Nếu còn nghi ngờ Phan Anh 'làm màu', hãy đọc câu chuyện về bà cụ này

Cơn lũ ở miền Trung rồi sẽ qua, cũng như cơn lũ thông tin bẩn trên Facebook rồi cũng sẽ dừng lại thôi. Và trong lúc chờ đợi những ngày nắng đẹp, các bạn hãy chịu khó quan sát xem, để thấy vẫn còn những người tốt, vẫn còn những nghĩa cử, như mầm xanh trước nhà mình mà bà cụ đã âm thầm mang sang.

(Ảnh minh họa: Gia đình Việt Nam)

1. Hôm nay, một lần nữa khách qua nhà mua hàng than phiền về bà cụ kế bên nhà mình. Bạn nói bà cụ làm bạn ấy sợ. Một bà cụ da nhăn nheo, mặt khó chịu, nhìn mình lom lom, lại lẩm bẩm những tiếng gì đó mà mình không hiểu, có lẽ ai cũng sợ. Mà nguyên xóm mình vừa chuyển về đều có vẻ khó chịu với bà cụ. Thỉnh thoảng, chúng ta lại gặp những người già như thế. Khó chịu, khó chìu, khó gần, khó ở.

Lúc vừa dọn về, mình cũng khó chịu chứ. Bà cụ cứ hay nhìn lom lom sang nhà mình. Mình đi đâu về cũng thấy bà ngồi trước cửa, miệng cứ nói những tiếng gì đó không rõ. Trời chập choạng tối, bà mà cầm quả táo nữa thì chắc mình xua vợ vào nhà: "Bạch Tuyết đừng lấy quả táo, vào nhà đi, để Hoàng Tử xử lý mụ phù thủy". Rất hên là bà chưa bao giờ cầm táo, bà thường cầm một tô cơm.

2. Căn nhà mình đang ở chính là của bà cụ ấy.

Ban đầu nó là một căn nhà có chiều ngang 5 mét. Con cái lớn lên muốn rời đi, bà bèn chia nhà làm hai căn. Bà ở một căn, một căn bán đi lấy tiền cho con. Người mua không ai khác hơn là mẹ mình. Mẹ mình nói bà già lắm rồi nên con bà nói khi bà mất sẽ bán luôn căn còn lại. Lúc ấy nếu có tiền mình có thể mua lại, từ tách một thành hai đã có thể nhập hai thành một.

3. Bà cụ bị lãng tai rất nặng. Bà không nghe người ta nói gì, mà người ta cũng không biết bà nói gì. Nếu bạn bị điếc, khả năng phát âm của bạn cũng hỏng. Bà người Huế, ngữ âm nặng cộng với việc không nghe lâu ngày khiến bà không còn nói ra được những gì bà muốn nói nữa. Mình nghĩ đó là một cực hình. Những người như thế, rất dễ tạo ác cảm cho người khác.

Một hôm nọ, khi đi chở hàng về thì mình thấy gốc nhà mình có một cái cây, chồi non xanh mướt, rất đẹp. Mình nhìn sang thì thấy bà cụ mỉm cười, lại xí xô xí xào một tràng mà mình không nghe được gì. Nhưng lần này mình hiểu, bà cụ tặng cho mình một gốc cây để trước nhà.

Trước nhà cụ cũng có rất nhiều cây. Cụ có một cái chậu nhỏ hứng nước mưa, rồi cụ lấy nước mưa ấy tưới cho cây. Thú vui của người già đó mà. Mình chợt nhớ thằng Lữ. Trên con đường vào khu vườn nhà nó, ba nó đã cắm một cái bảng, ghi: "Những ai yêu thiên nhiên không phải là người xấu".

4. Bà cụ hiển nhiên không là người xấu. Nếu không, bà đã không cho mình cái cây dù mình khó chịu thấy rõ với cụ. Sau này, mỗi khi gặp cụ, mình đều hỏi "Bà ăn cơm chưa?", bà cụ trả lời xí xô xí xào xong rồi cười cái miệng món xọm. Mình cũng cười với bà. Mỗi ngày, mình đều có tầm hai đoạn "đối thoại" như vậy.

Người nói không hiểu gì, người nghe không hiểu nốt. Nhưng đâu nhất thiết phải hiểu những gì có thể cảm nhận nhỉ? Mình sống trong căn nhà cũ mà cụ từng nuôi con. Giờ con cụ đi rồi. Mình trạc tuổi con cụ, nhìn mình và căn nhà, như nhìn lại kỷ niệm vậy.

