Nâng tỷ lệ dùng thuốc nội trong khám, chữa bệnh

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ dùng thuốc và các vật tư y tế có nguồn gốc Việt Nam trong khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường sử dụng các trang - thiết bị y tế, nguyên liệu, vật liệu, thuốc, vật tư y tế và hóa chất là sản phẩm thuộc các doanh nghiệp trong nước sản xuất để phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dùng thuốc nội trong các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố đạt 50%; bệnh viện tuyến huyện đạt hơn 75%...

Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát luôn ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam trong khám, chữa bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 525 cơ sở cung ứng thuốc (329 cơ sở kinh doanh dược, 14 bệnh viện, 18 phòng khám đa khoa khu vực và 164 trạm y tế xã, phường, thị trấn). Tổng tiền sử dụng để cấp thuốc và điều trị nội trú, ngoại trú cho các đối tượng tại bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn là 226,12 tỷ đồng. Các doanh nghiệp dược, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn tỉnh có doanh số bán thuốc là 173,39 tỷ đồng. Trung bình 1 người dân sử dụng 544.000 đồng tiền thuốc/năm. Giá trị mua thuốc trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh là 119,6/227,1 tỷ đồng (chiếm 52,7%). Một số đơn vị thực hiện tốt việc mua, sử dụng thuốc sản xuất trong nước như Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng (hơn 80%), Bệnh viện Sản - Nhi (hơn 50%), Bệnh viện Y học cổ truyền (hơn 86%)…

Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng là bệnh viện tuyến huyện có tỷ lệ sử dụng thuốc nội cao nhất tỉnh, đặc biệt, bệnh viện không sử dụng thuốc biệt dược gốc. Năm 2018, số tiền mà Bệnh viện Đa khoa Bảo Thắng dành để mua thuốc hơn 28,8 tỷ đồng, trong đó có 82,26% thuốc sản xuất trong nước. Ông Hà Duy Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng cho biết: Trong công tác khám, chữa bệnh, bệnh viện luôn ưu tiên sử dụng các loại thuốc sản xuất trong nước. Tùy vào loại bệnh, các bác sỹ sẽ kê đơn, tư vấn sử dụng các loại thuốc trong nước để đảm bảo điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát cũng là một trong những bệnh viện tuyến huyện có tỷ lệ dùng thuốc nội trong khám và điều trị bệnh, với hơn 70%. Ông Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát cho biết: Thuốc do Việt Nam sản xuất có ưu điểm là giá thành rẻ, phù hợp với bệnh nhân khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, bệnh nhân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng cao có tỷ lệ kháng thuốc thấp nên việc điều trị bằng các loại thuốc nội rất hiệu quả. Do đó, bệnh viện luôn ưu tiên sử dụng thuốc nội trong khám, chữa bệnh và tư vấn sử dụng thuốc.

Theo đánh giá của Sở Y tế, việc nâng cao tỷ lệ dùng thuốc do Việt Nam sản xuất trong các cơ sở y tế hiện nay còn gặp một số khó khăn như công tác tuyên truyền sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất ở một số nơi còn chưa thường xuyên, liên tục; việc kinh doanh, buôn bán thuốc phải theo sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng; một số bệnh viện chưa tích cực sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất trong khám và điều trị bệnh; thuốc sử dụng cho các khoa chuyên sâu (gây mê, hồi sức, tim mạch, huyết áp, tiểu đường), thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nặng, ung thư… phần lớn trong nước chưa đủ trình độ sản xuất.

Việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được xem là tiền đề để dần thay đổi thói quen, nhu cầu sử dụng thuốc của mỗi người, mỗi gia đình. Qua đó, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và giảm gánh nặng về kinh tế cho người dân trong điều trị. Tuy nhiên, để thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất, ngành y tế cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử phạt các đơn vị kinh doanh các loại thuốc ngoại nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ đại lý, nhà thuốc trong việc cung cấp, bày bán các mặt hàng thuốc trong nước sản xuất.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nang-ty-le-dung-thuoc-noi-trong-kham-chua-benh-z5n20190623085138944.htm