Nền Độc lập khai sinh nước Việt Nam hiện đại

Ngày 2-9-1945 được định danh là Ngày Lễ Độc lập. Từ đó đến nay, ngày 2-9 mỗi năm trở thành ngày Quốc khánh, kỷ niệm thời điểm khai sinh nền Độc lập và nước Việt Nam hiện đại

1. Tại TP London - Vương quốc Anh có những tòa nhà gắn các tấm biển hình tròn màu xanh, ghi dấu nơi liên quan danh nhân nào đó. Tại tòa nhà xưa kia là khách sạn Carlton, nơi từng có "một người An Nam trẻ tuổi" kiếm sống bằng nghề làm bánh, trên tường giờ đây gắn tấm biển tròn màu xanh với dòng chữ trắng "Hồ Chí Minh (1890-1969), người sáng lập nước Việt Nam hiện đại" (Founder of modern Vietnam).

Cách định danh và vinh danh ấy khiến chúng ta phải nhìn nhận thấu đáo hơn ý nghĩa trong nội hàm "nước Việt Nam hiện đại" gắn liền với một sự kiện diễn ra cách đây 78 năm. Đó là thời điểm ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập".

Ngày 2-9-1945 được định danh là Ngày Lễ Độc lập. Từ đó đến nay, ngày 2-9 mỗi năm trở thành ngày Quốc khánh kỷ niệm thời điểm khai sinh nền Độc lập và nước Việt Nam hiện đại.

Tòa nhà từng là khách sạn Carlton ở London - Anh gắn tấm biển với dòng chữ “Hồ Chí Minh (1890-1969), người sáng lập nước Việt Nam hiện đại” Ảnh: TTXVN

2. Bản Tuyên ngôn Độc lập được chính người soạn thảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên đọc là một đúc kết to lớn của lịch sử nhân loại và dân tộc, cũng là trải nghiệm của người soạn thảo. Vào thời đại ấy, hiếm có một nhà hoạt động chính trị (cách mạng) nào xuất thân từ một xứ sở bị coi là nhược tiểu có thể đi được nhiều, trải nghiệm nhiều thực tiễn, tiếp cận nhiều lý luận về việc xây dựng nhà nước - nhân tố quyết định để biểu thị bản chất của khái niệm "độc lập".

Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh, một người sớm hiểu sâu sắc thân phận nô lệ của chính dân tộc mình, đã đến nhiều thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Người đã khảo sát nước Mỹ và sống ở nước Anh trong 2 thập kỷ đầu thế kỷ XX, đã sống và hoạt động sôi nổi ở Pháp - đế quốc đang thống trị dân tộc mình. Người đã nhiều năm sống, học tập và hoạt động trong phong trào cộng sản ở đất nước Xô viết, từng tiếp cận cả mô hình Công xã ở Quảng Châu cũng như thể chế của Trung Hoa Quốc dân Đảng mà chính nhà dân chủ cách mạng Tôn Dật Tiên đặt nền móng…

Vậy thì, vì sao khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã xác lập được vị trí lãnh tụ của Đảng Cộng sản, của Mặt trận Việt Minh và có được niềm tin trong phần lớn dân chúng - lại lựa chọn thể chế "dân chủ - cộng hòa" làm nền tảng để giữ vững và xây dựng nền độc lập dân tộc? Tại sao Người không chọn thể chế Xô viết của nước Nga - vốn được coi là "quê hương cách mạng vô sản", hay của các Xô viết ở Quảng Châu - vốn gần gũi với người cộng sản Việt Nam?

Có người viện dẫn mốc thời gian từ ngày 11-3-1945, Hoàng đế Bảo Đại đã "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", thành lập nội các, quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ và Quốc ca của đế quốc Việt Nam… Song, tuyên cáo này chỉ được viết sau khi Toàn quyền Nhật ở Huế thông báo "trao trả độc lập cho đế quốc Đại Nam" - lúc Nhật đã đảo chính Pháp.

Dù vua Bảo Đại được đào tạo ở Pháp, khi về nước chấp chính có một số cải cách nhưng việc dựa vào thế lực phát xít đang sụp đổ, phụng sự chính sách Đại Đông Á đã phá sản, với một chủ quyền hạn chế, vẫn giữ chế độ quân chủ lỗi thời… thì đó chưa thể là một nền độc lập phù hợp với thời đại đang chuyển mình dữ dội khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Đó cũng chính là điều mà vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử nước ta đã thừa nhận khi thoái vị: "Lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập".

Trong khi đó, ngay từ lúc Chiến tranh Thế giới II bùng nổ, Hồ Chí Minh đã xác lập vị thế của cách mạng Việt Nam là đứng về phe Đồng Minh chống chủ nghĩa phát xít. Dù mang ý nghĩa biểu trưng hơn là hoạt động thực tế trên chiến trường, việc xác lập mối quan hệ với quân Đồng Minh càng khẳng định tầm nhìn và bản chất nền độc lập mà Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân ta giành được trong tư thế người chiến thắng chủ nghĩa phát xít và xác lập thể chế chính trị hiện đại. Đó cũng là tầm vóc và ý nghĩa cuộc Cách mạng Tháng Tám được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập: "Dân ta đánh đổ xiềng xích gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa".

