Nắng nóng kéo dài, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố

Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam. Tình trạng nắng nóng kéo dài đã tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, nguy cơ cao đối với thức ăn đường phố.

Nắng nóng – cơ hội cho vi khuẩn phát triển

Đến chiều nay (3/5), tổng cộng có gần 490 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có 12 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có 2 bệnh nhi rất nặng, phải lọc máu.

Ngày 2/5, tại TP.HCM cũng đã xảy ra vụ 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi, bánh mỳ trước cổng trường hoặc mua trên đường đi.

Học sinh rất thich mua đồ ăn vặt, ăn nhanh trước cổng trường (Ảnh: Kim Dung)

Trước đó một tháng, có gần 50 người phải nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, bánh bao được phát miễn phí tại lễ hội ở Bình Dương.

Ghi nhận tại cổng của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học ở TP.HCM có rất đông công nhân, người dân hay học sinh đều tấp vào, mua nhanh các thực phẩm chế biến sẵn như: Bánh mì, cơm cuộn sushi, bún chay, bún thịt nướng, trà sữa….

Các hàng quán di động vỉa hè khẳng định, mặt hàng mình bán đủ đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Nói chung mình bán kiếm lời nhưng quan trọng là có tâm. Bán gì cũng phải an toàn. Xúc xích thì mua công ty bên kia có địa chỉ, có hóa đơn đàng hoàng. Thịt đi chợ mua từ sáng rồi ướp bỏ tủ lạnh”, một người bán hàng tại TP.HCM cho biết.

Sau vụ nhiều học sinh nhập viện vì sushi hoặc bánh mì trước cổng trường, nhiều trường học ở TP.Thủ Đức không cho bán hàng rong nữa (Ảnh: Kim Dung)

Tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam đang nắng nóng gay gắt, có lúc lên đến hơn 40 độ C. Theo chuyên gia, nhiệt độ từ 37 – 40 độ C là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh. Trong khi đó, nhiều hàng quán bày bán thức ăn ngoài trời, không che đậy, nhiệt độ tăng cao mà không được bảo quản. Đặc biệt là gánh hàng rong bán từ sáng tới chiều dễ bị ôi thiu, nguy cơ ăn vào ngộ độc cao.

PGS.TS.BS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khoa đang điều trị cho 1 nam bệnh nhi (13 tuổi) từ vụ nghi ngộ độc hàng loạt do ăn bánh mì ở Đồng Nai. Hiện, bệnh nhi có sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt.

Theo TS. Quang, các bậc phụ huynh cần kiểm tra thực phẩm trước khi ăn vì trời nắng dễ bị ôi thiu, nhất là sau khi ăn cũng phải theo dõi trong vòng 6 - 12 giờ.

Nếu bé xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn nói, tiêu chảy, sốt thì nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu nhẹ thì có thể uống thuốc điều trị ngoại trú, nặng thì nhập viện kịp thời.

Tăng tần suất kiểm tra đột xuất về thực phẩm

PGS.TS.BS. Phạm Văn Quang cảnh báo, trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhập viện trễ, trẻ có thể bị trụy tim mạch do mất nước nhiều, thậm chí nặng hơn là tình trạng sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong rất cao.

“Nếu trẻ bị ói nhiều, tiêu chảy nhiều thì vấn đề quan trọng nhất là mất nước. Chúng ta phải nhanh chóng bù nước cho cháu. Nếu ở nhà có sẵn dung dịch Orezol thì cho trẻ uống, nếu không có thì cho uống nước lọc. Dù uống có giảm triệu chứng hay không thì vẫn phải đưa trẻ đến bác sĩ. Tại đây sẽ được khám kỹ, kiểm tra tình trạn sức khỏe của trẻ diễn tiến ra sao. Không được giữ trẻ ở nhà vì chẳng may trẻ rơi vào cái giai đoạn nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong sẽ rất là cao”, PGS.TS.BS. Phạm Văn Quang khuyến cáo.

TP.HCM hiện có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó tập trung khá nhiều bên ngoài các trường học. Không được che đậy kỹ lưỡng, mức giá rẻ, nhiều loại không có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Đó là những lý do khiến những điểm bán thức ăn đường phố ẩn giấu nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh, đặc biệt là trong mùa nắng nóng hiện nay.

Một bệnh nhi đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM do ăn bánh mì tại TP Long Khánh - tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Đ.H)

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM, thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường là những hàng quán di động, hình thức bảo quản thực phẩm không nhiều hoặc rửa chén bát cũng khó khăn.

Đồng thời, những hàng quán này thường di chuyển nhiều, nguy cơ bụi và côn trùng xâm nhập rất cao. Thông thường, nhóm khách hàng của thực phẩm này là trẻ em – đây là nhóm có nguy cơ lớn, dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm kéo dài từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5, những bếp ăn tập thể, bếp ăn trong trường học và các điểm bán thức ăn bên ngoài trường học ở tất cả 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ được tăng cường giám sát.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã thành lập 11 đoàn kiểm tra, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố với số lượng cơ sở dự kiến kiểm tra 2.366 cơ sở.

Nhằm kịp thời ngăn chặn các sự cố liên quan an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Sở An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế thành phố hỗ trợ cung cấp thông tin các sự việc mất an toàn thực phẩm được ghi nhận từ hệ thống các bệnh viện, cơ sở điều trị trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất: “Chúng tôi kiểm tra kiểm soát rất chặt chẽ các bếp ăn, căng tin bên trong nhà trường, còn bên ngoài nhà trường khó khăn hơn. Đặc biệt là đối với các đối tượng kinh doanh hàng rong di động. Chúng ta không chống lại việc bán hàng này, nhưng chúng ta vận động khuyến khích, yêu cầu phải làm sản phẩm đảm bảo sạch sẽ, an toàn”.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân nên ăn chín uống sôi. Đặc biệt, các bậc phụ huynh nâng cao ý thức trong việc nhắc nhở con em học sinh hạn chế sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, các thực phẩm di động bày bán trước cổng trường.

Kim Dung – CTV Bảo Trân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nang-nong-keo-dai-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-tu-thuc-an-duong-pho-post1092940.vov