'Nếp làng' trong chung cư

GD&TĐ - Mỗi tòa chung cư tại Hà Nội hội tụ hàng trăm hộ dân ngoại tỉnh quần tụ. Nếp làng vẫn còn hằn in nơi họ.

Điều đó được thể hiện bằng tình làng, nghĩa xóm. Nhưng đôi lúc những thói quen sinh hoạt chưa thật văn minh như vứt rác bừa bãi, lấn chiếm hành lang, đun bếp than, vợ chồng cãi lộn… đã ảnh hưởng đến nề nếp văn hóa chung của Thủ đô.

Gắn kết và chia sẻ

Một điều dễ nhận thấy ở tòa chung cư CT12C - Khu đô thị (KĐT) Kim Văn - Lim Lũ thuộc địa bàn phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) là lối ứng xử tình làng nghĩa xóm khá thắm thiết. Vào những ngày lễ, tết hay các ngày sinh nhật các tầng thường tổ chức liên hoan văn nghệ, ăn uống ở sảnh thang máy. “Chủ trì” là các trưởng tầng được người dân bầu để làm nhiệm vụ thu quỹ, tổ chức.

Trước đây, năm 2013 khi chưa bầu được trưởng tầng, tầng 11 khá ảm đạm. Người dân giáp mặt nhau mà thậm chí chẳng hỏi han nhau. Buổi tối đi làm về thì ai biết nhà nấy. Anh Nguyễn Trung Vĩnh, sinh sống ở tầng 11B là một điển hình vì cảm thấy cô độc khi vừa mới rời quê Thanh Miện (Hải Dương) lên mua nhà, sinh sống. Con cái ốm đau, vì xa gia đình, thiếu anh em nên chỉ hai vợ chồng đôn đáo đưa con đi viện.

Anh Vĩnh kể: “Đến khi nhận được thông báo họp tầng, bầu trưởng tầng tôi mừng lắm. Đồng ý tham gia, đóng quỹ tôi được giao lưu, trò chuyện với anh em. Thậm chí còn kết thân với nhau như anh em. Đến khi có việc, hay lúc con cái ốm đau, “huy động” anh em rất dễ và thấy đỡ tủi thân”.

Cũng là người theo con trai rời Tuyên Quang xuống Hà Nội sinh sống từ năm 2011, bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh chung cư CT12C cho biết, vì có lối sống giống như tình làng nghĩa xóm nơi quê hương mà bà cảm thấy hào hứng và nhiệt tình tham gia các sinh hoạt của đoàn thể trong chung cư. Đa số các tầng đều tổ chức sinh hoạt tầng.

Sau khi ăn uống, liên hoan xong thì dọn dẹp sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh nơi chung cư. Bà Thanh nhấn mạnh: “Tổ chức tốt thì đó là những hoạt động văn hóa rất đẹp. Thí dụ như còn quan tâm được đến người ốm đau, đám hiếu đám hỷ. Đa số người dân chúng tôi từ các làng xã ở các tỉnh xa đến. Ai cũng có nhu cầu kết nối tình làng nghĩa xóm. Điều đó là cần thiết bởi sự gắn kết ấy là để giúp đỡ lẫn nhau”.

Sự gắn kết tình nghĩa cũng đang được làm lan tỏa tại các chung cư ở KĐT Linh Đàm, Nam Trung Yên, Đồng Tàu, Đền Lừ… Nhiều khu chung cư còn thành lập được hội đồng hương, hội người cao tuổi, câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ bóng bàn… để tiện cho sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Phê, Tổ trưởng dân phố 84 Khu tái định cư Đền Lừ cho rằng, nhiều người dân sống trong chung cư là cán bộ công chức, sáng đi tối về. Nếu cứ để tình trạng hai nhà cạnh nhau mà chẳng bao giờ nói chuyện, biết mặt nhau thì thật cuộc sống kém vui. Bởi vậy, cần bồi đắp tình nghĩa bằng hạt nhân là chính những người năng nổ, chịu khó.

