Nâng mức giảm trừ gia cảnh để bù trượt giá

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Đây là thông tin được dư luận đặc biệt chú ý vì nó sẽ có tác động lớn tới đời sống người dân, đặc biệt là trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay.

Người nghèo cũng chịu ngưỡng đóng thuế?

Chị Nguyễn Hiền, một nhân viên văn phòng cho biết, thu nhập của chồng chị (làm nghề tự do) là 8 triệu đồng, còn tổng thu nhập cả lương và thưởng hàng tháng chị rơi vào 18 triệu đồng. Hai vợ chồng có 1 người con được tính vào người phụ thuộc trong thu nhập của chị. Mỗi tháng tiền giảm trừ gia cảnh chị và con được hưởng là 15,5 triệu đồng, còn 2,5 triệu đồng còn lại vẫn phải đóng thuế TNCN là 5%.

“Số tiền đóng thuế hàng năm chỉ khoảng 1,5 triệu đồng không quá nhiều, nhưng cả gia đình tôi thu nhập cũng chỉ 26 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà hết 6 triệu, còn 20 triệu đồng chia cho 3 người, không đủ sinh hoạt, tháng nào cũng giật gấu vá vai, được xếp là người nghèo mà vẫn phải đóng thuế TNCN thì tôi thấy bất cập quá”, chị Hiền than thở.

Mức khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay được cho là không theo kịp trượt giá.

Tâm trạng của chị Hiền cũng là nỗi lòng của không ít người dân đang sống tại thành thị, đặc biệt là đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, khi mà mặt bằng giá cả chi tiêu đều tăng cao, thu không đủ bù chi nhưng vẫn rơi vào ngưỡng phải nộp thuế. Thực tế, Luật Thuế TNCN được ban hành vào năm 2007 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh mới chỉ được điều chỉnh hai lần. Và lần điều chỉnh gần đây nhất là vào tháng 7/2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14) ở mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo khảo sát của Numbeo (trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống), công bố tháng 8/2022 cho thấy tại TP Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người không tính tiền thuê nhà là khoảng 40 triệu đồng, chi phí hàng tháng của 1 người không tính tiền thuê nhà ở mức khoảng hơn 11 triệu đồng.

Tại Hà Nội, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người không tính tiền thuê nhà là khoảng hơn 36 triệu đồng, chi phí hàng tháng của 1 người không tính tiền thuê nhà là hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Mức này thường được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi, chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm. Có thể tính những chi phí cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi tiêu của người dân như giáo dục, y tế đã tăng mạnh thời gian qua.

Cụ thể, tháng 10/2022, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35% so với tháng 9, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,64% do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang dự kiến đến cuối năm 2024, tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh thêm 9%…

Nên tính đến yếu tố vùng miền

Như vậy, khi mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh mới thay đổi được 2 năm, thì cũng đã không phù hợp với mức sống thực tế của người dân. Chưa kể đến thời điểm này, sau 4 năm, với tình hình lạm phát và mặt bằng giá cả theo thực tế, thì mức giảm trừ gia cảnh đã quá “lạc hậu”. Vì thế, một số ý kiến đã đề xuất, có thể nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 - 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế, và 8 - 10 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Cùng với đó, cần tính đến yếu tô vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp, bởi, mức sống nhiều tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai,… không thể giống như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chuyên gia về giá cả Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) đánh giá mức giảm trừ gia cảnh đã “lỗi thời quá mức” và cho rằng cần phải sửa ngay lập tức cho phù hợp với biến động thực tế. Tuy nhiên, ông Long cho rằng việc sửa đổi cần có tính toán khoa học hơn trên cơ sở các khảo sát đánh giá để đưa ra mức giảm trừ gia cảnh phù hợp. “Có chuyên gia tính toán lấy hệ số lương cơ bản, nhân với 2,2 để tính ra mức khởi điểm cho người đóng thuế là 20 triệu, đồng thời nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên cao cho phù hợp, tôi nghĩ đây cũng là một ý kiến, nhưng cần phải dựa trên sự tính toán khoa học, có luận chứng rõ ràng.

Thuế là công cụ công bằng, hiệu quả, và phải triển khai công khai, minh bạch để khuyến khích người dân nộp thuế, chứ không phải để ép buộc. Nếu thuế thu cao quá, sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống của người dân, còn nếu thu thấp quá, lại không đảm bảo ngân sách. Vì thế, cần có điều tra, tính toán cụ thể”, ông Long nói.

Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này cho rằng cần phải có mức bình quân cho từng vùng khác nhau, vì mức sống ở thành thị và nông thôn sẽ rất khác nhau, đặc biệt là nếu so sánh nông thôn, miền núi với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có sự chênh lệch rõ rệt, vì thế không thể “cào bằng” các vùng miền. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu nâng mức khởi điểm chịu thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, dĩ nhiên thu nhập thực thụ của người dân sẽ tăng lên, từ đó kích cầu tiêu dùng, cầu tăng, cung sẽ tăng, tác động rất tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng nguồn thu cho ngân sách bằng những sắc thuế khác.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, Luật Thuế TNCN của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ví dụ, Singapore đã giảm mức thuế TNCN về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%. Hiện nay, ở Việt Nam, chủ yếu người gánh thuế TNCN là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nang-muc-giam-tru-gia-canh-de-bu-truot-gia-i723769/