NATO muốn thoát nhanh khỏi Afghanistan

Sự kiện Taliban đồng loạt tấn công khắp lãnh thổ Afghanistan ngày 15-4 làm 51 người chết như một tiếng chuông cảnh báo về những gì mà NATO đã cố ngăn chặn trong suốt 11 năm qua kể từ khi Mỹ xâm chiếm nước này. Đó cũng có thể là lý do khiến Thủ tướng Australia tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan sớm hơn dự kiến.

Kabul vẫn chưa yên tiếng súng sau 11 năm Mỹ và NATO chiếm đóng. Trong ảnh: Vụ tấn công của Taliban vào Kabul ngày 15-4.

Bàn cách tháo lui

Ngày 18 và 19-4, tại Brussels - Bỉ, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp bàn chương trình nghị sự chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-5 tại Chicago, Mỹ. Sự kiện Taliban đồng loạt tấn công khắp lãnh thổ Afghanistan ngày 15-4 làm 51 người chết như một tiếng chuông cảnh báo về những gì mà NATO đã cố ngăn chặn trong suốt 11 năm qua, kể từ khi Mỹ xâm chiếm nước này.

Việc NATO rút toàn bộ 130.000 quân (trong đó Mỹ có 90.000 quân) khỏi Afghanistan cuối năm 2014 sẽ là một áp lực với lực lượng an ninh Afghanistan. Mỹ và NATO hy vọng một lực lượng gồm 352.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan sẽ đảm đương vai trò an ninh cho Afghanistan nhưng kinh phí nuôi quân quá lớn đang buộc NATO nghĩ lại. Theo Skynews, các thành viên NATO đang bàn cãi về ngân sách khoảng 4,1 tỷ USD mỗi năm để nuôi 352.000 quân này. Mỹ đóng góp 2,3 tỷ USD, số còn lại, các nước khác và chính phủ Afghanistan đảm trách. Nhiều thành viên NATO yêu cầu cắt giảm mức đóng góp cũng như cắt giảm số lượng người ăn lương của Afghanistan.

Trong một tuyên bố gây bất ngờ, Thủ tướng Australia tuyên bố Australia sẽ rút toàn bộ quân nước này khỏi Afghanistan, bắt đầu từ năm nay cho đến giữa năm 2013, sớm hơn dự định 1 năm. Hiện Australia có 1.550 quân tại Australia. Trong 11 năm tham chiến tại Afghanistan, đã có 32 binh sĩ Australia thiệt mạng, hàng trăm binh sĩ khác bị thương. Thủ tướng Gillard đang đứng trước áp lực kêu gọi rút quân khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2013, cuộc bầu cử mà theo dự báo, bà sẽ thua.

Người dân Afghanistan lo ngại

Những vụ tấn công của Taliban đang làm dấy lên lo ngại về tương lai bất ổn cho Afghanistan. Người dân trở nên hoang mang, không còn tin tưởng vào lực lượng an ninh cũng như chính phủ. Các cuộc tấn công quy mô phức tạp của Taliban khiến dân chúng nghi ngờ Taliban nhận được sự giúp đỡ từ bên trong các thành phần thuộc lực lượng an ninh Afghanistan. Người dân luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị tấn công bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Những kẻ tấn công nhập lậu các kho vũ khí và đạn dược ngay tại thủ đô Kabul và các tỉnh Puli Alam, Jalalabad và Gardez. Theo Reuters, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nói tại một cuộc họp nội các rằng các cuộc tấn công cho thấy “một thất bại tình báo cho chúng ta và đặc biệt là NATO”.

Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã thừa nhận rằng các cuộc tấn công cho thấy “rằng Taliban vẫn quyết tâm thách thức an ninh Afghanistan”. Tuy nhiên, ông đánh giá thấp tầm quan trọng của các cuộc tấn công khi cho rằng đây là những cuộc tấn công nhằm tạo tiếng vang hơn là nhằm chiếm lại lãnh thổ.

Cuộc tấn công của Taliban cũng là đòn giáng mạnh vào quan hệ Mỹ-Pakistan, vốn đang xuống thấp sau vụ Mỹ bắn chết 24 binh sĩ Pakistan. Pakistan đã đóng cửa biên giới với Afghanistan, không cho Mỹ tiếp tục sử dụng làm đường viện trợ. Mỹ nghi ngờ Taliban được một lực lượng bên ngoài ủng hộ, cụ thể là lực lượng an ninh Pakistan (ISI) nhưng ISI phủ nhận bất kỳ liên hệ nào trong vụ tấn công.

Thụy Vũ tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2012/4/286446/