Từ bỏ thói quen tùy tiện

Ngoài những mặt tích cực mà người dân ngoại tỉnh về sinh hoạt, xen kẽ với những người dân Hà Nội gốc, thì căn tính tiểu nông, thói quen sinh hoạt tùy tiện cũng gây ra nhiều mặt kém văn hóa. Thí dụ như ở nhiều chung cư còn diễn ra tình trạng vứt rác bừa bãi, phơi quần áo lộn xộn, lấn chiếm hành lang để đồ dùng gia đình, té nước từ tầng cao xuống đất, tụ tập rượu chè say xỉn, chồng vợ đánh cãi nhau…

Có thời gian tại một số chung cư, người dân còn đun bếp than tổ ong ở hành lang, tạo nên những “cơn ác mộng” cho người xung quanh và đã bị ban quản lý chung cư nhắc nhở. Một điều nữa cũng cần nhắc tới, là trong vài năm qua, tình trạng tổ chức tiệc mặn, uống rượu ở hành lang chung cư đã nhận được những ý kiến đánh giá cho rằng làm mất vẻ văn minh đô thị. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng làm như vậy là quê mùa, nhếch nhác, làm xấu mặt đô thị.

Không đồng tình với ý kiến này, anh Tô Sỹ Lực, sinh sống ở tầng 20 KĐT Văn Quán cho rằng, không thể cấm người dân giao lưu, tạo mối thâm giao với hàng xóm. Điều đó là nên. “Nhưng mỗi người nên hiểu rằng, đô thị phát triển theo chiều cao, người dân sống trên những tầng cao cần chia sẻ, giữ ý thức để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Nếu ở chung mà mở nhạc to, vứt rác không theo quy định, trồng cây ở hành lang chẳng theo hướng dẫn… thì chắc chắn sẽ bị phản ứng” - anh Lực nói.

Ông Nguyễn Văn Thuyết – Bí thư Chi bộ chung cư CT12C - KĐT Kim Văn - Kim Lũ, cho hay: “Chúng tôi đang đề xuất với lãnh đạo phường Đại Kim, cho phép thành lập tổ hòa giải, để cùng Ban quản lý chung cư triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự, can thiệp sớm với mâu thuẫn để làm công tác hòa giải, bảo đảm tình nghĩa chung cư được duy trì”.

Hàng trăm chung cư mọc ở các quận nội, ngoại thành Hà Nội đáp ứng nhu cầu về nhà cho hàng trăm nghìn hộ dân ngoại tỉnh. Nhưng cũng phải nói đến một hiện trạng, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến bất động sản, lợi nhuận mà bỏ ngỏ nhu cầu về không gian sinh hoạt của người dân, đã đẩy họ vào thế bí. Tiêu biểu như cả khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính được xây dựng trên diện tích 14 héc-ta, với khoảng 7.000 người, có 18 tổ dân phố nhưng không được bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhiều cuộc họp phải tổ chức tại nhà để xe hoặc chính nhà của người dân.

Vì thiếu thốn nhà sinh hoạt cộng đồng, thậm chí ban quản trị cũng chẳng được thành lập, dẫn đến sinh hoạt của người dân lộn xộn, thiếu tập trung, gây phản cảm. Theo chuyên gia xã hội học Nguyễn Văn Chính (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều người ngoại tỉnh sống trong các KĐT vẫn giữ nguyên nếp làng với lối sinh hoạt chưa quy củ. Một khi để họ sinh hoạt tự phát, bày tiệc, hò hát ở hành lang chung cư còn có thể xảy ra nỗi ám ảnh đối với những người khác, hàng rong, quán chè chén có nguy cơ sẽ tấn công vào lòng chung cư.

Việc bảo đảm văn hóa, xây dựng mối đoàn kết, tương thân tương ái trong các khu chung cư là điều vô cùng quan trọng. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang rốt ráo xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội, trong đó có những khía cạnh điều chỉnh lối ứng xử văn hóa trong các KĐT, khu chung cư. Ông Ngô Thái Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình cho rằng, tiến tới cuộc sống đô thị văn minh thì người dân trong các KĐT cần từ bỏ dần những thói quen không tốt trong ứng xử, lối sống, sinh hoạt để cùng xây dựng cộng đồng tiến bộ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nep-lang-trong-chung-cu-2533119-b.html