Nét văn hóa đặc sắc của người Chăm Bắc Bình

Nằm ở phía bắc của tỉnh, Bắc Bình là miền đất có đầy đủ núi đồi, biển cả, sa mạc nhưng nét chủ đạo vẫn là đồng bằng lúa nước. Nơi đây có hơn 40.000 đồng bào Chăm sinh sống lâu đời trong đó có người Chăm theo đạo Hồi (Bà ni) và Chăm theo đạo Bà la môn.

Bắc Bình là miền đất có đầy đủ núi đồi, biển, nhưng nét chủ đạo vẫn là đồng bằng lúa nước.

Những làng Chăm tại Bắc Bình mang nét đặc trưng về chất làng quê và hương vị biển, chủ yếu trồng lúa nước, rau màu, làm gốm và vươn khơi bám biển. Tiếp nối tập tục truyền thống, người Chăm tại Bắc Bình vẫn nặn đồ gốm gia dụng: vò, bình, lọ, và cả các bức tượng thần đều bằng đôi tay trần, không có công cụ hỗ trợ, khác hẳn kiểu dùng bàn xoay của người Việt. Gốm được nung bằng củi, rơm rạ chứ không dựng lò nung như người vùng miền khác.

Người Chăm tại Bắc Bình vẫn nặn đồ gốm gia dụng: vò, bình, lọ, và cả các bức tượng thần đều bằng đôi tay trần

Du khách chiêm ngưỡng làm gốm tại Bắc Bình.

Cùng với làm gốm, trồng lúa nước hay trồng cây trên đồi núi thì nét ẩm thực tinh tế ẩn chứa thông qua các loại mắm của người Chăm nơi đây cũng vô cùng độc đáo, như: mắm chưng, mắm nêm… Và chưa kể nhiều món khác như nướng, canh cá… cũng do người Chăm nghĩ ra để làm phong phú mâm cơm hàng ngày. Bắc Bình với những địa danh Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Sông Lũy… từ đó mang hơi thở mặn nồng với các thứ đặc sản biển nổi tiếng khắp cả nước, mà tiêu biểu là nước mắm và đồ khô biển.

Bánh tét và bánh gừng là loại không thể thiếu trong các ngày lễ.

Hàng năm, dân tộc Chăm ở Bình Thuận có những tập tục, lễ hội truyền thống thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sinh hoạt xã hội của người Chăm ở Bình Thuận vẫn còn tồn tại những nếp sống khá đặc biệt, thể hiện nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của mình như: Sự ôn hòa, sự tôn trọng lời hứa, lòng trung thành, sự trung thực, tính tôn ti trật tự và đặc biệt là truyền thống hiếu học.

Những dịp tháng tư lịch Chăm, người Chăm theo đạo Hồi thường tổ chức lễ Ramưwan.

Ai đến Bắc Bình đều thấy ấn tượng với những trảng cát đỏ au, vàng rực trải dài ở Phan Rí, Tuy Phong… Đây cũng chính là sự độc đáo của các di sản thiên nhiên nơi này. Những dịp tháng tư lịch Chăm, người Chăm theo đạo Hồi thường tổ chức lễ Ramưwan giống như lễ tảo mộ thanh minh của người Việt. Nghi lễ tảo mộ của người Chăm thật sự tạo nên bức tranh huyền ảo khi hàng trăm người dân già, trẻ, nam, nữ ăn vận trang phục sặc sỡ, nghiêm cẩn có mặt trên nghĩa địa cúng bái, cầu kinh. Ramưwan cùng với lễ hội Katê của người Chăm Bà la môn đã trở thành di sản văn hóa quốc gia.

Lễ hội Katê của người Chăm Bà la môn.

Bắc Bình là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc của văn hóa Chăm miền đồng bằng và ven biển. Không ngẫu nhiên Bắc Bình trở thành huyện trù phú về kinh tế, phát triển mạnh mẽ du lịch văn hóa về nguồn với trung tâm di sản văn hóa Chăm trưng bày những cổ vật vô cùng quý giá từ vài trăm năm hình thành và phát triển tộc người Chăm. Cộng đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận qua nhiều thế kỷ và cùng với các dân tộc anh em khác trên vùng đất này đã đóng góp cho nền văn hóa của tỉnh nhà nói riêng và của Việt Nam nói chung nhiều di sản quý giá. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu quan trọng, luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/net-van-hoa-dac-sac-cua-nguoi-cham-bac-binh-114871.html