Nền móng cho một sự khởi đầu

Năm 2001 đặt dấu Giỗ tổ Hùng Vương trở thành Quốc lễ, Việt Trì được quy hoạch trở thành thành phố lễ hội với hai di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.

Việt Trì là TP văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, trung tâm hành chính của tỉnh Phú Thọ. Và Việt Trì góp động lực thúc đẩy sự phát triển vùng Trung du miền núi Bắc bộ đồng thời là một cực đối trọng trong mô hình phát triển đa cực của vùng Thủ đô.

TP Việt Trì có dân số khoảng 285 nghìn người (lưu trú là 196 ngàn), đô thị chiếm 213 nghìn, chiếm 75% dân số; nông thôn 72 nghìn, chiếm 25% dân số. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm 2,0%, trong đó tăng tự nhiên 1,5%, tăng cơ học 0,59%. Diện tích đất 11.175,11ha, với 23 đơn vị hành chính, gồm 13 phường 10 xã.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 6.2%/năm.

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Việt Trì lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, lãnh đạo TP xác định nội dung xây dựng đô thị văn minh - văn hóa là khâu đột phá nâng Việt Trì xứng với kỳ vọng của người Phú Thọ và đồng bào cả nước. Việt Trì đẹp về kiến trúc, cảnh quan và đô thị văn minh, với điều kiện sống tốt cho dân cư đô thị. Cơ sở hạ tầng Việt Trì phát triển sáng, xanh, sạch, giàu thẩm mỹ và bình yên. Người Việt Trì thân thiện, mến khách, đượm sắc thái nhân văn đất Tổ trong mỗi hành vi ứng xử...

Xuất phát trên móng nền kinh đô cổ Văn Lang - TP công nghiệp Việt Trì xây dựng giữa miền Trung du thuần nông cả mấy nghìn năm. Căn tính công nhân và nông dân hòa trộn. Ống khói mọc chen thân cọ bên nương sắn, ruộng lúa. Cùng một con đường, anh xanh áo thợ rộn ràng rẽ vào công xưởng, em nâu sồng lững thững dong trâu cày ruộng. Tính cách của người Việt Trì thân thiện, dễ gần, chấp hành tốt pháp luật, tương thân tương ái, nhưng hơi xuề xòa. Không ít người dân sẵn sàng đóng góp của cải vật chất, trí tuệ, công sức để góp phần phát triển đô thị.

Non sông nước Việt ban cho Việt Trì vị thế thiêng, thủy tụ non chầu để có quy hoạch phỏng sinh tuân theo quy luật tự nhiên là những tập hợp kiến trúc ngự trên những quả đồi xanh, nép bên đầm nước, ngòi lạch thanh sạch mà soi vóc dáng kỳ vĩ, lộng lẫy xuống dòng Lô, dòng Thao.

Những thăng trầm ngoài ý muốn trong lịch sử xây dựng, là TP công nghiệp thời kì đầu của đất nước, để xây những công xưởng và những căn hộ tập thể, TP buộc phải hy sinh những quà tặng của tự nhiên, san đồi, lấp ao. Trên nền tảng hạ tầng chắp vá của đô thị công nghiệp và nông thôn các thế hệ lãnh đạo TP luôn phải vượt qua những thách thức bất khả để tìm kiếm cho Việt Trì bản sắc đô thị trung du nguồn cội.

Đâu chỉ con người mà mỗi TP cũng chịu số phận riêng với những thăng trầm chủ quan và khách quan.

Việt Trì thăng hoa khoảng một thập kỷ trở lại. Đặc biệt trong mấy năm gần đây, Việt Trì đã bứt phá trong tạo dựng cơ sở hạ tầng và các định chế của một đô thị trung tâm chính trị và văn hóa. Việt Trì rạng rỡ từng ngày qua con mắt bạn bè xóa tan thiên kiến TP 3B (bụi, bẩn, buồn) đeo bám mấy chục năm. Trước Việt Trì hôm nay, chúng ta phải ghi nhận quyết tâm chính trị sắc bén của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo TP Việt Trì trong tư duy chuyển đổi chiến lược đầu tư, thực hiện khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng.

Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Trung tâm dịch vụ Mường Thanh đang vươn mình nâng chiều cao qua quảng trường Hùng Vương lộng gió. Công viên Văn Lang với diện tích gần 120ha, phục dựng các truyền thuyết thời đại Hùng Vương, với đồi Sơn Tinh - Thủy Tinh, bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ… không gian giành cho trình diễn hát Xoan… đang dần tạo nên những dấu ấn mới mẻ mà độc đáo của một TP lễ hội, mà phải sau 50 năm xây dựng Việt Trì mới trở nên hiện thực.

Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội được đầu tư xây dựng hình thành cơ bản hệ khung chính của TP, quan tâm đầu tư giao thông tĩnh và bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kênh tiêu nội đồng… Từng bước xã hội hóa việc thay thế vỉa hè các tuyến đường, tuyến phố lớn với sự thống nhất về kỹ thuật và thẩm mỹ.

Việt Trì tự hào có nguồn nước sạch dồi dào, đảm bảo cấp nước sạch đến từng hộ dân. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải đang xây dựng đồng bộ.

Các trục đường chính, các công trình công cộng, công viên Văn Lang, quảng trường Hùng Vương, trụ sở ban ngành… được quan tâm chiếu sáng kiến trúc mỗi khi đêm về, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa đảm bảo sự an toàn cho TP.

Nhà ở tại các phường trung tâm và một số khu đô thị mới được quy hoạch khoa học, thẩm mỹ xây dựng ổn định. Hàng năm, người dân cải tạo chỉnh trang, làm đẹp kiến trúc đô thị. Nhà ở tại các khu vực nông thôn thường kết hợp với vườn rộng.

Các công trình trụ sở cơ quan, nhà làm việc của các sở ban ngành trên địa bàn TP được đầu tư xây dựng kiên cố đảm bảo phục vụ tốt nhất cho cư dân TP, cho vùng, tỉnh và cho lễ hội.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trung tâm Sản Nhi, các bệnh viện chuyên khoa với cơ sở vật chất hiện đại cùng hệ thống các trạm y tế phường, xã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân trong TP, tỉnh và khu vực.

Các trường đại học, cao đẳng xây dựng hiện đại bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của hệ thống nhà trường từ mầm non đến THPT góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Nhiều năm được Trung ương và tỉnh chú trọng đầu tư, nơi đây đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt, với cảnh quan thiên nhiên đẹp giao hòa các công trình xây dựng mang đậm bản sắc văn hóa thời đại Hùng Vương, thu hút hàng triệu lượt khách tới tham quan, đặc biệt là trong dịp lễ Giỗ Tổ mùng 10/3 hàng năm.

Bên cạnh đó, Việt Trì còn chứa đựng trong mình 57 lễ hội và diễn xướng. Các lễ hội dân gian gắn liền với các di tích và huyền thoại thời Hùng Vương: Bơi chải, đánh vật vẫn được duy trì. Một số lễ hội bị mai một đang từng bước được phục dựng. Nghệ thuật truyền thống hát Xoan, hát Chèo, hát Trống quân, nhà tơ, thơ ca, vè của Việt Trì thường xuyên được trình diễn bên cạnh các chương trình văn nghệ, văn hóa, thể thao tại các nhà văn hóa cấp phường, xã và các chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng các ngày lễ lớn.

Các thiết chế văn hóa trên địa bàn bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập, nghiên cứu của người dân như: Bảo tàng Quân khu II, Bảo tàng Hùng Vương, Quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang, Trung tâm hội nghị tỉnh. Các rạp Hòa Phong, Long Châu Sa, rạp chiếu phim tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Nhà văn hóa Lao động tỉnh, nhà văn hóa các cấp. Thư viện tỉnh Phú Thọ, Thư viện TP Việt Trì, Thư viện Quân khu II, Thư viện các trường đại học, cao đẳng, Nhà thông tin vệ tinh của khu di tích lịch sử Đền Hùng, thư viện tại các trung tâm học tập cộng đồng phường, xã, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh TP và 23 trạm truyền thanh cấp xã, phường, Trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh, Trung tâm thể dục - thể thao thành phố, các bể bơi, sân chơi trong các khu ở.

TP đang triển khai thực hiện kế hoạch, nội dung hướng tới việc xây dựng được nếp sống văn minh, văn hóa cho tất cả các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức và mọi tầng lớp nhân dân của TP.

Trước diện mạo tươi sáng của Việt Trì hiện tại, các nhà quản lý luôn ý thức sâu sắc về các chấm mờ. Đó là các công trình chợ Trung tâm TP, bến xe Việt Trì đang xuống cấp, quy mô không đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuyến đường sắt đi qua trung tâm TP giao cắt với đường bộ tại nhiều điểm. Không hiếm công trình công cộng chưa tạo được điểm nhấn không mang sắc thái đặc trưng của thành phố lễ hội. Nhiều công trình dân sinh còn mang tính chất tự phát, chưa được hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp, đồng bộ.

