Nét đẹp lồng chim truyền thống

Giữa đông đúc phố phường, đâu đó vẫn lảnh lót tiếng chim hót, giúp con người vợi đi những nhọc mệt đời thường. Thú chơi chim tao nhã hầu như là của người cao tuổi trước đây giờ đang được trẻ hóa, nhiều câu lạc bộ chim cảnh khắp cả nước hình thành, tạo ra những sân chơi lành mạnh. Chơi chim còn có nghĩa là chơi lồng chim. Và góp phần 'thổi hồn' cho những chiếc lồng chim tinh xảo, là bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Vác (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Dương Nỗ (Thừa Thiên - Huế),...

Nghề làm lồng chim ở xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội (xưa là làng Vác) ngày càng phát triển.

Giữa đông đúc phố phường, đâu đó vẫn lảnh lót tiếng chim hót, giúp con người vợi đi những nhọc mệt đời thường. Thú chơi chim tao nhã hầu như là của người cao tuổi trước đây giờ đang được trẻ hóa, nhiều câu lạc bộ chim cảnh khắp cả nước hình thành, tạo ra những sân chơi lành mạnh. Chơi chim còn có nghĩa là chơi lồng chim. Và góp phần “thổi hồn” cho những chiếc lồng chim tinh xảo, là bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Vác (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Dương Nỗ (Thừa Thiên - Huế),...

Chỉ mấy năm trước, lồng chim cảnh, đặc biệt là những chiếc lồng nuôi chim khuyên, chào mào cao cấp, nhỏ nhắn nhưng chạm trổ hết sức kỹ lưỡng gần như là sản phẩm độc quyền của nghệ nhân một vài nước trong khu vực. Song hiện nay, nghề làm lồng chim ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ, dần làm chủ trên sân nhà. Những chiếc lồng được làm thủ công trong nước đã không còn thua kém về mỹ thuật so với lồng ngoại. Mẫu mã phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu cả về hình thức lẫn chất lượng, chất liệu mà giá rẻ hơn nhiều so với lồng nhập khẩu; nhờ thế lồng chim sản xuất trong nước ngày càng chiếm được sự yêu mến của những người chơi chim cảnh.

Tại thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội (thời xưa, xã Dân Hòa có tên gọi cổ là làng Vác), hầu hết những chiếc lồng chim tinh xảo được chế tác hoàn toàn thủ công. Tính đến nay, nghề làm lồng chim tại đây đã có cả trăm năm lịch sử. Người được xem là ông tổ làng nghề là cố nghệ nhân Nguyễn Văn Tý. Sau khi học được nghề làm lồng chim, cụ Tý truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (thường gọi là cụ Ba Mi). Đến nay, những người chơi chim sành sỏi may mắn còn giữ được một vài chiếc lồng nuôi chim họa mi do chính tay cụ Ba Mi làm luôn trân trọng như những món đồ cổ đắt giá. Ở độ tuổi hơn 60, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, con trai cả của cụ Ba Mi, vẫn tiếp tục cùng con cháu gắn bó với nghề làm lồng chim. Nhớ lại kỷ niệm từ hồi nhỏ, ông Nghệ vẫn luôn tự hào vì gia đình mình được vinh dự làm gần chục chiếc lồng chim theo “đơn đặt hàng” của ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ, để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Còn nhớ, cụ Ba Mi, ông Nghệ, tất cả con cháu trong nhà và đông đảo anh em họ hàng đã rộn ràng ngày đêm như chuẩn bị hội làng để làm ra những chiếc lồng ưng ý nhất. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù dưới bom đạn ác liệt, nhiều người Hà Nội vẫn nuôi chim để làm cảnh, nghe chim hót. Hơn mười tuổi, ông Nghệ đã theo cha len lỏi khắp các phố phường Hà Nội để bán và nhận đặt làm lồng chim. Thời kỳ sau giải phóng, một chiếc lồng Vác đẹp của nhà ông Nghệ mang vào tới TP Hồ Chí Minh có thể đổi được một chiếc xe máy Honda.

