Nâng vị thế cho các thương hiệu Việt

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng quan tâm, nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu.

Các doanh nghiệp tham gia Triển lãm Giới thiệu sản phẩm của những doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp khởi nghiệp xanh bên lề Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024. Ảnh: H.Hà

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt. Việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự cố gắng lâu dài, nỗ lực bền bỉ để được khách hàng, thị trường công nhận.

* Phát triển thương hiệu từ chất lượng và công nghệ

Các thương hiệu Việt ngày càng chú trọng vào hoạt động xây dựng, nâng tầm thương hiệu, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đồng thời chủ động “đón đầu” xu thế hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu - ABC Bakery (Thành phố Hồ Chí Minh) Kao Siêu Lực chia sẻ, trước đây, các DN thường chỉ nói về chất lượng, nhưng hiện nay còn phải nói về công nghệ sạch, bảo vệ môi trường. Đây là những yếu tố để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Khi có sản phẩm tốt thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu của mình. Lúc đó, điều quan trọng là việc xây dựng và giữ vững thương hiệu.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit (tỉnh Bình Dương) Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, trong bối cảnh khoa học - công nghệ, thương mại điện tử ngày càng phát triển, DN muốn cạnh tranh cần phải chủ động tìm hiểu, làm quen với cách thức vận hành, kinh doanh theo phương thức tương tự, phù hợp để không bị chậm chân, lạc hậu về công nghệ, cách tiếp cận khách hàng mới. Trong đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ để thúc đẩy sản xuất xanh - sạch - bền vững để đáp ứng các tiêu chuẩn về hội nhập là vô cùng quan trọng.

“Ngay cả thị trường trong nước, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Do đó, công ty sẽ tiếp tục phát triển xu hướng sản xuất sạch, an toàn, đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng theo xu hướng đa kênh, live stream bán hàng để phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh” - ông Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh.

* Tôn vinh, quảng bá thương hiệu Việt

Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của các DN, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN theo từng ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN địa phương.

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, được DN quan tâm như: hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ, Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối, hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại góp phần đưa các thương hiệu hàng Việt, sản phẩm địa phương vươn xa…

Tại Đồng Nai, những năm qua, nhiều thương hiệu hàng hóa đã được người tiêu dùng đón nhận như: Đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lothamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), Donafoods (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai), Donagamex (Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai), Donasa (Công ty CP Sơn Đồng Nai), GCfood (Công ty CP Thực phẩm G.C), Casumina, Ắc quy Đồng Nai, Nam Long, Ca cao Trọng Đức…

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong chia sẻ, trong tiến trình hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động xúc tiến thương mại cần có sự đổi mới căn bản, bước đi phù hợp hơn, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức về xúc tiến thương mại, các địa phương nhằm hỗ trợ DN hiệu quả hơn, giúp phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, sở sẽ chú trọng hoạt động kết nối giao thương trực tiếp với một số thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2008 đến nay, ngày 20-4 hàng năm được chọn là Ngày Thương hiệu Việt Nam. Năm nay, Sở Công thương sẽ triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam. Hoạt động này nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam; tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển thương hiệu quốc gia trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trên địa bàn tỉnh…

Chương trình còn góp phần tăng cường trách nhiệm tổ chức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/nang-vi-the-cho-cac-thuong-hieu-viet-74f677e/