Nét đẹp lễ cưới của người Khmer Tây Ninh

Lễ cưới là một sự kiện quan trọng của đời người. Những chàng trai, cô gái Khmer đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, và để đi đến hôn nhân họ phải trải qua nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống.

Trích đoạn lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh tại ngày hội Khmer Nam bộ lần VIII.

Vừa qua, Đoàn nghệ thuật quần chúng Tây Ninh đã mang đến Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng những tiết mục múa, hát với nhiều sắc màu riêng biệt, giúp người xem hiểu hơn về cuộc sống thường ngày, sự phát triển vươn lên của đồng bào Khmer ở Tây Ninh.

Bên cạnh những tiết mục đặc sắc như múa Hoa Chăm pây, ca múa Lời ru Ba Sắc, ca múa chúc mừng Chol Chnam Thmay, Đoàn nghệ thuật quần chúng Tây Ninh còn trình diễn các trang phục lao động, lễ hội, lễ cưới của đồng bào Khmer. Đặc biệt, phần trình diễn trích đoạn lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh để lại những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp

Lễ cưới là một sự kiện quan trọng của đời người. Những chàng trai, cô gái Khmer đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, và để đi đến hôn nhân họ phải trải qua nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống.

Chị Cao Thị Thu Loan (thị xã Hòa Thành) chia sẻ: “Là một trong số 25 người đại diện cho Đoàn nghệ thuật quần chúng Tây Ninh tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII, tôi rất vui và tự hào.

Đến với ngày hội, tôi được học hỏi, giao lưu, kết thêm nhiều bạn bè, đặc biệt là học được nhiều điệu múa hay để về dạy lại các em nhỏ, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy những bản sắc tốt đẹp của người Khmer Tây Ninh”.

Chị Loan cho biết thêm: lễ cưới của người Khmer Tây Ninh giống như người Khmer sinh sống ở miền Tây Nam bộ. Lễ cưới còn gọi là Apea pipea, thường diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất gọi là “Thngay chôl rôn ka”, ngày thứ hai là “Thngay Si Kom not” và ngày thứ ba gọi là “Som pes Phtưm”.

Vào sáng sớm, nhà trai dưới sự hướng dẫn của ông chủ lễ (Acha Pêlea) và hai phụ lễ (Maha) mang lễ vật sang nhà gái. Ngoài những lễ vật như cốm dẹp, trái cây... nhà trai còn mang theo nữ trang và khăn quàng để tặng cô dâu trong ngày cưới, đặc biệt phải có buồng bông cau (bông cau còn nguyên trong bẹ) được cắt theo hình cánh cung do chị, em gái của chú rể đích thân bưng.

Tất cả được đặt trên một chiếc mâm mạ vàng hoặc bạc. Sau khi nhập gia và trình sính lễ, nhà trai xin phép nhà gái được đưa chú rể sang. Ông chủ lễ và trưởng họ nhà gái mang mâm trầu và buồng cau sang nhà trai làm lễ đón chú rể. Trên đường đi, dàn nhạc dân tộc sẽ trình tấu những bản nhạc vui tươi, báo cho mọi người biết là lễ cưới đang tiến hành.

Người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên lễ cưới thường được tổ chức ở nhà gái. Vào ngày giờ đã định, bên nhà gái biết bên nhà trai sắp đến thì gài cổng lại, hay lấy một đoạn vải hoặc gậy chặn cửa ra vào (mang tính hình thức).

Việc rào cổng này tượng trưng cho một ý đẹp là “cô gái còn trinh tiết” và “đề cao, tôn trọng phụ nữ”. Đoàn nhà trai đến đây dừng lại, ông Maha phải đứng ra nói, xin mở rào bằng “điệu múa mở rào” thì nhà trai mới được vào nhà.

Cô dâu cùng hai phù dâu trong trang phục dân tộc lộng lẫy cầm vòng hoa ra tiếp đón chú rể. Hai bên trao vòng hoa cưới và cùng bưng mâm buồng cau bước vào nhà. Nhạc trỗi lên và mọi người cùng hát chúc mừng cô dâu, chú rể.

Trang phục cô dâu trong lễ cưới của người Khmer Tây Ninh. Ảnh: Diễn viên trong Đoàn nghệ thuật quần chúng Tây Ninh tham dự ngày hội Khmer Nam bộ lần VIII

Khi vào trong nhà cô dâu, nghi lễ sẽ được diễn ra theo trình tự như sau: Đầu tiên làm lễ ra mắt ông bà, cha mẹ và lạy bàn thờ. Kế đến là phần trao nữ trang, cha mẹ chú rể trao tặng nữ trang rồi đến cha mẹ cô dâu tặng hoa cưới. Tiếp theo là nghi lễ cắt tóc, ông Maha múa hát theo điệu nhạc đi vòng xung quanh cô dâu, chú rể, thỉnh thoảng đưa chiếc kéo nhấp những nhát cắt tượng trưng, với hàm ý xóa bỏ những điều xấu xa.