Làng Vác đã trải qua cả trăm năm thăng trầm. Giờ đây, theo ông Trần Văn Muôn, Trưởng xóm Thế Hiển, thôn Canh Hoạch, hiện riêng xóm Thế Hiển đã có hơn 1.000 hộ làm lồng chim. Từ trẻ nhỏ, thanh niên, người lớn, người già tại đây đều gắn bó với nghề này. “Trước đây, dân làng ngoài làm nông, bằng đôi bàn tay khéo léo còn có thêm nhiều nghề như làm quạt, đan rổ rá, làm mây tre xuất khẩu...; nhưng bây giờ hầu như sống bằng nghề làm lồng chim, giống như làng Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) chủ yếu sống bằng nghề làm hàng mã. Nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, cần mẫn; và muốn làm ra chiếc lồng chim đẹp cần có đôi bàn tay của một người thợ giỏi. Đời sống càng phát triển, càng có nhiều người nuôi chim, chơi chim, vì thế nghề của chúng tôi ngày càng khấm khá. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì nghề truyền thống này”, ông Trần Văn Muôn nói. Nhiều năm trước, các hộ gia đình làm lồng chim thường chủ động hoàn toàn từ khâu chọn tre, trúc cho đến khi sản xuất ra sản phẩm bán cho khách hàng. Song giờ đây Canh Hoạch đã thành một làng nghề hoàn chỉnh, chuyên nghiệp hóa từng khâu. Có người chuyên đi xa mua nguyên vật liệu từ khắp các nơi mang về, người chuyên sơ chế bằng cách ngâm nước, luộc kỹ để tránh mối mọt rồi bán lại cho các hộ làm lồng chim. Khâu gia công cũng được chia nhỏ thành nhiều công đoạn, có nghệ nhân chuyên đục, chạm khắc các chi tiết đòi hỏi tay nghề cao; có người chuyên tỉ mẩn chuốt nan lồng... Từ làng Vác, lồng chim được bán trong cả nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Một số hộ gia đình lại chuyên làm lồng chim bán sang Trung Quốc, sau đó những chiếc lồng này được hoàn thiện, “độ” thêm các chi tiết rồi quay lại thị trường trong nước với giá bán đắt hơn nhiều lần.

Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi hiện đại, nghệ nhân Đào Văn Dần cho tôi xem những chiếc lồng chim khuyên đang hoàn thiện chuẩn bị giao cho khách đặt có giá tới 20 triệu đồng/chiếc. Gần 40 tuổi nhưng anh Dần đã có tay nghề làm lồng chim hơn 30 năm. Sản phẩm của anh chủ yếu là những chiếc lồng chim khuyên nhỏ nhắn nhưng cực kỳ tinh xảo. Anh Dần cho biết, các sản phẩm này có thể làm hài lòng khách hàng khó tính, kể cả những mẫu đục theo tích cổ Trung Quốc như thập bát la hán, chim, hoa mẫu đơn, bách điểu, cô tiên, 12 con giáp,...; hoặc những tích thuần Việt như hoa sen, hoa mai hay bất cứ mẫu nào được yêu cầu bằng các chất liệu như tre, trúc, gỗ quý. Muốn có được một chiếc lồng bền, đẹp, trước hết phải chọn loại tre hoặc trúc già, được ngâm nước đủ ngày (chừng hai tháng), sau đó luộc kỹ (khoảng 6 giờ) rồi mới bắt đầu các công đoạn khác như uốn cong để làm tang lồng hay ghép làm đáy lồng, chân lồng hoặc chuốt nan. Với công nghệ cắt gọt CNC hiện đại, một số khâu làm lồng chim đơn giản, đồng đều có thể dùng máy; nhưng để có được một chiếc lồng chim chạm trổ cầu kỳ thì tay nghề của nghệ nhân với sự giúp đỡ của các dụng cụ hiện đại là những yếu tố quan trọng. Tại nhà anh Dần, bắt gặp những khách hàng đặc biệt, như Tú “lốp” - một "nghệ nhân" chơi chim có tiếng đang sống tại phố Hai Bà Trưng, Hà Nội; đang sở hữu rất nhiều loại chim quý và hàng trăm chiếc lồng đắt tiền. Anh Tú cho biết, trước kia chỉ chơi lồng Trung Quốc, nhưng gần đây đã chuyển sang sưu tập lồng Vác vì giá cả hợp lý, chất lượng tốt và nhiều mẫu “độc”; các nghệ nhân lại sẵn sàng chiều theo sở thích khách hàng. Thông thường, lồng Trung Quốc làm chủ yếu bằng trúc và gỗ nhẹ; còn lồng Vác hay làm từ tre già, gỗ thịt nên cầm chiếc lồng cứ chắc nịch chứ không nhẹ bẫng...

