Nét mới trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Bình

Nhờ có nhiều cách làm hay và sáng tạo, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã có những thay đổi toàn diện, kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc, đời sống người dân liên tục được nâng lên.

Nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Bình thời gian qua là các HTX từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả canh tác, gia tăng thu nhập cho thành viên.

Phát huy vai trò HTX

HTX là nòng cốt để các địa phương hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất và xây dựng kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, những năm qua, xã Tân Bình đã chủ động phát huy hiệu quả của HTX nông nghiệp Tân Bình, tạo điểm tựa cho nông dân.

Với sự đồng hành của địa phương, đến nay, bình quân mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 2,2 triệu cây giống rau màu chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững với 46 tiêu chí và 8 vấn đề).

Hoạt động hiệu quả của các HTX đang tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Bình.

Hoạt động hiệu quả của các HTX đang tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Bình.

HTX cũng xây dựng cánh đồng liên kết với hơn 150ha. Ngoài canh tác lúa, HTX còn thực hiện các loại hình dịch vụ như: bơm tưới, làm đất, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động tín dụng nội bộ, cắt gặt liên hợp, nước sinh hoạt nông thôn, cung ứng giống cây trồng, phơi sấy và tồn trữ.

Không chỉ vậy, HTX còn nỗ lực đồng hành cùng nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo dựng môi trường sinh thái, bảo đảm môi trường bền vững. Bảo vệ môi trường cũng là một đóng góp của HTX trong xây dựng nông thôn mới bên cạnh tiêu chí về giảm nghèo.

Thời gian tới, hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch, HTX Tân Bình còn phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng của tỉnh mở nhiều lớp tập huấn cho thành viên để chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây lúa theo quy trình "1 phải - 5 giảm".

Ông Trần Thanh Long, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình, cho biết: “Bằng sự tâm huyết, tích cực của các thành viên nên các diện tích sản xuất của HTX đã đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Từ thành công ban đầu, HTX đã nghiên cứu mở rộng diện tích đa dạng hóa các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho các thành viên”.

Thời gian tới, HTX tiếp tục ứng dụng các biện pháp tiến bộ vào sản xuất, tìm kiếm thêm nhiều doanh nghiệp đa dạng đầu ra cho nông sản; mở rộng diện tích trồng ớt, bắp...

Bên cạnh HTX Tân Bình, trên địa bàn huyện Thanh Bình còn rất nhiều HTX hiệu quả khác. Như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã Tân Mỹ) với mô hình thâm canh cây ăn trái.

Đến nay, HTX đang quản lý, sản xuất 992ha đất với các loại cây: xoài, nhãn, mít... trong đó có 35ha xoài đã được chứng nhận VietGAP. HTX cũng đang thực hiện các loại hình dịch vụ như: giới thiệu và tiêu thụ lúa, ớt, cây ăn trái, cung ứng vật tư đầu vào và phân thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp giống lúa, cây trồng...

Nâng cao giá trị sản xuất

Ông Hồ Văn Giao, Giám đốc HTX Thống Nhất, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình canh tác, HTX chủ động liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường cho thành viên”.

Thời gian tới, HTX tiếp tục phấn đấu đưa vườn cây ăn trái thành điểm du lịch sinh thái miệt vườn; sản xuất, kinh doanh thêm các dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn, giảm giá thành...

Theo thống kê, hiện toàn huyện Thanh Bình có 19 HTX nông nghiệp đang hoạt động, với tổng số 6.840 thành viên. Hiệu quả của kinh tế hợp tác, HTX đang giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đang là đơn vị chủ lực phát triển sản xuất lúa an toàn, VietGAP, hữu cơ trên địa bàn huyện. Trong đó, các HTX đang đóng góp canh tác hơn 350ha sản xuất đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ trên 100ha, 8 vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn.

Diện mạo nông nghiệp nông thôn huyện Thanh Bình ngày càng khởi sắc.

Diện mạo nông nghiệp nông thôn huyện Thanh Bình ngày càng khởi sắc.

Thành công của các HTX là một trong những yếu tố quan trọng giúp huyện Thanh Bình thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện, địa phương có 8 sản phẩm được công nhận 3 sao, 9 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Cùng với thúc đẩy HTX, để đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Bình chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, huyện tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại gắn với chế biến.

Huyện đã và đang thực hiện nhiều dự án, mô hình sản xuất hiệu quả như: Dự án VnSAT, Dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” của Tổ chức Seed to table; Dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”; mô hình mẫu sản xuất sen gắn phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị; mô hình sản xuất lúa áp dụng công nghệ 4.0 gắn liên kết tiêu thụ; mô hình sản xuất và tiêu thụ xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, gắn liên kết tiêu thụ...

Tăng tốc nông thôn mới

Từ điểm tựa chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, huyện Thanh Bình đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2024. Hiện, huyện đạt 4/9 tiêu chí và đạt 26/36 tiêu chí theo Bộ tiêu chuẩn huyện nông thôn mới.

Đến cuối năm 2023, huyện phấn đấu có 10/12 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt chuẩn. Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 18,73%/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 2%; 100% chất thải rắn cụm công nghiệp, y tế nguy hại được thu gom và xử lý.

Đồng thời, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ duy trì hoạt động ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông được quan tâm đầu tư, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, huyện có 2 chỉ tiêu chưa đạt: thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 57/75 triệu đồng/năm so với nghị quyết đề ra và chỉ tiêu tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 94/98%.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2024, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường, sản xuất an toàn, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số.

Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng chính quyền các cấp của dân, do dân, vì dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; lãnh đạo tốt các khâu công tác cán bộ và quản lý cán bộ theo quy định; thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm.

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/net-moi-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-thanh-binh-1094744.html