Nặng nợ với nghề nấu rượu truyền thống

Rượu uống vào không đau đầu, thơm mùi nếp mới,... là những đánh giá đầu tiên của khách hàng về rượu nếp Phát Sơn do gia đình ông Lê Phát Sơn (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) sản xuất. Sản phẩm rượu Phát Sơn vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Một ngày cuối tháng 2, chúng tôi về xã Thanh Phú Long tìm hiểu về nghề nấu rượu gia truyền của ông Lê Phát Sơn. Vừa dừng xe ở góc sân, đã cảm nhận được hương thơm nồng nàn của rượu nếp. Ông Sơn mời chúng tôi tham quan lò rượu và say sưa kể: “Nấu rượu là nghề gia truyền, nhờ đó mà mẹ tôi nuôi mấy anh em tôi khôn lớn. Do vậy, tôi quyết tâm giữ nghề và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, nấu rượu vất vả lắm, còn bây giờ áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại nên việc nấu rượu rút ngắn thời gian, ít tốn công, nhất là hạn chế được rượu hư”.

Ông Lê Phát Sơn đầu tư lò điện nấu cơm da

Ông Lê Phát Sơn đầu tư lò điện nấu cơm da

Gia đình ông Sơn đầu tư 1 lò điện nấu cơm da và 1 lò điện chưng cất rượu; đồng thời, kéo điện hạ thế với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hiểu (vợ ông Sơn) bộc bạch: "Nếu làm thủ công, nấu cơm da 100kg gạo mất gần cả ngày, chưng cất từ 2-3 ngày, phải canh lửa vất vả. Giờ nấu điện 100kg gạo chỉ mất 1 giờ, chưng cất rượu mất 5 giờ. Đặc biệt, lò điện được lập trình, lò chưng cất rượu được thiết kế 2 đáy nên việc nấu rượu không còn phải “5 ăn, 5 thua” như trước đây”.

Vợ chồng ông Lê Phát Sơn kiểm tra cơm sau khi ủ

Vợ chồng ông Lê Phát Sơn kiểm tra cơm sau khi ủ

Gia đình ông Sơn gắn bó với nghề nấu rượu gần cả trăm năm. Ngày trước, để có được mẻ rượu ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Theo đó, sau khi lúa nếp được thu hoạch, người nấu rượu mua về phơi khô, trữ một thời gian, sau đó đem xay, men viên mang xay nhuyễn, khi cơm chín, trộn men ủ 3 đêm, sau đó chan nước tiếp tục ủ thêm 4 đêm bắt đầu đem chưng cất rượu. Lúc đó, nấu rượu chủ yếu bằng lò trấu, củi hoặc than nên phải canh, người nấu thường xuyên chịu nóng.

Nghề nấu rượu không phải là nghề làm giàu, với việc cung cấp gần 3.000 lít rượu/tháng, sau khi trừ chi phí, ông Sơn có lợi nhuận dưới 10 triệu đồng. Dù lợi nhuận không cao so với chi phí, công sức bỏ ra nhưng điều gia đình tự hào là rượu Phát Sơn ngày càng được nhiều người đón nhận. Ông Sơn cho biết thêm: “Có nhiều người đến đặt vấn đề hợp tác sản xuất như sau khi trao đổi, tôi nhận thấy họ chỉ chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng nên từ chối. Với tôi, làm gì cũng phải đặt cái tâm vào, đừng chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thà lợi nhuận ít mà buôn bán lâu dài, tạo được lòng tin của khách hàng".

Bằng sự tận tâm, trách nhiệm, rượu Phát Sơn vừa được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Song, điều ông Sơn còn băn khoăn hiện nay là chưa có người kế thừa nghề nấu rượu gia truyền của gia đình. Nguyên nhân, các con ông đều cho rằng nghề này rất vất vả trong khi thu nhập không cao, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Bà Hiểu bộc bạch: “Giờ chỉ có vợ chồng tôi nấu rượu, các con đều làm nghề khác, không đứa nào chịu theo nghề mặc dù vợ chồng tôi thuyết phục rất nhiều lần. Đó là quyền quyết định của con, vợ chồng tôi không ép”.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, gia đình ông Sơn vẫn giữ được nghề truyền thống của gia đình bằng sự tận tâm, trách nhiệm và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tin rằng, rượu Phát Sơn sẽ ngày càng phát triển, nhất là tìm được thế hệ kế thừa trong thời gian không xa./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-no-voi-nghe-nau-ruou-truyen-thong-a150135.html