Nên chọn thị xã Quảng Trị là trung tâm của tỉnh để tổ chức các sự kiện về hòa bình

Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, thị xã Quảng Trị là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, quê hương Quảng Trị. Dù trải qua những tên gọi, đơn vị hành chính khác nhau, song lịch sử thị xã Quảng Trị là một dòng chảy xuyên suốt, với những khúc bi tráng nhưng kiêu hãnh và tự hào; là bản hợp xướng anh hùng ca hòa vào cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước.

VĂN NGỌC LÃM, TUV, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Quảng Trị

 Thả hoa trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: H.N.K

Thả hoa trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: H.N.K

Trong quá trình đổi mới và phát triển, cán bộ và Nhân dân thị xã Quảng Trị luôn trân trọng và ghi nhớ công ơn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này. Đồng thời, luôn quán triệt quan điểm phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.

Là địa phương có Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ và các di tích ghi dấu ấn sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ đã được xếp hạng, thị xã đã phát huy lợi thế để hoạch định kế hoạch phát triển. Nền kinh tế thị xã chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch. Du lịch văn hóa lịch sử, mà sản phẩm chủ yếu là du lịch tâm linh - hoài niệm đang trở thành điểm nhấn đặc biệt cho kinh tế thị xã Quảng Trị.

Vì vậy, những năm qua, cùng với huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, thị xã đã chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch và phát triển du lịch. Hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích được hoàn thiện. Các di tích lịch sử văn hóa, các công trình tưởng niệm được trùng tu, nâng cấp. Thành Cổ - Tháp chuông-Quảng trường Giải phóng - Đền tưởng niệm bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc và sông Thạch Hãn trở thành “không gian thiêng” trong không gian tưởng niệm Thành Cổ. Lễ hội hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trở thành sản phẩm đặc trưng riêng có của địa phương.

Việc kết nối trung tâm di tích Thành Cổ với cụm di tích lưu niệm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, Nhà thờ La Vang, Nhà thờ Trí Bưu, Nghĩa Trũng Đàn... được chú trọng. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ phục vụ du khách được khuyến khích phát triển. Từ năm 2018 đến nay, thị xã đã tổ chức và duy trì hoạt động của phố đi bộ Ngô Quyền, định kỳ tổ chức các hoạt động tri ân, tưởng niệm kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đường phố để thu hút du khách.

Giai đoạn 2015-2020, lượng du khách đến với thị xã trên 1,78 triệu lượt người và tập trung vào các dịp lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước, trong đó, năm cao nhất (2018) khoảng 400.000 lượt. Những nỗ lực của thị xã trong thu hút và phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm và tạo dấu ấn về một đô thị vừa có bề dày lịch sử - văn hóa -cách mạng, vừa trẻ trung hòa vào dòng chảy của thời đại với đầy ắp khát vọng hòa bình, phát triển.

Trong điều kiện hiện nay, với tài nguyên du lịch hiện có, hình ảnh điểm đến của thị xã trong hành trình du lịch của du khách chính là những giá trị văn hóa lịch sử 210 năm của một vùng đất gắn với sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ; là truyền thống anh hùng bất khuất, sự hy sinh cao cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc; là điểm đến an toàn, thân thiện.

Mặt khác, Quảng Trị nói chung, thị xã Quảng Trị nói riêng là nơi đụng đầu, chiến địa ác liệt, nơi gợi nhớ về nỗi đau chia cắt và sự khốc liệt của chiến tranh. Bởi vậy, mảnh đất này không chỉ là điểm hẹn tâm linh, điểm đến tri ân của đồng bào, chiến sĩ cả nước mà còn là hiện thân và nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của khát vọng hòa bình cháy bỏng. Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến “Vì Hòa bình” chính là xây dựng nơi đây trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tôn vinh các giá trị của hòa bình, khát vọng hòa bình của nhân loại; là nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Xây dựng thị xã Quảng Trị giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, phấn đấu đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị Hòa bình”. Đô thị Hòa bình mà thị xã hướng tới mang đặc trưng của một vùng đất đi lên từ sự hủy diệt của chiến tranh, đang hồi sinh và phát triển; giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, sáng-xanh - sạch - đẹp; điểm đến tri ân và tâm linh, điểm hẹn của nhân loại yêu chuộng hòa bình; trung tâm tổ chức các sự kiện vì hòa bình.

Như vậy, mục tiêu phấn đấu của thị xã trong thời gian tới phù hợp với thực tế địa phương và chủ trương của tỉnh. Xác định nguyên nhân của những hạn chế, khắc phục khó khăn tồn tại; xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch đồng bộ; khai thác tiềm năng, các yếu tố khác biệt, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển du lịch là hướng đi, cách làm phù hợp để xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian "Vì Hòa bình".

Để thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian "Vì Hòa bình", góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Quảng Trị, xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:

Trước hết, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Cùng với đó là khai thác, phát huy lợi thế tài nguyên du lịch của thị xã, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác, phát triển du lịch. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch trên phạm vi toàn tỉnh.

Hòa bình mang đến hạnh phúc cho con người và đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững. Để có được hòa bình, dân tộc ta đã phải trải qua nhiều đau thương, mất mát, hy sinh từ những cuộc chiến tranh khốc liệt, mà Thành Cổ Quảng Trị là một biểu tượng. Đến với Thành Cổ, thị xã Quảng Trị - mảnh đất bị hủy diệt bởi chiến tranh - mới cảm nhận hết và trân quý giá trị đích thực của hòa bình.

Vì vậy, nên chọn thị xã Quảng Trị là trung tâm của tỉnh để tổ chức các sự kiện về hòa bình, nơi lan tỏa thông điệp "Vì Hòa bình". Mặt khác, phát triển du lịch gắn với việc xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành không gian văn hóa "Vì Hòa bình" là ý tưởng sáng tạo, mới mẻ. Hiện thực hóa những nội dung này đòi hỏi phải có thời gian, tâm huyết, sự chung tay của toàn xã hội; đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các bộ, ngành và sự hướng dẫn giúp đỡ của các sở, ngành cấp tỉnh.

Từ hoang tàn đổ nát mà đi lên, từ đau thương mà đứng dậy trong tư thế oanh liệt, bi tráng và tự hào, thị xã Quảng Trị đang từng bước đổi thay, hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, để xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian "Vì Hòa bình" cần phải được nghiên cứu đầy đủ trên cả phương diện khoa học và thực tiễn, với giải pháp thiết thực, khả thi. Thực hiện những nội dung trên sẽ góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa lịch sử, tạo dựng hình ảnh địa phương và nâng tầm giá trị, hiệu quả của lễ hội mang thông điệp “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=169603&title=xay-dung-thi-xa-quang-tri-tro-thanh-diem-den-vi-hoa-binh