Nét mới trong lễ Sen đôn ta (cúng ông bà) của đồng bào Khmer ngày nay

Hàng năm cứ vào cao điểm mùa mưa (tháng Tám Âm lịch) khắp nơi trong phum sóc đồng bào Khmer Nam bộ đều tổ chức lễ Sen đôn ta (cúng ông bà). Tùy điều kiện của từng gia đình, từng ngôi chùa mà Sen đôn ta được tiến hành từ 3 đến 15 ngày, với mong muốn đền đáp công đức sinh thành, dưỡng dục.

Sự tích kinh điển Phật giáo, kể rằng vào 01 đêm khuya, Vua Pum Pisa bỗng nghe tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, van xin: hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm… Sau đó nhà vua tìm đến chùa thỉnh ý của Phật đó là những đầu bếp trước kia đã gian lận, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc Vương Mahinda – cách nay đã 92 kiếp, khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay. Theo lời dạy của Phật, nhà vua cúng dường, dâng cơm cho chư tăng để truyền phước đến cho bọn quỷ này. Vì vậy hàng năm đồng bào Khmer làm mâm cỗ cúng dường nhà sư, với mong muốn sẽ đến với bậc tiền nhân quá cố, và dần dần đã hình thành lễ Sen đôn ta. Với ý nghĩa như vậy nên theo ông À-cha Thạch Sa Mít, ở xã Long Thới, huyện Tiểu Cần nghi lễ chỉ được tiến hành vào những ngày đêm không có ánh trăng.

Dâng cơm nhà sư thay vì tự cúng ông bà

Dâng cơm nhà sư thay vì tự cúng ông bà

Ông À-cha Thạch Sa Mít nói: “Nghi thức được tiến hành từ ngày 16 đến 30 là thời điểm trăng khuyết, đêm tối dài, vì người Khmer quan niệm rằng trong số tiền nhân quá cố của mình cũng có thể có người làm điều ác, bị đày xuống địa ngục, có khi không có cả quần áo để mặc, nên không thể đến nhận thức ăn vì xấu hổ”.

Lễ Sen đôn ta xưa kia được tiến hành trong 3 tháng mưa, nhưng nay được rút ngắn không quá 15 ngày, tùy theo điều kiện của từng chùa, bổn đạo. Lễ Sen đôn ta được tiến hành từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 Âm lịch (người Khmer gọi là tháng Pót trô bất), với các nghi lễ chính gồm: lễ đặt cơm vắt, lễ cúng tiếp đón ông bà, lễ tựu hội và lễ tiễn ông bà. Với các nghi lễ này thì nghi thức “cúng” ông bà quan trọng nhất, tuy nhiên hiện nay nhiều người có quan niệm “cúng” không thể đến với người thân quá vãng mà phải dâng thức ăn để nhà sư đọc kinh hồi hướng mới họ thọ hưởng được.

Đặt bát hội trong ngày Sen Đôn ta.

Đặt bát hội trong ngày Sen Đôn ta.

Ông À cha Kim Sắc, ở xã Tân Sơn, huyện Trà Cú cho rằng: “Theo quan điểm của người Khmer hình thức cúng kiến không thể đến với người quá cố, chỉ qua nhà sư đọc kinh mới đến được. Do đó rất nhiều bà con không còn tiến hành nghi thức cúng ông bà nữa. Tùy theo kinh tế gia đình và số lượng nhà sư trong chùa, nếu chùa ít sư thì thỉnh 1-2 vị, còn nhiều thì thỉnh 3-4 vị về độ cơm, đọc kinh hồi hướng cho ông bà”.

