Nắng tháng Giêng

Nắng đến sớm với ngọn cau cao vút, rồi tụt dần xuống đám cải rực bông sau vườn.

Minh họa: VĂN TIN

Màu nắng vàng tươi như vừa được lọc qua bầu trời trong xanh và có sức hút lạ lùng - hút ngọn cỏ trồi dậy, thúc giục người ra với thiên nhiên, gà mẹ dẫn đàn con chạy nhanh hơn vào rừng.

Nội xách cái ghế dựa ra sân, ngồi dưới bóng cây xoài, tỉ mẩn vò thuốc cho vào ống điếu, châm lửa. Rít một hơi rõ dài, rồi nội từ từ nhả khói tan loãng dần.

Trời lập xuân, nắng sớm trộn âm ấm vào se lạnh, nắng không chói chang như trưa hè, không nhợt nhạt như hoàng hôn. Chiếc áo len của nội vừa được giặt sạch, cất kỹ trong rương. Thay vào đó, nội mặc bộ đồ màu nâu giống như một võ sĩ trong sách xưa.

Màu trắng râu tóc nội, qua những ngày mưa lạnh, vẻ như tới giờ mới được hoàn hồn, được bay trong gió, khô trong nắng đúng vẻ là râu tóc.

Đố biết nội đang nghĩ gì? Nghĩ gì mà mắt cứ đăm chiêu nhìn về phía đỉnh núi Hòn Tàu xa xa? Chị Hai hỏi thằng em đang tước lá chuối làm râu ông tướng, đeo trùm kín nửa mặt để bắt chước múa may kiểu Đổng Kim Lân ra trận.

Cứ mỗi lần đi xem hát bội mừng xuân ở làng Khánh Đức về là trưa hôm sau nhất định nó phải cùng đám trẻ trong xóm diễn lại cảnh quân tướng reo hò đánh nhau.

Trốn ngủ lẻn ra cửa hông rất nhanh, bóng tre không đủ che mát mặc kệ, tướng cứ mình trần rịn mồ hôi mà hô “Quân bay đâu?”. Tiếng quân sĩ dạ vang. Người chi lạ, thế mà đến đoạn hát nam ai, nhiều người ứa nước mắt thì mình lại ngủ gục. “Hai lại hỏi nội nớ, chắc nội nhớ bà đó”.

Thằng em có lý của nó, vì nó đã từng được kể cho nghe chuyện nội gánh đồ rèn đi bán dạo khắp các hang cùng ngõ hẻm ở vùng chân núi Hòn Tàu. Thương gánh đồ rèn tần tảo, sơn nữ xinh đẹp thương luôn chàng trai vùng xuôi khỏe mạnh, biết chịu khó.

Về với ông, bà đẻ rẹt cho ông đến hai trai, ba gái xong rồi vĩnh viễn đi xa. Những sớm tinh sương, những chiều tắt nắng, nội vẫn thường ra vườn ngồi nhìn đỉnh Hòn Tàu kiểu như thế.

- Nội ơi, còn mấy ổ bánh tổ con chiên lại ngon lắm đây, nội ăn uống nước cho ấm bụng. Nội lại nhớ bà hay sao mà ra ngồi ngoài này từ sáng sớm đến giờ?

- Cháu gái của ông chỉ giỏi đoán mò. Ngồi xuống đây với ông đã.

“Tháng Giêng ăn tết ở nhà”, vội chi mà cứ lăng xăng miết trong bếp.
Hai sè sẹ ngồi xuống bên nội. Mái tóc cắt gọn hồi đầu tháng Chạp đã dài ra và bắt đầu rối như những ngày phụ mẹ ngoài đồng.

Chiếc áo bà ba điểm những vệt xám dầu mỡ đang lặp lại cuộc sống của nó hằng ngày. “Nội ăn đi, con gọt kỹ vết mốc trên mặt rồi mới đem chiên đó nội…”. Nội Bảy không vội ăn bánh mà nhấp chút chè nóng, mắt vẫn nhìn xa xăm:

- Tết vui theo kiểu hồi nhỏ ông thả bò chơi u u ngoài rừng vậy đó. Tha hồ rượt đuổi, trì kéo, vật nhau, để rồi sau đó mệt lả, mồ hôi nhễ nhại. Giờ ông muốn ra đây thở hít chút nắng ấm cho thoải mái.

Còn bà mày thì nội cất kỹ trong tim chứ mất đi đâu mà nhớ với thương. Nhớ gia đình chú Tư mày thì có. Tội nghiệp, năm nào cũng chưa kịp vui chơi cho hết tết đã phải vội vã vào lại Sài Gòn.

Chú Tư, theo nội, tính hơi chướng, ưng chi làm nấy, khó khuyên. Chú nói làm nông khổ quá, vậy là bỏ quê vào Sài Gòn, đi đủ nơi, làm đủ nghề.

Cuối cùng Sài Gòn bao dung cũng đã giúp chú ổn định gia đình với một cô gái Tây Nam Bộ da trắng, tóc dài và sinh được cho chú một quý tử kháu khỉnh.

Càng lắng sâu tuổi đời, chú Tư càng năng dẫn gia đình về quê ăn tết. Năm nào chú cũng đi - về vội vã như cuộc sống Sài Gòn tất bật. Chú nói, đôi khi nhớ quê muốn khóc luôn.