Sau đó là nghi lễ đọc kinh cầu nguyện chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Đây là một nét đặc thù của người Khmer, cô dâu chú rể ngồi đối diện với ông Maha, còn bà con họ hàng thì ngồi chung quanh. Tất cả cùng chắp tay cầu nguyện với lòng thành kính.

Tiếp đến là lễ cột chỉ tay, cô dâu và chú rể sẽ đặt tay trên gối, hai người cùng chắp tay. Đầu tiên là ông Maha, đến cha mẹ cô dâu, rồi sau đó cha mẹ chú rể. Cha mẹ hai bên sẽ dùng sợi chỉ hồng cột hai ngón tay của cô dâu chú rể vào nhau dưới âm điệu, tiết tấu vui nhộn của bài hát “Lễ cột chỉ tay”.

Kể từ đây, hai người mới chính thức trở thành vợ chồng và cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Bà con hai họ sẽ xịt nước hoa và trao quà chúc mừng cho cô dâu chú rể. Việc buộc chỉ cổ tay có ý nghĩa ra mắt hai họ là hai người được tổ chức lễ cưới theo đúng phong tục tập quán, đồng thời để họ hàng hai bên chúc phúc của cho đôi vợ chồng mới.

Cuối cùng là nghi lễ rắc bông cau, các khách mời sẽ rắc những bông cau lấy từ buồng bông cau sính lễ lên đầu cô dâu chú rể để chúc phúc cho hai người sẽ sinh con cháu đầy đàn. Ông chủ lễ sẽ hướng dẫn cô dâu, chú rể cách cư xử giữa vợ chồng với nhau và gia đình hai bên.

Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau lạy tạ trời đất ở bàn thờ được đặt nơi trước sân. Kết thúc buổi lễ, mọi người cùng nhau hát múa, các thanh niên nam nữ và khách dự lễ cưới biểu diễn trên nền nhạc dân tộc, múa trống Chhay-dăm rộn ràng chúc mừng ngày cưới.

Hòa nhập, không hòa tan

Đạo diễn Đức Quang, người dàn dựng những tiết mục ca, múa nhạc cho Đoàn nghệ thuật quần chúng Tây Ninh chia sẻ: “Lễ cưới của người Khmer ở mỗi tỉnh, thành cơ bản giống nhau, tuy nhiên do sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền nên có những thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại. Một số phong tục, nghi thức trong lễ cưới truyền thống được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, trong lễ cưới người Khmer Tây Ninh có múa trống Chhay-dăm, thay vì múa Lâm Thôn như các tỉnh khác. Một số nghi thức trong lễ cưới vẫn được giữ nguyên như: cô dâu chú rể lạy bàn thờ ông bà, cha mẹ cho tiền đồng, của hồi môn, lễ cắt tóc, lễ tặng phong bì, lễ đốt nến chúc phúc cho cô dâu chú rể, lễ rắc bông cau... dàn nhạc đánh nhiều bài truyền thống và hiện đại để chúc phúc cho cô dâu, chú rể”.

Trong ngày cưới, cô dâu Khmer thường mặc váy xà rông, có màu sặc sỡ, trang trí cầu kỳ và nổi bật, được dệt bằng sợi kim tuyến. Phần trên là chiếc áo ngắn hở một bên vai. Phần eo được che đi bởi một chiếc thắt lưng bằng kim loại.

Khăn Sbay của cô dâu được may bằng vải dệt kim, trang trí nhiều hạt cườm lấp lánh. Chú rể thường mặc chiếc quần tương tự như Sămpốt mà phụ nữ mặc vào ngày thường nhưng ngắn hơn. Phía trên là áo dài tay, cổ trụ đứng, có hàng nút ở trước. Khi biểu diễn các điệu múa truyền thống, người Khmer thường đội thêm một chiếc mũ hình tháp nhiều tầng vô cùng đặc sắc.

Đạo diễn Vũ Đức Quang chia sẻ những điểm thay đổi trong trang phục của người Khmer hiện đại: “Các nhà thiết kế, nhà tạo mẫu cải biên những bộ trang phục của cô dâu, chú rể theo xu hướng hiện đại, như phần áo trên của người phụ nữ gắn thêm bèo, dún, kết nhiều loại đá thay vì chỉ kết kim sa theo kiểu truyền thống.

Phần chân váy cũng rất công phu, phía trước xếp ly, phần đuôi váy xòe như đuôi chim công, tạo nên sự sang trọng, quý phái cho người phụ nữ. Phần trang phục nam giới trước đây được may bằng vải thổ cẩm thì ngày nay được may bằng nhiều loại vải như linen, kate… tuy nhiên, vẫn mang đậm nét truyền thống với kiểu cổ đứng, tay dài, cài cúc ở phía trước, mang đến sự mạnh mẽ, lịch lãm cho người mặc”.

Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/net-dep-le-cuoi-cua-nguoi-khmer-tay-ninh-a151916.html