NATO sẵn sàng bắn hạ tên lửa Nga tấn công mục tiêu Ukraine?

NATO đang xem xét khả năng đánh chặn tên lửa Nga nếu một lần nữa tiếp cận biên giới các quốc gia thuộc Liên minh trong khi tấn công mục tiêu trên đất Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan - ông Andrzej Sheyna mới đây tuyên bố rằng NATO đang nghiên cứu khả năng bắn hạ tên lửa Nga nếu chúng bay về phía lãnh thổ các quốc gia thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

"Chúng tôi đang phân tích nhiều kịch bản khác nhau và đi tới thống nhất là những tên lửa như vậy nên bị bắn hạ vào thời điểm chúng ở rất gần biên giới một quốc gia NATO".

"Nhưng hành động trên chỉ có thể xảy ra nếu nhận được sự đồng ý của Ukraine và có tính đến hậu quả quốc tế - khi đó tên lửa của NATO sẽ đánh trúng tên lửa Nga bên ngoài lãnh thổ của họ", ông Sheyna nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan đặc biệt lưu ý về vụ việc gần đây, khi một tên lửa hành trình Nga bị cáo buộc xâm phạm không phận Ba Lan trong thời điểm nó tấn công các cơ sở trên đất Ukraine.

Tên lửa bay với tốc độ 800 km/h ở độ cao 400 mét, tiến sâu vào 2 km trong khoảng thời gian 39 giây rồi rời khỏi lãnh thổ Ba Lan. Ông Andrzej Sheyna nhấn mạnh chuyến bay của tên lửa Nga là có chủ ý và nhằm đạt được những mục tiêu nhất định.

"Đó là một hành động có chủ ý, Liên bang Nga không muốn khiêu khích bất cứ điều gì. Họ biết rằng nếu tên lửa tiến sâu hơn vào trong đất Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ ngay lập tức".

"Đây rõ ràng là một hành động đầy toan tính, được lên kế hoạch để kiểm tra khả năng phòng thủ và sự cảnh giác của các lực lượng vũ trang Ba Lan”, ông Sheyna cho biết.

Ông Sheyna nói thêm, Nga không nên thử thách sự kiên nhẫn của Liên minh: "Moskva nên làm quen với thực tế là NATO và các quốc gia EU sẽ bắt đầu thiết lập một quan điểm cứng rắn nhất định khi giải quyết xung đột Ukraine".

Cần lưu ý, đây không phải lần đầu tiên tên lửa hành trình Nga bay vào đất Ba Lan. Hôm 29/12/2023, một quả Kh-101 đã bay khoảng 40 km trong không phận Ba Lan rồi mới trở lại. Lực lượng phòng không Ba Lan sẵn sàng bắn hạ, nhưng họ quyết định không làm như vậy.

Mặc dù hành động trên ít nhiều gây thắc mắc, nhưng nhà phân tích quân sự Ba Lan - ông Jaroslaw Wolski đã đưa ra lời giải thích chi tiết hơn trên trang X (Twitter) của mình:

"Đầu tiên, nếu chuẩn bị bắn hạ các mục tiêu trên bầu trời của mình, bạn cần phải phong tỏa một khu vực cụ thể trên không phận để tránh thiệt hại có thể xảy ra đối với máy bay dân dụng hoặc máy bay chiến đấu".

"Ba Lan không đủ khả năng làm việc này khi có tới 66 sân bay dân dụng đang hoạt động, việc đóng cửa sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nếu bầu trời ở biên giới với Ukraine bị cấm đối với máy bay chiến đấu, mối đe dọa từ tên lửa Nga sẽ còn cao hơn".

Thứ hai, nếu tên lửa Kh-101 của Nga ngay lập tức bị bắn hạ từ phía Tây, trên không phận Ba Lan, thì việc các mảnh vỡ của chúng rơi sẽ dẫn đến thương vong cho dân thường.

Thứ ba là nếu Ba Lan quyết tâm bắn hạ tên lửa hành trình Nga ngay lập tức, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ làm lộ toàn bộ vị trí triển khai hệ thống phòng không.

Và lập luận thứ tư - vị chuyên gia nhấn mạnh, ngay cả ở Israel cũng không có hệ thống phòng không để bảo vệ toàn bộ 100% lãnh thổ, cho dù họ thường xuyên phải hứng chịu những vụ tấn công.

Ngoài ra số lượng lớn các hệ thống tên lửa phòng không tối tân chỉ có thể xuất hiện với số lượng lớn tại Ba Lan trong giai đoạn 2028 - 2035. Trước thời điểm đó, bầu trời nước này vẫn gần như "để ngỏ".

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nato-san-sang-ban-ha-ten-lua-nga-tan-cong-muc-tieu-ukraine-post571434.antd