Mấy bộ râu tướng bằng lá chuối đã làm xong, thằng Bảo đeo thử rồi dạng chân huơ tay, “như ta đây là Khương Linh Tá…”, rồi co cẳng băng rào chạy qua nhà hàng xóm. Hai réo với theo, lo bài vở chưa mà đi đó Bảo ơi….

- Thôi kệ em - nội khoát tay - tháng Giêng ăn tết ở nhà, cứ để nó vui chơi cho thoải mái, nó có bạn cũng giống như ông có vườn vậy đó, thuốc bổ đấy. Học cả đời, đâu phải chỉ vài ba ngày mà nên người.

- Nội thiệt, con có thấy ăn tết được cả tháng Giêng đâu mà nội cứ nói hè? Như mẹ kìa, qua mấy ngày tết đã lăn lộn ngoài chợ từ sáng sớm, mẹ cứ sợ nắng thắt lên là cải già, ngò héo uổng công chăm sóc. Còn cha thì cứ lủi thủi ngoài đồng, trên rừng như không cần biết còn mất bao nhiêu hương vị tết.

Nội lại nhấp một ngụm nước ấm, tay bốc lát bánh tổ chiên mà đầu óc cứ như gửi tận đâu đâu. Đứa cháu gái ngó khờ khờ mà nhanh trí. Không tỏ rõ, nhưng nội rất vui vì có được thằng con trai ít nói, siêng làm giống như mình hồi trẻ. Nó chỉ mê xem mỗi trò đá gà vào mấy ngày tết. Xong, chẳng còn biết gì nữa ngoài việc dạo xem chừng ruộng lúa, khoai sắn.

Rảnh nó cũng phải nhổ cỏ trong sân, ra đồng tát ao bắt cá, hay lên rừng mé cây, đốn củi mới chịu nổi. Cứ như không có việc làm là chân tay ngứa ngáy khó chịu, lá phổi ngột ngạt khó thở.

Nghĩ đến đó, nội nghe vui vui, như có con gì đang bò trong ống chân, cổ tay để đánh thức từng tế bào đang ngủ quên. Năm nay lập xuân sớm từ đầu tháng Chạp, trời trong xanh, nắng tươi rói thế này. Bất giác, thấy nội đứng dậy, chậm rãi dạo ra vườn. Được một đoạn, nội quay lại:

- Cháu vào lấy cho ông cái cuốc… Mà nè, đến mùa lá tre rụng rồi đó, con có trách nhiệm quét hốt cho sạch, đổ vào các gốc cây cho ông. Hồi còn nhỏ xíu bằng em con bây giờ, ông đã được phân công cạy nhổ cỏ cú trong sân rồi đấy…

Mặt trời đã nhô khỏi bụi tre sau nhà, nắng chuyển nhanh từ vàng tươi sang vàng đậm, buổi sáng đang xuân, buổi trưa như chuyển dần sang hạ, đám cải héo lá, cây vạn thọ nhàu bông, đất bốc hơi nhanh.

Mẹ ở chợ về, bỏ vội cái thúng chỗ hiên, gỡ nón lá xuống quạt quạt. Mồ hôi mẹ làm dính vạt áo cánh vào tấm lưng đã cong cong theo tuổi. Cha cũng vừa băng đường tắt từ ngoài rừng vào sân. Một tay cha cầm cuốc, tay kia xách đùm khoai lang lủng lẳng mấy củ lớn nhỏ đủ cỡ. Cha đến gần chỗ nội đang dẫy cỏ, cầm đưa lên củ khoai bị thúi đen một bên:

- Nắng thắt bên hông kiểu ni vài ngày nữa là khoai hà ăn, sắn chạy bột hư hết. Hay là nhà mình lo bới khoai cho rồi? Nghe nói nhà chú Tư cũng chuẩn bị ngày mốt ra quân đầu năm….

Nội đang nghĩ đến những củ khoai bị hư nhanh trong đất nóng. Ờ mà cũng đã gần hết tháng Giêng rồi chứ đâu phải sớm. Hết mưa là nắng, có xuân hạ thu đông chi mô.

Rành nông nghiệp từ hồi chưa đủ tuổi công dân nên nội còn lạ gì với vùng đất nắng sém da, mưa nhão đất này. Nội gật đầu. Đồng nghĩa với ngày mai nhà sẽ tạm gác tết sang một bên để thu xếp lại sân ngoài, hiên trong làm chỗ chứa khoai sắn.

Những bộ đồ mới được xếp cất kỹ để hẹn ngày cưới, giỗ, thậm chí chờ tết năm sau. Bàn ghế, đồ dùng trong nhà sẽ bắt đầu xộc xệch chứ không còn ngăn nắp như những ngày tết. Rồi người người, nhà nhà sẽ tất bật công việc kể cả ngày đêm. Nửa nồi bánh chưng thứ hai sẽ không còn nghĩ đến việc tiếp khách nữa, mà để ăn nửa buổi ngoài đồng, trên rừng.

Nội lại nhìn trời, nhìn vườn. Mặt trời như đang nhìn thẳng xuống những ngọn cau cao vút để nhắc nhở điều gì đó. Nắng rải những tia ấm mát cuối cùng xuống vạn vật để tạm biệt xuân và tết. Nội hiểu thông điệp thường niên của nắng dành cho mọi người: thời gian không chờ đợi ai.

TIÊU ĐÌNH

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/nang-thang-gieng-3130295.html