Nấu 2 món ăn từ 'loại củ nhà nghèo' này để bồi bổ lá lách, dạ dày và tăng khả năng miễn dịch

Dùng loại củ này đem nấu thành các món ngon ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn giúp cải thiện sức khỏe, bồi bổ lá lách, dạ dày và tăng khả năng miễn dịch.

Trước đây khi đời sống còn nhiều khó khăn, củ mài được xem là một trong những loại lương thực giúp nhiều người chống đói. Cũng vì thế mà loại củ này khi đó được mệnh danh là "loại củ nhà nghèo". Trong Đông y, củ mài có tên là dược là hoài sơn, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ, có tác dụng rất tốt cho người bệnh suy nhược cơ thể, chán ăn, trẻ em suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa. Củ mài không chỉ giúp điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa mà còn tăng cường các loại vi khuẩn đường tiêu hóa. Củ mài còn được dùng ở những người bị mụn nhọt, viêm loét hay áp xe da.

Có tác dụng bổ tỳ ích vị: Củ mài rất giàu chất nhầy và tinh bột, có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu ở đường tiêu hóa, đối với người bị khó chịu đường tiêu hóa và tỳ hư có tác dụng điều hòa rất tốt.

Dưỡng nhan và làm đẹp: Củ mài chứa một lượng lớn chất nhầy, tinh bột, protein, axit amin và vitamin tổng hợp. Những thành phần này có thể làm ẩm và dưỡng da, trì hoãn lão hóa rất hiệu quả.

Hạ đường huyết: Củ mài chứa polysaccharid và chất xơ, có thể hạ đường huyết và giúp ổn định lượng đường trong máu, có tác dụng phụ trợ điều trị rất tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường.

Dưỡng gan và bảo vệ gan: Củ mài rất giàu các nguyên tố vi lượng và glycoside thực vật. Những thành phần này có tác dụng bảo vệ gan rất mạnh, có thể làm giảm sự hấp thụ và bài tiết các chất có hại của gan, có lợi cho quá trình giải độc và thanh lọc cơ thể.

Kết cấu của củ mài mịn và ngọt như phần vỏ khoai dễ gây ngứa và dị ứng da. Bởi vậy, khi gọt vỏ, nên dùng găng tay, đồng thời rửa củ mài sạch sẽ. Khi rửa củ mài có thể cho chút giấm vào nước để loại bỏ bớt nhớt. Củ mài sau khi cắt lát nên cho vào chậu nước pha nước muối loãng để tránh bị oxy hóa, thâm đen.

Món ăn đơn giản nhất từ củ khoai mài chính là luộc, chấm đường hoặc mật. Ngoài ra, củ mài mang chế biến các món khác ăn cũng rất ngon miệng.

1. Canh củ mài thịt viên

Nguyên liệu làm món canh củ mài thịt viên

250g thịt nạc vai, 1 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa canh rượu nấu ăn (tùy thích), một chút muối, 1 thìa canh dầu ăn, 250g củ mài, 1 thìa canh xì dầu, 1 thìa canh tinh bột bắp, 1 cây hành lá.

Cách làm món canh củ mài thịt viên

Bước 1: Thịt nạc vai bạn mua về đem rửa sạch. Sau đó thấm khô nước rồi băm nhỏ. Cho thịt băm vào tô lớn, thêm gừng băm, nước tương, tinh bột bắp, rượu nấu ăn vào rồi trộn đều. Củ mài bạn bóc bỏ lớp vỏ, rồi rửa sạch. Sau đó cắt củ mài thành từng miếng vừa ăn. Bạn đặt nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vào rồi thêm củ mài, xào cùng chút gia vị trong khoảng 1-2 phút thì đổ vào một lượng nước thích hợp.

Bước 2: Vặn to lửa, đun sôi nước. Khi nước sôi thì hạ về mức lửa nhỏ và nấu cho tới khi củ mài mềm. Tiếp đó bạn dùng thìa lấy từng phần thịt băm và viên thành hình tròn sau đó thả vào nồi canh đang đun. Lần lượt làm cho tới khi hết phần nhân thịt. Chỉnh bếp lên mức lửa vừa và đun sôi trong khoảng 5 phút là viên thịt chín. Lúc này bạn nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Lấy canh ra tô và thêm hành lá xắt nhỏ lên là có thể thưởng thức.

Thành phẩm canh củ mài thịt viên

Như vậy với vài thao tác đơn giản là bạn đã hoàn thành xong món canh củ mài thịt viên. Món canh với phần nước dùng trong, có vị ngọt đậm đà. Phần thịt viên mềm ngon thấm gia vị hòa quyện với với vị bùi, bở của củ mài, thơm ngon và rất lạ miệng. Món canh củ mài rất tốt cho sức khỏe, dễ ăn và hợp với cả người già lẫn trẻ. Do đó bạn hãy nấu món canh này thường xuyên cho gia đình mình thưởng thức nhé!

2. Súp củ mài và rau củ

Nguyên liệu làm món súp củ mài và rau củ

250g củ mài (khoảng 1 khúc vừa), 2 cây rau cải chíp, 50g cà rốt, 50g nấm hương, 1 quả trứng gà, lượng muối thích hợp.

Cách làm món súp củ mài và rau củ

Bước 1: Củ mài bạn gọt bỏ vỏ, rửa sạch sau đó dùng mặt dao miết nhỏ. Hoặc bạn có thể dùng sống dao để băm nhỏ củ mài.

Bước 2: Cà rốt gọt bỏ vỏ và xắt nhỏ. Nấm hương, cắt bỏ chân nấm, rửa sạch rồi xắt nhỏ. Rau cải chíp rửa sạch, cắt miếng nhỏ và để riêng. Tiếp theo bạn cho một chút dầu ăn vào nồi. Đợi dầu nóng thì cho cà rốt và nấm hương vào xào trong khoảng 2 phút.

Bước 3: Tiếp theo bạn thêm một lượng nước nóng vừa đủ vào. Đun cho tới khi nước sôi thì cho củ mài đã băm nhỏ vào.

Bước 4: Sau khi cho củ mài vào nồi, bạn dùng đũa khuấy cho củ mài tan đều ra. Đun sôi trong khoảng 2-3 phút thì nêm muối và hạt tiêu vào cho vừa ăn.

Bước 5: Tiếp theo bạn cho rau cải chíp đã xắt nhỏ vào, đun sôi trở lại thì bạn cho trứng đã đánh tan vào. Lưu ý khi thêm trứng vào bạn nên khuấy đều trong suốt quá trình để trứng không bị vón cục. Bạn tắt bếp rồi cho súp củ mài và rau củ ra bát là có thể thưởng thức.

Lưu ý: Nếu lúc này bạn thấy súp chưa đạt độ sánh sệt thì có thể hòa thêm một chút tinh bột bắp với nước rồi cho vào, khuấy đều.

Thành phẩm súp củ mài và rau củ

Súp củ mài và rau củ nóng ấm, mùi thơm thoang thoảng của nấm hương và củ mài. Vào buổi sáng, một bát súp nóng hổi, ngọt ngon lại đủ dinh dưỡng sẽ giúp bạn khởi động ngày mới sảng khoái.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với 2 món ngon từ củ mài nhé!

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nau-2-mon-an-tu-loai-cu-nha-ngheo-nay-de-boi-bo-la-lach-da-day-va-tang-kha-nang-mien-dich-172240311085917688.htm