5. Mình chợt nhớ một mẩu quảng cáo camera của Thái Lan. Trong mẩu quảng cáo ấy, có một anh chàng ăn xin rách rưới dơ bẩn, hay ngủ trước một cửa hàng mậu dịch. Sáng nào ông chủ mở cửa ra cũng thấy người ăn xin nằm đấy. Ông ấy khó chịu lắm. Hôm thì tạt nước cho nó tỉnh dậy, hôm thì đá đít, lấy chổi rượt nó. Suốt một thời gian dài như thế, sáng nào ông cũng phải tống cổ cái gã hôi hám ấy ra khỏi cửa hàng của mình.

Video quảng cáo "camera ghi hình chàng ăn xin" của Thái Lan.

Rồi một hôm người đàn ông mở cửa, không nhìn thấy người ăn xin đâu. Một ngày, hay ngày rồi một tuần, tự nhiên thấy trống trải. Ông bèn mở lại camera chống trộm gắn trước cửa hàng xem. Thì thấy tối nào khi ông đóng cửa hàng, gã ăn xin ấy cũng tới. Gã ngủ trước nhà ông, gã dọn rác cho cửa hàng ông tinh tươm, gã đuổi những đứa nhậu xỉn về tè trước nhà ông, gã trở thành con chó giữ nhà cho ông mà ông không hề biết.

Rồi một ngày, vì ngăn cản bọn trộm, gã bị bọn trộm đâm chết. Người đàn ông xem lại băng ghi hình khóc, khán giả xem quảng cáo cũng khóc. Người Thái là bậc thầy trong khả năng tạo cảm xúc cho người xem. Thông điệp của quảng cáo là không phải lúc nào bạn cũng nhìn thấy tất cả.

6. Và chúng ta sẽ còn thấy ít đi rất nhiều nữa nếu khước từ khả năng quan sát. Bà cụ gần nhà mình đã mất khả năng nghe, nói, chỉ còn khả năng nhìn. Bà hay nhìn ra đầu ngõ, ngóng xem con mình có về chưa, cả đứa con đang ở cùng nhà lẫn đứa con đã chuyển ra sống riêng. Nhưng chưa bao giờ vợ chồng mình thấy con của cụ cả. Chỉ có cụ, với tô cơm hoặc tờ báo trên tay một mình trong căn nhà nhỏ.

Không như cụ, mình còn đủ các giác quan. Nhưng đôi khi mình nhìn quá ít mà nghe quá nhiều. Mình nghe người ta nói rồi tôi tin đấy là thật, khước từ khả năng quan sát. Định kiến của con người chính là vì người ta ít khi chịu quan sát, nhưng lại dễ tin. Và chuyện càng tiêu cực, qua cái khuếch tán tai hại của nút share Facebook, lại càng khiến người ta tin nhiều hơn, nhanh hơn.

MC Phan Anh phát quà cho người dân miền Trung. (Ảnh: Kênh 14/Trí thức Trẻ)

7. Nhưng bạn thử nhìn đi, nhìn thật kỹ, để thấy vẫn có những câu chuyện thật đẹp. Anh Phan Anh lên đường ra miền Trung, mang theo rất nhiều niềm tin. Và trên những chuyến xe về miền trung đợt này, không chỉ có người của anh ấy.

Nhỏ em mình đang chuẩn bị đồ đạc, thuốc men cho một đợt cứu trợ sau lũ, quan trọng cũng không kém đợt cứu trợ khẩn cấp này. Và mỗi lần có lũ, ta lại thấy cả nước hướng về đó. Tình người, tình đồng loại, đồng bào không đẹp sao?

Dạo này mình hay làm show ở các trường đại học, nhận thấy các bạn trẻ rất thông minh và không phải ai cũng nghĩ đến chuyện "trốn ra nước ngoài". Các em vẫn tâm tư nhiều về tương lai đất nước. Nếu chính phủ không tạo điều kiện, tự họ sẽ thích nghi với những gì mình có. Và điều tuyệt vời là từ RMIT cho đến Bách Khoa, Tôn Đức Thắng, mình không thấy các bạn nhìn vào điện thoại thông minh. Các bạn vẫn đọc sách nhiều và vẫn ôm nhiều hoài bão.

Cơn lũ ở miền Trung rồi sẽ qua, cũng như cơn lũ thông tin bẩn trên Facebook rồi cũng sẽ dừng lại thôi. Và trong lúc chờ đợi những ngày nắng đẹp, các bạn hãy chịu khó quan sát xem, để thấy vẫn còn những người tốt, vẫn còn những nghĩa cử, như mầm xanh trước nhà mình mà bà cụ đã âm thầm mang sang.

8. Như hai câu thất ngôn trác tuyệt của Thiền Sư Mãn Giác vậy:

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".

Thanh Bình

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/cafe-sang/neu-con-nghi-ngo-phan-anh-lam-mau-hay-doc-cau-chuyen-ve-ba-cu-nay-128616