Cùng với làng nghề Vác, một số nghệ nhân ở Thừa Thiên - Huế cũng làm ra những chiếc lồng chim tinh xảo mang đậm dáng hồn Việt, được những người chơi chim yêu thích. Nghệ nhân Đoàn Minh Căn ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang nhiều lần đoạt giải cao tại các triển lãm làng nghề nổi tiếng trong tỉnh và toàn quốc, với tay nghề chạm rồng, phượng,... bằng chất liệu tre già trên những chiếc lồng chim khuyên, chào mào, sơn ca đắt giá. Bằng nghề làm lồng chim, ông Căn cùng vợ và các con đã xây được biệt thự, cuộc sống sung túc. Để đặt được một chiếc lồng tre ưng ý của ông, người chơi phải chờ đợi vài tháng với số tiền hàng chục triệu đồng. Từ sự giới thiệu của nghệ nhân Căn, tôi được gặp trực tiếp nhiều "nghệ nhân" chơi chim sành sỏi đất Hà thành, những người đã từng lặn lội vào Huế chỉ cốt đặt được những chiếc lồng chim chào mào, khuyên,... mang phong cách hoàng cung được chạm trổ rồng, phượng... Anh Thành “nước mắm”, chủ một doanh nghiệp có tiếng, nhà ở Láng Hạ đã khoe với tôi bộ sưu tập hàng trăm chiếc lồng chim chào mào hết sức phong phú của Thái-lan, Trung Quốc và Việt Nam. Anh so sánh với vẻ tâm đắc: “Lồng của Thái-lan thường đơn giản, bóng bẩy và nặng nề. Lồng Trung Quốc thì cầu kỳ và nhẹ, còn lồng Huế và lồng Vác mình sưu tầm là những chiếc chạm trổ theo phong cách thuần Việt nhưng chắc chắn; lại luôn mang vẻ khác biệt, độc đáo”.

Ra nghề muộn hơn so với nhiều đồng nghiệp nhưng sẵn tay nghề đục đẽo được truyền thụ tại Đồng Kỵ, nghệ nhân trẻ Đặng Đình Thắng giờ đây đã nổi danh khắp ba miền khi đều đặn cung cấp cho giới chơi chim hàng chục chiếc lồng chào mào làm bằng gỗ quý mỗi tháng. Cơ sở sản xuất lồng chim của chàng thanh niên mới 19 tuổi ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chủ yếu sản xuất những chiếc lồng chào mào vuông bằng các loại gỗ quý như trắc, hương, mun, bách xanh,...; khởi nguồn chỉ là để thỏa mãn thú chơi chim, sau phát triển mạnh thành một nghề có thể làm giàu. Thắng tâm sự: “Em làm lồng chim cho những người có cùng đam mê, thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người chơi bằng những sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý”. Khách hàng của Thắng chủ yếu là các bạn trẻ, những người thích lồng chim đẹp nhưng phải thực dụng để vừa nuôi chim hằng ngày, có thể treo trong nhà, lại cũng thuận tiện để mang đến các “trường chim” đấu hót...

Không còn là thú vui chỉ dành cho người cao tuổi, mấy năm gần đây, chơi chim cảnh được đông đảo lớp trung niên và thanh niên yêu thích. Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, tiếng chim hót bên hiên nhà, ngoài vườn, quán cà-phê góc phố... luôn đem đến cho chúng ta cảm giác thảnh thơi, nhẹ nhõm, yêu đời. Và “nghề chơi cũng lắm công phu” này giữ được vẻ đẹp độc đáo cũng là nhờ tâm huyết và tài năng của những nghệ nhân, làng nghề làm lồng chim truyền thống biết trân trọng và nâng niu bản sắc văn hóa Việt.

Bài và ảnh: Minh Giang

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31176902-net-dep-long-chim-truyen-thong.html