Nét độc đáo và giá trị văn hóa Mỹ [Kỳ 2]

Cú 'sốc' tương lai: Tên cuốn sách nổi tiếng của Alvin Toffler (1928-2016) có thể dùng để miêu tả người Mỹ sống trong tâm trạng 'sốc' do nhịp độ sống gấp, cập rập, phải cố gắng theo cho kịp sự việc. Công nghệ thay đổi cuộc sống hàng ngày như vũ bão (lò viba, video, máy fax, máy vi tính…phổ biến).

Cuốn sách "Cú sốc tương lai" của tác giả Alvin Toffler.

Lạc quan: Lạc quan chi phối hướng nhìn về tương lai, ngày mai chỉ có thể tốt hơn ngày hôm nay, nếu ta biết nắm được cơ hội. Tiến bộ cá nhân kéo theo tiến bộ xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mức sống cao, cơ hội thành công nhiều hơn ở các nơi khác, sự bình đẳng xã hội tương đối, tất cả những điều kiện ấy tăng cường niềm lạc quan. Tuy vậy, với một số người Mỹ, tôi thấy họ khá bi quan về nạn thất nghiệp, kinh tế khó khăn, các món nợ nước ngoài… Tình hình này tạm thời hay có ảnh hưởng sâu sắc đến tính lạc quan cơ bản của người Mỹ?

Dân chủ: Đối với người Mỹ, nền dân chủ không phải chỉ đơn giản có một nguyên tắc là thiểu số phục tùng đa số, khi đa số này thể hiện ý chí qua chế độ đại diện hay cả khi trực tiếp qua trưng cầu dân ý. Để tránh sự lạm dụng nguyên tắc đa số, người Mỹ tìm cách khẳng định bằng luật pháp tối cao một số nguyên tắc cơ bản, mặt khác đưa ra một số cơ chế có tính cách thiết chế để giám sát, điều chỉnh, sử dụng các quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) để kiểm tra lẫn nhau ở các cấp.

Đầu óc độc lập: Cao bồi (cow boy = gã chăn bò), tuy ngày càng ít ở Mỹ, có thể đặc trưng cho lý tưởng Mỹ về nhiều mặt: tự tin, phiêu lưu, cứng rắn, nam nhi, một mình đương đầu với mọi hiểm nguy. Cá nhân quyết định là chính. Trẻ con được huấn luyện cái gì cũng tự làm lấy. Độ 18 tuổi, thanh niên có thể sống riêng, cắt khỏi gia đình. Thanh niên phải cố tự xoay lấy nhà ở, mặc dù bố mẹ có thể giúp được… Khái niệm “riêng tư” (privacy) của cá nhân phải được hết sức tôn trọng. Từ nhỏ trẻ con đã thấm nhuần ý thức là đồ vật, chỗ ở, tư tưởng riêng biệt từng người không ai được vi phạm, kể cả bố mẹ.

Chủ nghĩa cá nhân và đa nguyên: Cá nhân được ưu tiên. Đó không phải là ích kỷ, người Mỹ quan niệm cá nhân có nhiệm vụ thành công để đẩy xã hội lên. Những kiệt tác văn học đề cao sự nổi dậy của cá nhân như: Huckleberry Finn của Mark Twain (1835-1910); Moby – Dick or The Whale của Herman Melville (1819 – 1891) … Ở Mỹ, chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh ý nghĩa: “Sự khẳng định quyền lợi của con người”. “Sự bảo vệ những thực thể văn hóa nhỏ chống lại những thực thể văn hóa lớn”. Nó xuất phát từ những ông tổ lập quốc, rời bỏ quê hương để tránh đàn áp (từ sau 1620).

Chủ nghĩa cá nhân đi kèm với đa nguyên: tất cả các tư tưởng, khuynh hướng, đều có thể được thể hiện và thực hiện; bảo đảm cơ hội cho các cá nhân công dân, nhóm hay địa phương. Các bộ phận nhân dân, tôn giáo, địa phương … đều phải được tôn trọng.

