Nếu còn chủ quan... cháy nổ sẽ không giảm!

Tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến chủ quan, xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Cháy do sự thờ ơ, thiếu hiểu biết

Thông tin về thực trạng công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Thủ đô trong vòng 5 năm trở lại đây đã xảy ra 3634 vụ cháy làm chết 91 người, bị thương 145 người, thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ riêng từ ngày 16/11/2016 đến 31/7/2017, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 605 vụ cháy lớn nhỏ khiến 18 người chết, 5 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 400 tỉ đồng và 55ha rừng.

Hiện trường vụ cháy xảy ra tại xưởng gỗ công nghiệp nằm trong khu vực KCN Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. ảnh: Nguyễn Công

Cụ thể, vào hồi 2h52’ ngày 13/7, vụ cháy xảy ra trong nhà dân có địa chỉ số 37 ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Diện tích đám cháy khoảng 30m2. Cả 4 người trong một gia đình tử vong trong đám cháy. Tài sản ở dưới tầng 1 của ngôi nhà này bị lửa thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu xác định do chập điện ở quạt treo tưởng trong bếp. Tiếp đến vào hồi 1h52’ ngày 19/7, vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà số 48 ngõ 41 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Do cửa sổ, ban công các tầng trên làm lồng sắt kiểu “chuồng cọp”, không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra cháy, các nạn nhân không chạy ra được.

Vụ cháy đã làm 2 người phụ nữ tử vong. Và mới đây nhất, vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra hồi 10h30’ ngày 29/7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo trên địa bàn xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Trần Văn Được (trú tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) làm chủ. Vụ cháy đã làm 8 người chết và 2 người bị thương nặng. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do xưởng đang tiến hành sửa chữa, thợ hàn xì làm bắt tia lửa điện vào trần gác xép (được ghép bằng xốp) nên gây cháy. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam thợ hàn xì và triệu tập chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo đến cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Những thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Thành phố, trung bình mỗi ngày xảy ra gần 3 vụ cháy lớn nhỏ. Điều đáng nói, số vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản ngày càng gia tăng. Theo Đại tá Trần Văn Vụ, những vụ cháy có nguyên nhân chính là do người dân bất cẩn trong sinh hoạt và do vi phạm những quy định PCCC, chẳng hạn như sử dụng thiết bị điện trong nhà thiếu an toàn, sửa chữa cải tạo hàn cắt các loại mà không nắm rõ quy định về phòng cháy chữa cháy.

“Từ những đốm lửa nhỏ nếu người dân không bình tĩnh để xử lý thì sau đó nó lan ra tạo thành những đám cháy lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng.Có thể thấy, phần lớn các nạn nhân trong vụ cháy vẫn chưa có kỹ năng để bảo vệ mình, trong đó, nạn nhân vẫn chưa nhận thức được những bất thường để chạy đến khu vực an toàn khi có cháy xảy ra” – Đại tá Trần Văn Vụ bày tỏ.

Mỗi người dân đều phải trang bị kiến thức

Do đó, để công tác PCCC đạt hiệu quả, không để xảy ra những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, có những thiệt hại đang tiếc về người và tài sản thì bên cạnh sự nỗ lực của cảnh sát PCCC, mỗi người dân cũng cần phải tự nâng cao kỹ năng về PCCC, đồng thời trang bị những phương tiện chữa cháy tại gia đình mình. Đó là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bản thân và gia đình thoát khỏi những nguy cơ cháy, nổ.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy gây ra và để công tác cứu nạn, cứu hộ được nhanh nhất, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiềm chế số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi phát hiện ra cháy đầu tiên phải hô to cho mọi người cùng biết là có cháy, đồng thời, phải tiến tới cầu giao điện để cúp điện trước khi chữa cháy. Cùng với đó người dân cần gọi số 114 để lực lượng PCCC nắm được tình hình và sẽ đưa lực lượng PCCC tiếp cận một cách nhanh nhất để tổ chức cứu người, chữa cháy.

Bên cạnh những sự nỗ lực của lực lượng PCCC, Đại tá Trần Văn Vụ cho rằng, người dân cũng cần phải tự trang bị cho mình kiến thức, biện pháp về PCCC và các kỹ năng thoát nạn khi cháy xảy ra. Trong đó, đặc biệt tuân thủ các quy định về phòng cháy để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc. “Đối với hệ thống điện phải đảm bảo lắp đặt thiết bị bảo vệ như át- tô -mát, cầu trì.

Không cắm nhiều thiết bị điện, có công suất lớn vào một ổ cắm. Đặc biệt, nhiều vụ cháy xảy ra vào ban đêm, lúc đó gia đình ngủ nên không biết. Do đó, các gia đình nên lắp hệ thống báo cháy tự động hoặc chuông báo cháy, nên trang bị các thiết bị chuyên dụng đề phòng cháy, nổ xảy ra như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, phương tiện phá dỡ để thoát ra ngoài khi xảy ra sự cố… Bên cạnh đó, trong gia đình cần bố chí, sắp xếp nơi ăn ở gọn gàng không che lấp lối thoát nạn và chuẩn bị các phương án thoát nạn”.

Đồng quan điểm, Đại Tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho rằng: “Mọi hoạt động PCCC đều phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải biết về PCCC để khi xảy ra cháy nhỏ, biết xử lý thì sẽ không có cháy lớn.

Khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng thì không bao giờ lo cháy nữa, nếu có xảy ra cháy cũng sẽ xử lý kịp thời, không gây hậu quả lớn. Nhưng thực tế, người dân lại rất “chủ quan” trong việc phòng cháy nên khi xảy ra rồi mới cuống, không biết làm thế nào. Khi lực lượng cảnh sát PCCC đến thì “nước xa không cứu được lửa gần”. Nhất là trong điều kiện giao thông như hiện nay, để tiếp cận được đám cháy, đặc biệt là những đám cháy trong nội đô là một khó khăn rất lớn đối với lực lượng PCCC”.

Qua một số vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người trong thời gian qua, có thể thấy, ý thức nhận thức nói chung của người dân và cả những người đứng đầu cơ sở hay cơ quan đơn vị hay ở các hộ gia đình vẫn còn hạn chế. Nhiều người còn xem nhẹ, chủ quan thậm chí coi thường các điều kiện phòng ngừa, để dẫn đến những phát sinh, tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra cháy cao và ngày một gia tăng. Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức lớp tập huấn miễn phí về PCCC để tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về PCCC.

Thậm chí, các chiến sĩ còn xuống tận khu dân cư, cùng tổ trưởng tổ dân phố gửi giấy mời đến từng gia đình, nhưng số lượng người tham gia vẫn rất ít, đa số là trẻ em và người già, nơi nào đông lắm cũng chỉ được 10% cư dân. “Vừa qua chúng tôi tổ chức lớp tập huấn cho cư dân ở chung cư số 71 Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi cử cán bộ đi gửi giấy mời đến từng hộ và phát loa hàng chục lần để thông báo nhưng cũng chỉ có 17 người trên tổng số hơn 200 hộ đang sống ở đây đến tham dự” – Đại tá Sơn bày tỏ.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/neu-con-chu-quan-chay-no-se-khong-giam-58352.html