Nâng tầm hạt muối Bạc Liêu

Muối Bạc Liêu từ lâu đã rất nổi tiếng và nghề làm muối ở đây cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dù vậy, từ bao đời nay, diêm dân vẫn chưa thể làm giàu từ hạt muối do vòng luẩn quẩn được mùa-mất giá, được giá-mất mùa. Trước thách thức mà nghề muối tỉnh Bạc Liêu đang gặp phải, thời gian qua, cùng với nỗ lực bám nghề của diêm dân, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để nâng tầm hạt muối.

Niềm vui trên đồng muối

Giữa trưa nắng bỏng rát, chúng tôi đến thăm vùng đất “trắng trời”-huyện Đông Hải-nơi nghề muối xuất hiện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu. Trên những cánh đồng đầy nắng, thừa gió và đậm vị mặn, gia đình chị Giang Út Đèo và nhân công đang tất bật thu hoạch muối. Mồ hôi đầm đìa trên gương mặt đen sạm, nhưng ánh mắt chị vẫn lấp lánh niềm vui bởi vụ muối năm nay trúng mùa. “Nắng to, gió mạnh là điều kiện thuận lợi để muối kết tinh nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch. Giá muối trắng bán tại ruộng hiện khoảng 800-1.000 đồng/kg (giảm 200-400 đồng/kg) so với đầu vụ. Mặc dù giá sụt giảm nhưng diêm dân vẫn có lãi do sản lượng cao”, chị Giang Út Đèo bộc bạch.

Bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, được giá, vụ muối năm nay đạt sản lượng cao còn do diêm dân đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, nhất là cơ giới hóa một số khâu trong thu hoạch, vận chuyển muối. Điển hình như anh Châu Mộng Đỉnh, xã viên Hợp tác xã (HTX) sản xuất muối và dịch vụ muối công nghệ cao Đông Hải. Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nên 16ha chỉ cần 3 nhân công lao động (giảm 7 nhân công so với sản xuất muối truyền thống).

Nông dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối.

Anh Đỉnh chia sẻ, chỉ riêng chi phí thuê nhân công trong một vụ muối, mỗi người khoảng 50 triệu đồng, nhờ cơ giới hóa, anh đã tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng. “Trong khâu thu hoạch muối, nếu như trước đây, với 16ha, vào đợt thu hoạch cần 10 nhân công thì nay chỉ cần 3-4 người là đủ bảo đảm thực hiện khối lượng công việc. Chỉ với một động cơ diesel cùng dụng cụ thu hoạch gọi là “chang” (dụng cụ cào muối) và 2 người điều khiển (1 người điều khiển động cơ để máy cuộn dây, 1 người cầm “chang” kìm lái để đi không chệch hướng lên sân muối) là có thể thu hoạch gấp 10 lần so với thu hoạch thủ công, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, từ đó lợi nhuận cũng cao hơn”, anh Đỉnh cho biết.

Đầu tư hạ tầng, chú trọng sản xuất, chế biến

Cùng với tôm, lúa, muối cũng là một trong những thế mạnh kinh tế trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh sự thủy chung của người dân dành cho hạt muối, để phát triển mỏ “vàng trắng” có hơn 100 năm tuổi, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, mục tiêu đến năm 2030 duy trì diện tích sản xuất muối 1.500ha, sản lượng muối đạt 66.000 tấn/năm.

Là địa phương phát triển mạnh nghề sản xuất muối, đồng chí Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đông Hải cho biết: “Cụ thể hóa đề án của tỉnh, huyện Đông Hải đã triển khai xây dựng mô hình quản lý sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực của HTX Doanh Điền thông qua các lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (dự kiến sẽ tiêu thụ được hơn 90% sản phẩm muối của mô hình). Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng vận động các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thực hiện theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, HTX nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho diêm dân tiếp cận với các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ”.

Bên cạnh chú trọng sản xuất, chế biến, để góp phần củng cố thương hiệu, xây dựng giá trị hạt muối, Bạc Liêu còn triển khai xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; xây dựng lễ hội muối tổ chức định kỳ hằng năm nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch. Minh chứng là trong chuỗi sự kiện Ngày hội văn hóa-du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức “Không gian tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu”, đồng thời, tỉnh cũng sẽ tổ chức Festival muối trong thời gian tới.

Đặc biệt, để giúp địa phương mở nút thắt, khơi dòng cho hạt muối phát huy tối đa giá trị, phát triển ngành muối của tỉnh Bạc Liêu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ để tỉnh triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025 đối với đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải) với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Dự án sẽ cải tạo, xây dựng mới gần 15km đường giao thông và xây mới 15 cây cầu thép, 5 cây cầu bê tông với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, phục vụ cho hơn 1.300ha diện tích sản xuất muối tại hai xã Điền Hải và Long Điền Đông. Song song với đầu tư phát triển hạ tầng nghề muối, Bộ NN-PTNT còn cam kết đồng hành với tỉnh trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm muối. Củng cố, phát triển các thương hiệu muối đã có; giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia làm chủ thể OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đối với sản phẩm muối...

Theo đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Đề án Bộ NN-PTNT hỗ trợ đã góp phần giải quyết những khó khăn đang tồn tại về hệ thống giao thông, thủy lợi để phát triển ổn định vùng muối trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, diêm dân có thêm điều kiện tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng hạt muối. “Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hạng mục của đề án nâng cấp cánh đồng muối, tỉnh Bạc Liêu đang quan tâm hỗ trợ các công ty muối đổi mới quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh tập trung khai thác và phát triển thương hiệu “Muối ăn Bạc Liêu” được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển du lịch. Đây không chỉ là việc “mở đường” vào ruộng muối mà còn góp phần giúp cho việc sản xuất, vận chuyển muối được thuận tiện hơn, tạo điều kiện để hạt muối xứ biển Bạc Liêu vươn xa”, đồng chí Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-tam-hat-muoi-bac-lieu-773081