Uy quyền: Nước Mỹ được khai sinh sau khi thoát khỏi vua Anh. Hoàn cảnh lịch sử ấy để lại một nếp suy nghĩ. Uy quyền được tôn trọng trên cơ sở khả năng thực tế chứ không phải do chức tước hay tuổi tác. Người già hay bị coi là lạc hậu. Trong một xã hội thay đổi quá nhanh, kinh nghiệm không quý giá như ở các nước có văn minh truyền thống ổn định.

Ảnh hưởng Thanh giáo: Mặc dù xã hội đã chuyển từ nông thôn sang thành thị, nhiều truyền thống Mỹ của những người nhập cư châu Âu Thanh giáo (thế kỷ XVII) vẫn còn ảnh hưởng: tự tin, cần cù, sống giản dị, băn khoăn của lương tâm cá nhân, coi lập nghiệp và làm giàu là đúng với ý Chúa (các doanh nhân rất được tôn trọng; già vẫn làm việc để phù hợp với đạo đức Thanh giáo và để kiếm thêm tiền chứ không nghỉ).

Lao động là đức tính được đề cao nhất. Người Mỹ lao động như điên. Người ta đánh giá con người theo số của cải người ấy sắm nhờ lao động. Chủ nghĩa vật chất này nằm trong nền văn hóa Mỹ.

Thời gian là tiền bạc: Đó là câu châm ngôn Mỹ điển hình. Vua ôtô Henry Ford được coi là anh hùng vì chế ra dây chuyền lắp xe hơi tiết kiệm thời gian. Siêu thị rất tiêu biểu cho người Mỹ vì tiết kiệm được cả tiền lẫn thời giờ. Loại thức ăn nhanh (fast food) chỉ cần một phút là có; những tiệm ăn Mc. Donald’s rất đúng tinh thần Mỹ. Chương trình hàng ngày được sắp xếp như máy. Hiệu quả là tiêu chuẩn cao nhất. Người Mỹ thậm chí không có thời giờ để tận hưởng kết quả lao động của họ.

Một xã hội không an bài: Ở Mỹ, người ta luôn luôn tìm cách vươn lên; ít phụ thuộc vào nhóm xã hội, kể cả gia đình. Người ta luôn luôn không hài lòng với vị trí của mình. Một người dân Đông Đức rất hài lòng khi đến làm ăn ở Mỹ, vì ở Mỹ không cần phải là bác sĩ mới được tôn trọng, người ta không cần biết bố anh là ai, cứ có tiền là có thể mua xe hơi Mercedes, tậu biệt thự, lên giai cấp dễ dàng. Người nước ngoài chê người Mỹ quá ư vật chất, họ chưa thấy hết giá trị tượng trưng cho thành công cá nhân của tiền.

Dư luận: Tuy rất cá nhân, người Mỹ đánh giá cao dư luận về mình. Được công chúng, bạn bè thích là dấu hiệu của thành công. Phải bỏ ra nhiều thời gian để có nhiều người thích mình, ủng hộ mình.

Đầy mâu thuẫn: Kể ra những đặc điểm của văn hóa Mỹ thì thấy những mâu thuẫn rất nhiều. Có tự do tư tưởng báo chí, nhưng độc giả vẫn không được thông tin tốt. Giàu có mà người nghèo vẫn ngủ ngoài phố. Thân mật nhưng láng giềng không nói chuyện với nhau. Đất đai trù phú nhất thế giới mà ăn uống không ngon. Mặc dù có nhiều máy móc dụng cụ nhưng cuộc sống không lịch sự. Bình đẳng có khi dẫn đến tầm thường. Vô tuyến có nội dung đại chúng thấp.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/net-doc-dao-va-gia-tri-van-hoa-my-ky-2-265058.html