Chỉ trong 3 tháng sau ngày công bố Tuyên ngôn Độc lập, nền dân chủ cộng hòa ấy được xác lập theo thể thức không thể hiện đại hơn là qua một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trên cả nước (6-1-1946). Trong 3 tháng tiếp theo nữa (3-3-1946), Quốc hội được bầu ra, thể hiện được sự bình đẳng về tôn giáo, sắc tộc, nam nữ và các khuynh hướng chính trị. Rồi bản Hiến pháp cũng như một đạo luật về lao động đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai…

Hiến pháp 1946 cũng như thành phần tham gia Quốc hội cho thấy một thể chế chính trị của một quốc gia độc lập đã ra đời. Một bộ máy quản lý nhà nước gồm cả hệ thống cơ quan hành chính đến cấp xã và các hội đồng đại biểu dân cử đã được xác lập, gần như cùng đồng thời là bộ máy tư pháp hiện đại.

“Đối với các nước dân chủ, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Trong ảnh: Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ thăm cảng quốc tế Long An, ngày 8-8-2023 Ảnh: Hồng Thúy

3. Quyền con người là một giá trị mang tính nhân loại đã được khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập bằng việc nhắc lại tinh thần hai văn kiện kinh điển của thế giới - Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1792).

Hai đoạn trích nêu rõ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc" (Hoa Kỳ); "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi" (Pháp). Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam còn phát triển: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Nguyên lý xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: "Nếu không có nhân dân thì nhà nước không đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên, chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối… Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Một bộ máy chính quyền được thiết lập với tinh thần: "UBND là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó" (Báo Cứu quốc, 19-9-1945).

Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam được ban bố với lời nói đầu nêu rõ: "Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ"; "Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên nguyên tắc dưới đây: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo - Đảm bảo các quyền tự do dân chủ - Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân".

4. Khẳng định tinh thần độc lập, nước Việt Nam mới đã theo kịp những tư tưởng của thời đại khi sẵn sàng hội nhập thế giới hiện đại, tham dự các tổ chức và cam kết quốc tế.

Chỉ hơn 1 tháng sau ngày tuyên bố độc lập (22-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ thông điệp của Nhà nước Việt Nam: "Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu trong Bản Hiến chương (Đại Tây Dương) đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam, góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng...". Trên cơ sở pháp lý này, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu được gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Thực tế, trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Hồ Chí Minh và hợp tác với Việt Minh chính là Hoa Kỳ. Trong mối quan hệ ấy, những người cách mạng Việt Nam luôn giữ nguyên tắc nhất quán: "Trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên ta phải kiếm bạn đồng minh, dẫu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết ta phải làm lấy".

Cũng với mối quan hệ đồng minh được xác lập vào thời điểm đó, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định vị thế của nước Việt Nam mới trên trường quốc tế: "Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập".

Đó cùng là nền tảng cho đường lối đối ngoại của Nhà nước Việt Nam: "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai, hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Liên Hiệp Quốc một thông điệp minh bạch: "Đối với các nước dân chủ, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực".

Một nhà nước hiện đại đã ra đời cùng với cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngay trong ngày Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, nguy cơ chiến tranh bùng nổ khi những thế lực diều hâu Pháp nổ súng ở Sài Gòn và 3 tuần sau thì chiến tranh bùng nổ ở Nam Bộ. Tính hiện đại của một quốc gia hiện đại luôn phải thể hiện trước thách đố lựa chọn chiến tranh và hòa bình.

Nhà nước và người đứng đầu nhà nước ấy đã làm mọi cách để chìa bàn tay hữu nghị và hợp tác với quốc gia từng đô hộ họ. Nền hòa bình đã được cứu vãn nhiều lần nhờ thái độ thiện chí, thậm chí chấp nhận cả những điều kiện tưởng chừng không thể động chạm tới.

Thế nhưng, nước Việt Nam hiện đại không bao giờ thỏa hiệp. Đó là khối thống nhất quốc gia gắn kết ba miền Bắc - Trung - Nam và sự toàn vẹn lãnh thổ. Với chân lý không bao giờ thay đổi ấy, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng để chiến đấu trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ, cũng như mãi mãi chống lại mọi thế lực muốn xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta…

Đó chính là những di sản của nền độc lập dân tộc được xác lập cách đây 78 năm, nền độc lập thể hiện đỉnh cao Tư tưởng Hồ Chí Minh, chứa đựng những giá trị lịch sử và bài học sâu sắc để các thế hệ nối tiếp kế thừa, hướng dân tộc Việt Nam vươn tới một quốc gia hiện đại, khao khát dân chủ và hòa bình.

"Tự do" và "quyền sống"

Archimed Patti - người đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS, có mặt tại Hà Nội sau ngày Tổng Khởi nghĩa tháng 8-1945 - viết trong hồi ký "Tại sao Việt Nam?" rằng khi được Bác Hồ đưa đọc để góp ý cho Tuyên ngôn Độc lập, ông phát hiện 2 từ "tự do" và "quyền sống" được đảo vị trí so với nguyên bản của Tuyên ngôn Hoa Kỳ. Ông được Người giải thích: "Không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do".

Nguyên lý ấy cũng được Bác nhắc đến trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ và trong thư gửi các cơ quan công quyền: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

9 năm kháng chiến chống Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954 của dân tộc Việt Nam. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

Tại Hà Nội có một tổng lãnh sự đại diện ngoại giao cho nước Pháp. Tổng lãnh sự này, ông Jean Sainteny, kể rằng vào ngày quân Pháp rút từ Hà Nội sang Hải Phòng để ra biển, ông đi ngược vào thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hồi hộp nghĩ đến lúc gặp gỡ người đứng đầu bên chiến thắng sẽ diễn ra thế nào. Ông bất ngờ khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đón sẵn từ cửa, giang rộng cánh tay với nụ cười hiền hòa và lời chào ấn tượng: "Bây giờ thì chúng ta lại hợp tác với nhau".

DƯƠNG TRUNG QUỐC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nen-doc-lap-khai-sinh-nuoc-viet-nam-hien-dai-20230831193646231.htm