Nên mở rộng thực hành động viên công nghiệp ngay tại thời bình

Phát biểu khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, chiều 8-11, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cân nhắc nên mở rộng thực hành động viên công nghiệp ngay tại thời bình.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đồng ý với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với những cơ sở về chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như tờ trình của Chính phủ. Từ diễn biến rất phức tạp của tình hình thế giới với những cuộc xung đột vũ trang diễn ra gần đây cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Do vậy, xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 Quang cảnh phiên họp tại tổ 7 thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Quang cảnh phiên họp tại tổ 7 thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng bày tỏ thống nhất với bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. “Mặc dù dự thảo luật được trình Quốc hội lần đầu nhưng đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Góp ý vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có đưa ra khái niệm “tổ hợp vũ khí” tại Khoản 6 Điều 2. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lại không có khái niệm “tổ hợp vũ khí”, mà chỉ có khái niệm “tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất”. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất chung trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng nêu quy định tại Khoản 19 Điều 2 dự thảo luật quy định thực hành động viên công nghiệp thực hiện khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.

Khoản 11 và Khoản 12 Điều 2 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định về tổng động viên, động viên cục bộ như sau: Tổng động viên là biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược. Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu tại tổ, chiều 8-11.

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu tại tổ, chiều 8-11.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm, để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại thì cần cân nhắc mở rộng việc thực hành động viên công nghiệp ngay tại thời bình nhằm huy động tối đa lực lượng trong và ngoài quân đội để xây dựng, từng bước hoàn thiện việc sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Tại Khoản 2 Điều 17 dự thảo luật quy định: Nội dung nghiên cứu khoa học và công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh.

Trong khi đó, tại Khoản 11 Điều 2 quy định công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự.

Từ đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại Điểm a, Khoản 2, Điều 17 thành: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự”.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/nen-mo-rong-thuc-hanh-dong-vien-cong-nghiep-ngay-tai-thoi-binh-750584