Nét đẹp áo dài truyền thống Việt Nam

Áo dài là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, là sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc. Không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, áo dài truyền thống còn là minh chứng cho sự trường tồn của đất nước với thời gian.

Tiền thân của áo dài Việt Nam là chiếc áo giao lĩnh cổ chéo, xuất hiện vào khoảng năm 1744, được may từ 4 tấm vải, mặc cùng váy đen. Ở thời này, áo được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng rãi, thân dài chấm gót. Vào thế kỷ thứ 17, áo dài được cách điệu thành kiểu áo tứ thân để thuận tiện cho phụ nữ lao động và sản xuất. Ở thời vua Gia Long, áo dài ngũ thân xuất hiện. Liên tiếp sau đó là các kiểu cách tân như: áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan. Đến năm 1970, áo dài truyền thống Việt Nam ra đời và hoàn chỉnh cho đến ngày nay.

Trải qua các giai đoạn lịch sử với những cải biến, cách tân, đến nay, áo dài Việt Nam đã có sự thay đổi nhiều về thiết kế, kiểu dáng, chất liệu, đa dạng màu sắc, họa tiết,... Nhưng dù ở giai đoạn nào, áo dài vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt. Bên cạnh những bản sắc chung, áo dài cũng mang những sắc thái riêng, thể hiện tính vùng miền rất rõ. Ở miền Nam, khí hậu quanh năm nóng nực, áo dài Nam Bộ được lược bớt cổ cao, thành cổ rộng, tay áo lửng hoặc cộc tay. Áo dài Miền Bắc đa dạng chất liệu, từ nhung, gấm cho đến lụa tơ tằm,... Một số nơi miền núi thường thêu dệt các họa tiết thổ cẩm, hoa văn đặc trưng.

Áo dài là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc.

Kinh doanh áo dài đến nay đã gần 30 năm, cửa hàng Áo dài Thanh Hương ở phường Hợp Giang (Thành phố) là địa chỉ uy tín chuyên cung cấp áo dài trên địa bàn tỉnh. Ngoài bán và cho thuê áo dài, cửa hàng được nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện tin tưởng lựa chọn hợp tác cung cấp trang phục áo dài cho các tiết mục văn nghệ, liên hoan, hội diễn… Bà Đặng Thị Thanh Hương, chủ cửa hàng chia sẻ: Ngoài những mẫu áo truyền thống, cửa hàng còn có nhiều thiết kế in hình các điểm du lịch tại Cao Bằng được du khách và người dân ưa chuộng. Không chỉ là kinh doanh sản phẩm thời trang, chúng tôi muốn quảng bá hình ảnh miền đất, con người Cao Bằng đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.

Khách hàng lựa chọn vải lụa tại cửa hàng Áo dài Thanh Hương, tổ 12, phường Hợp Giang (Thành phố).

Tại cửa hàng Áo dài Mai Hương, phường Hợp Giang (Thành phố), những tấm vải lụa, gấm, nhung,... nhiều màu sắc được treo thành hàng trông rất bắt mắt. Ngoài may đo và bán áo dài, cửa hàng còn cho thuê nhiều mẫu từ đơn giản đến các thiết kế đính cườm thủ công, hoa văn thêu tỉ mỉ. Bà Trần Thúy Hương, chủ cửa hàng chia sẻ: Tại cửa hàng, mẫu áo dài thêu hoa sen được nhiều khách hàng lựa chọn bởi nó mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Hình ảnh quốc hoa trên trang phục truyền thống còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, cho sự dịu dàng nhưng rất đỗi kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Khác với những trang phục truyền thống của các quốc gia khác, áo dài Việt Nam vô cùng đơn giản, tinh tế, gọn gàng và cũng rất duyên dáng, thanh lịch. Có lẽ chính vì vậy mà áo dài đã hiện diện và gắn liền trong cuộc sống người Việt một cách tự nhiên nhất. Áo dài dễ dàng được phổ cập rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, từ những sự kiện, nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội,… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa khôi, người đẹp trong và ngoài nước… Đang chọn mẫu áo dài chuẩn bị cho dịp 8/3, chị Nguyễn Quỳnh Trang, tổ 2, phường Sông Bằng (Thành phố) chia sẻ: Bản thân tôi cũng như các chị em phụ nữ nói chung mỗi khi được diện áo dài sẽ luôn cảm thấy tự hào và yêu quý truyền thống, văn hóa của đất nước mình.

Trình diễn áo dài tại Lễ hội Du lịch Non nước Cao Bằng tổ chức tại Hà Nội năm 2023.

Không chỉ là trang phục truyền thống của dân tộc Việt, áo dài còn là một hình ảnh đặc biệt trong ngoại giao văn hóa, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam và đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Hình ảnh Bộ Trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình trong trang phục áo dài truyền thống tại Hội nghị đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973 đã gây ấn tượng đặc biệt với giới báo chí và nhân dân các nước trên thế giới. Hình ảnh đó đã truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ làm ngoại giao sau này, từ đó, áo dài trở thành trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quốc tế.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài thướt tha nhận được không ít lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế. Áo dài trở thành nét riêng, bản sắc và không bị hòa lẫn, hòa tan trong bối cảnh giao lưu, hội nhập sâu rộng. Em Vi Ngọc Diệp hiện đang là sinh viên trường Đại học Y Quảng Tây (Trung Quốc) chia sẻ: Bản thân em cũng như rất nhiều bạn du học sinh Việt Nam khi được cử ra nước ngoài học tập, trong hành trang mang theo không thể thiếu áo dài. Với chúng em, đó là văn hóa, nét đẹp của đất nước mình nên trong nhiều sự kiện và các hoạt động quan trọng em đều chủ động mặc áo dài. Việc mặc áo dài với em không chỉ làm tôn lên nét đẹp của người con gái mà còn là dịp để tự hào với bạn bè quốc tế rằng mình là người Việt Nam.

Tuần lễ áo dài được tổ chức hàng năm là cách để tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao thay đổi của xã hội và thời đại, chiếc áo dài vẫn luôn giữ vị thế quan trọng trong trái tim mỗi người dân Việt, luôn là biểu tượng đầy kiêu hãnh của nền văn hóa dân tộc, niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam.

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/net-dep-ao-dai-truyen-thong-viet-nam-3167833.html