Nền tảng cho các 'ngân hàng 0 đồng' hồi sinh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 02/2022/TT-NHNN liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, trong đó có nội dung về cho vay đối với các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt thuộc diện bị mua bắt buộc. Đây là cơ sở phát lý quan trọng hỗ trợ cho các 'ngân hàng 0 đồng' cải tổ hoạt động, qua đó tạo sự yên tâm hơn cho người gửi tiền cũng như tạo động lực chung cho cả hệ thống.

Ngân hàng 0 đồng được vay ưu đãi

“Ngân hàng 0 đồng” là từ ngữ trong giới tài chính thường dùng đề cập đến nhưng ngân hàng từng trải qua giai đoạn yếu kém và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Hiện nay có 3 ngân hàng thuộc diện này là Ngân hàng Đại dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB Bank).

Thông tư số 02 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành là văn bản sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 6/7/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Một trong những điểm mới của Thông tư 02 là quy định việc cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng) trước ngày Luật số 17/2017/QH có hiệu lực. (Luật số 17/2017/QH14 là văn bản sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng).

Ngoài ra, Thông tư 02 cũng đưa ra một số quy định mới, trong đó đề cập đến vai trò của các phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng của các ngân hàng. Đây là những nội dung có tính bao trùm đối với nhiều vấn đề liên quan đến các ngân hàng đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay… Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết, quan điểm cơ bản của Thông tư 02 cho thấy Ngân hàng Nhà nước cũng tạo sự chủ động linh hoạt hơn cho các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt nói chung trong việc tự thực hiện tái cơ cấu phục hồi hoạt động.

Tiếp tục xây dựng đề án tái cấu trúc

Tại một cuộc họp báo cách đây ít lâu, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến câu chuyện tái cấu trúc các “ngân hàng 0 đồng” và đây cũng là một trong những mối quan tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022. Theo ông Tú, các ngân hàng đang tiếp tục xây dựng đề án tái cấu trúc và về tình hình hoạt động, các ngân hàng này vẫn đang đảm bảo khả năng thanh khoản, kiểm soát tốt các hoạt động để đảm bảo an toàn hệ thống nói chung.

Trở lại bức tranh chung về các “ngân hàng 0 đồng”, đây là các ngân hàng đều bị mua lại bắt buộc tại thời điểm năm 2015. Trong đó, CB Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam bị Ngân hàng Nhà nước thu mua lại bắt buộc toàn bộ số cổ phần với mức giá 0 đồng kể từ ngày tháng 2/2015. CB Bank là tiền thân của ngân hàng Đại Tín, vào cuối năm 2012, ngân hàng này bị liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém với mức lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số này đã lên đến 11.348 tỷ đồng và tăng đến 27.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014.

Trong khi đó, OceanBank bị mua lại 0 đồng kể từ tháng 4/2015, ngân hàng này tiền thân của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm tại ngân hàng này, bản thân ngân hàng bị âm vốn và không tự bù đắp được số vốn bị thiếu hụt. Ngân hàng thứ ba là GP Bank bị mua lại 0 đồng vào 7/2015. Tính đến thời điểm 2/4/2015, tổng số tiền lỗ lũy kế của GPBank đã lên đến 12.280 tỷ đồng.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu từng ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt lập đề án căn cứ trên đề án chung và thực trạng hoạt động của ngân hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp tổng thể, trong đó giải pháp cho vay đặc biệt chỉ là một trong những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với những ngân hàng này trong thời gian tới. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là sẽ quan tâm đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu đối với các ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng ngay trong năm 2022.

Trong các động thái đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có các quyết định bổ sung nội dung hoạt động cho các ngân hàng trong nhóm các “ngân hàng 0 đồng” kể trên. Đây cũng có thể coi là một trong những tia sáng tích cực trong chặng đường vượt dốc của nhóm các ngân hàng đặc biệt này.

Một số khái niệm quy định tại Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Kiểm soát đặc biệt là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục 1 Chương VIII của Luật này. Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (sau đây gọi là phương án cơ cấu lại) là một trong các phương án sau đây: Phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nen-tang-cho-cac-ngan-hang-0-dong-hoi-sinh-103444.html