Hệ thống dây dẫn điện, cáp viễn thông đặt dây nổi gây mất mỹ quan đô thị; quản lý cắt, đào lòng đường, vỉa hè thiếu sự phối hợp giữa các chủ sở hữu. Thiếu quy chế cụ thể về quảng cáo. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, cơi nới mái vẩy để kinh doanh chưa được xử lý tận gốc. Việc dừng đỗ ôtô, xe máy không đúng vị trí quy định là hiện trạng thường gặp. Một bộ phận người dân không ý thức khi tham gia các lễ hội và hưởng thụ các dịch vụ công cộng, thiếu trách nhiệm, chưa tự giác trong việc thực hiện giữ vệ sinh đường phố, khu dân cư, và không gian công cộng khác.

Các tuyến đường giao thông nội thị nếu xây dựng mới thì thời gian thi công thường bị kéo dài, khi cần duy tu, sửa chữa hư hỏng hay bị dở dang gây khó trong sinh hoạt của người dân, xây dựng vỉa hè hai bên không đồng bộ về hình dáng, kích thước, màu sắc trên toàn tuyến.

Ngoài ra, vấn đề chất thải các khu công nghiệp, thu gom rác ở khu vực nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải có sự quản lý khoa học, tích cực hơn nữa.

Diện mạo mới trong không gian mới, Việt Trì ngoài sức trẻ của người công nhân, nông dân xưa tiềm ẩn thì sức mạnh tri thức của các chính khách, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, quản lý kinh tế, xã hội học cộng hưởng với tình yêu, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Trì là động lực chính để giúp kinh đô Văn Lang kiêu hãnh vươn cao đôi cánh hạc trắng mở sáng tươi lai cho TP như thuở Hùng Vương định đất đóng đô cắm quyền trượng nơi Bạch Hạc.

Bản sắc của Việt Trì sẽ được khơi dậy trong mạch nguồn văn hóa Hùng Vương đặc sắc miền đất Tổ kết hợp với khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Trách nhiệm định hướng kiến tạo đô thị lễ hội Việt Trì VĂN MINH - VĂN HÓA, được nhân dân đất Tổ dành trọn niềm tin, trọng trách cho các chính khách lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP đương thời. Vận hội Phú Thọ - Việt Trì đang thăng khởi, linh khí Tiên Tổ Hùng Vương đang nâng bước và chắp cánh cho mỗi chính khách có tâm có tầm và con dân Văn Lang thương khó.

Tư duy chiến lược và quyết tâm chính trị của toàn hệ thống, Việt Trì sẽ thực hiện thành công đề án xây dựng đô thị văn minh - văn hóa giai đoạn 2010 - 2020, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

1. Năm 2016: Toàn TP đã và đang thực hiện kế hoạch “Năm trật tự văn minh đô thị 2016” với chuyên đề Quản lý trật tự xây dựng, trật tự lòng đường, vỉa hè, trung tâm công cộng.

2. Từ năm 2017 - 2019: Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi năm, UBND TP xây dựng kế hoạch thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Quản lý về trật tự xây dựng; Quản lý về trật tự lòng đường, vỉa hè, địa điểm công cộng; Quản lý xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; Quản lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự đô thị; Quản lý nâng cao mỹ quan đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, mỗi năm sẽ lựa chọn một chuyên đề riêng để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó:

- Năm 2017: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành Quy chế quản lý đô thị TP. Tập trung xã hội hóa việc thay thế vỉa hè một số tuyến đường, tuyến phố, xây dựng các bãi đỗ xe tập trung và nhà vệ sinh công cộng theo quy hoạch.

- Năm 2018: Tổ chức xây dựng và công nhận các tuyến đường, tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị. Xây dựng và thực hiện các quy định chi tiết trong hoạt động rao vặt, quảng cáo.

- Năm 2019: Thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa trong các hoạt động lễ hội: Tập trung xã hội hóa xây dựng các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức hoạt động các lễ hội hướng tới xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

- Năm 2020: Thực hiện sơ kết việc thực hiện các kế hoạch Năm trật tự văn minh đô thị, sơ kết việc thực hiện Đề án.

Tham Thiện

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/nen-mong-cho-mot-su-khoi-dau.html