Cũng có chuyện kể dân gian cho rằng, xưa kia đất rộng người thưa, sau khi cấy lúa xong con cháu thường chống xuồng đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ ở nơi xa, có khi đi lâu ngày mới tới. Vì vậy, họ luôn chuẩn bị cẩn thận thức ăn mang theo và phần quà bánh biếu cho ông bà, cha mẹ. Khi đến nơi, có người được niềm vui sum họp, nhưng cũng có người lại đau buồn người thân đã mất do tuổi già sức yếu hay bệnh tật nhưng phận làm con ở xa không hay biết…. Lâu dần họ hẹn nhau tại một chỗ nào đó có điều thuận lợi để cùng nhau làm lễ cúng ông bà.

Làm lễ trước khi đạt bát hội

Làm lễ trước khi đạt bát hội

Quan điểm dân gian này cũng khá thuyết phục, vì trong nghi thức tiễn đưa ông bà bao giờ cũng kèm theo mô hình thuyền bẹ. Ông Thạch Suông ở Phường 7, thành phố Trà Vinh cho biết, mặc dù có thỉnh nhà sư đọc kinh hồi hướng nhưng gia đình vẫn làm mâm cơm cúng ông bà, đặc biệt trong nghi thức cúng tiễn không thể thiếu muối, gạo, quần áo, vật dụng...

Ông Thạch Suông nói: “Nói chung ở thành phố Trà Vinh hầu hết gia đình đều tiến hành nghi thức cúng ông bà. Tùy theo khả năng, có gia đình chỉ cúng, lại có gia đình vừa thỉnh nhà sư vừa cúng. Nhất là lễ thứ 2 – lễ cúng ông bà và trong lễ tiễn đưa ông bà có người còn cúng cả quần áo, gạo, tiền”.

Nhiều gia đình cung ung thỉnh nhà sư đọc kinh cầu siêu hồi hướng đến người quá vãng thay vì tự cúng ông bà như trước đây

Nhiều gia đình cung ung thỉnh nhà sư đọc kinh cầu siêu hồi hướng đến người quá vãng thay vì tự cúng ông bà như trước đây

Trong khi đó, theo đại đức Thạch Sin, trụ trì chùa Sóc Mới, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, lại cho rằng lễ Sen đôn ta là lễ truyền thống của đồng bào Khmer. Lễ Sen đôn ta không được nêu trong bộ kinh Tam tạng như các lễ Phật giáo khác, như lễ Phật đản chẳng hạn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer đều gắn với nghi lễ Phật giáo và ngược lại. Đặc biệt nghi thức thỉnh nhà sư đọc kinh cầu an, cầu siêu là không thể thiếu. Do vậy, theo đại đức Thạch Sin cần gìn giữ, bảo tồn nghi thức cúng ông bà tại gia như tên gọi của nghi lễ này.

Đại đức Thạch Sin nói: “Có một số bổn chùa người ta chỉ còn thỉnh nhà sư về nhà độ cơm. Còn ở chùa sư ngày 29 là ngày cúng, ngày 30 bà con phật tử tập trung làm lễ tại chùa. Chúng ta gọi nghi lễ này là sên (cúng) ông bà, nghĩa là cúng cho người thân quá cố của mình. Đặc biệt nghi thức cúng này không phải xuất hiện mới đây, từ trước khi Phật giáo chưa du nhập vào. Do đó theo quan điểm cá nhân sư nghi thức cúng nên được gìn giữ”.

Phật tử lễ chùa trong ngày Sen Đôn ta

Phật tử lễ chùa trong ngày Sen Đôn ta

Sen đôn ta là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, đến những người quá vãng đối với phận là con cháu; thể hiện nét đẹp truyền thống trong đời sống của đồng bào Khmer Nam bộ. Nghi lễ này, hiện có nhiều thay đổi so với trước đây, cả về thời gian lẫn cách thức thực hiện. Tuy vậy, những nghi thức quan trọng mang tính truyền thống vẫn được lưu giữ, thậm chí có phần thịnh soạn và hoành tráng hơn.

Thạch Trà Vinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/net-moi-trong-le-sen-don-ta-cung-ong-ba-cua-dong-bao-khmer-ngay-nay-post1052599.vov