thi-chia-chac-ra-sao-post785306.html