Năng lượng sạch vẫn chỉ là giấc mơ?

Tại hội nghị COP28, các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định đã đến lúc bỏ lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là năng lượng tái tạo.

Tàu khoan dầu Liza Unity ngoài khơi Guyana vẫn liên tục khai thác vì lợi nhuận. Ảnh: SBM Offshore

Thế nhưng, các công ty khai thác dầu mỏ cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng này vẫn giống như một “giấc mơ” hơn là thực tế.

Dầu mỏ vẫn là “vàng đen”

Trong những năm gần đây, có vẻ như con người đã nghiêm túc trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Một phong trào trẻ do Greta Thunberg lãnh đạo, đã thu hút hàng triệu người trên khắp thế giới xuống đường hô vang khẩu hiệu “Hãy giữ nó trong lòng đất”, tức đề cập đến dầu, khí đốt tự nhiên và than đá.

Không chỉ vậy, hết Chính phủ nước này đến nước khác, đều cam kết đất nước của họ sẽ trung hòa lượng carbon vào giữa thế kỷ XXI này. Cùng thời điểm đó, đại dịch coronavirus bùng phát, khiến hàng triệu người không thể đi làm hoặc đi du lịch khắp thế giới, giá dầu và giá cổ phiếu của các công ty dầu mỏ sụt giảm. Vàng đen mất đi độ bóng trong một thời gian ngắn.

Nhưng theo một phân tích dữ liệu được thực hiện bởi Viện Năng lượng có trụ sở tại London, con người chưa bao giờ đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch như hiện nay. Vào năm 2022, lượng dầu, than và khí tự nhiên trị giá 137.000 tỷ kilowatt giờ đã được tiêu thụ, nhiều hơn bao giờ hết.

Juliet Davenport, Chủ tịch Viện Năng lượng, cho biết: “Mặc dù năng lượng tái tạo tăng trưởng kỷ lục, nhưng tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu vẫn ở mức 82%”.

Đó là lý do tại sao lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2022 cao hơn bao giờ hết, và năm 2023 có thể còn cao hơn nữa. Minh chứng là nhiệt độ khắp thế giới đang tăng vọt một cách nguy hiểm, lũ lụt và cháy rừng ngày càng thảm khốc. Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, với chính sách năng lượng hiện tại, chúng ta sẽ không chỉ bỏ lỡ mục tiêu 1,5 độ mà “thậm chí bỏ lỡ mục tiêu 2 độ”.

Trong khi đó, các công ty dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá đang kinh doanh bùng nổ. Và các nhà vận động hành lang của họ đang làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng điều đó sẽ kéo dài lâu nhất có thể. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Đức Urgewald, 96% trong số khoảng 700 công ty dầu khí được khảo sát, đang tìm kiếm hoặc phát triển các mỏ mới.

Trong số đó có 539 mỏ hiện đang hoạt động để sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên, với sản lượng lên tới 230 tỷ thùng (mỗi thùng chứa 159 lít) lượng dầu tương đương từ các mỏ chưa được khai thác. Con số này tương đương với mức tiêu thụ trong 6 năm của toàn cầu hiện nay.

Các công ty dầu mỏ lớn đang mở rộng phát triển ExxonMobil, Hess và Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, cho biết đến nay đã cam kết đầu tư ít nhất 40 tỷ USD vào dự án Guyana. Ngược lại, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), toàn bộ các công ty năng lượng không chi quá 20 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo, như công viên năng lượng mặt trời và gió vào năm 2022 chỉ chiếm 2,5% chi tiêu vốn.

Big Five - 5 gã khổng lồ về dầu khí tự nhiên của phương Tây gồm ExxonMobil, Chevron, BP, Shell và TotalEnergies, đã kiếm được lợi nhuận gần 200 tỷ USD. Công ty nhà nước Ả Rập Saudi Saudi Aramco kiếm được 161,1 tỷ USD lợi nhuận. Và nhà sản xuất than tư nhân lớn nhất thế giới Peabody Energy đến từ Mỹ, đã kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết vào năm 2022.

Xem ra sau Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015, các công ty dầu mỏ tiếp tục khai thác các mỏ dầu, khí đốt tự nhiên và than, như thể biến đổi khí hậu hoàn toàn không tồn tại.

Phải chăng vẫn chưa sẵn sàng?

Mark Jacobson và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Stanford, đã công bố một nghiên cứu mới trên Tạp chí Khoa học Năng lượng & Môi trường, rằng 145 quốc gia trên thế giới có thể chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo với chi phí chuyển đổi khoảng 62.000 tỷ USD.

Đây là con số khổng lồ, nhưng Jacobson và nhóm của ông cho biết số tiền tiết kiệm được từ việc chuyển đổi thế giới sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo sẽ là 11.000 tỷ USD mỗi năm. Nói cách khác, khoản đầu tư ban đầu sẽ được hoàn trả chỉ sau 6 năm.

Trong phần kết luận cho nghiên cứu của mình, Jacobson và các đồng nghiệp cho biết: “Chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo ở 145 quốc gia làm giảm nhu cầu năng lượng cũng như chi phí cá nhân và xã hội hàng năm, trong khi tạo ra thêm khoảng 28,4 triệu việc làm toàn thời gian dài hạn so với số việc làm bị mất. Nền kinh tế 100% năng lượng tái tạo chỉ sử dụng khoảng 0,53% diện tích đất của 145 quốc gia".

Nhưng cuối cùng, thế giới có thể cai nghiện dầu, than và khí đốt tự nhiên không? James Hansen, chuyên gia khí hậu lâu năm của NASA cho biết, phần lớn cơ sở hạ tầng ngày nay được cấu hình để sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như nhà máy điện chạy bằng than, xe cộ và máy bay chạy bằng dầu diesel, xăng và dầu hỏa, các quy trình công nghiệp dựa vào khí đốt tự nhiên.

Và các nhiên liệu gây hại cho khí hậu cũng được trợ giá rất nhiều. Theo IAE, các chính phủ trên toàn thế giới đã chi hơn một nghìn tỷ đô la cho các khoản trợ cấp như vậy vào năm 2022.

Trong khi đó, một số người tiêu dùng năng lượng lớn ở châu Âu tiếp tục hướng tới nhiên liệu hóa thạch. Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn tiếp tục khai thác trữ lượng ở nước ngoài càng lâu càng tốt, và dự định cấp hơn 100 giấy phép mới.

Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “tạm dừng quy định” đối với luật môi trường của EU. Còn Đức đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ cho nhiều biện pháp chống biến đổi khí hậu sau phán quyết của tòa án, hiến pháp nước này loại bỏ ngân sách của Berlin.

Người chiến thắng cuộc bầu cử ở Hà Lan, nhà cấp tiến cánh hữu Geert Wilders, đã tuyên bố ý định gửi nhiều hiệp ước và luật bảo vệ khí hậu “qua máy hủy tài liệu”, và đình chỉ mọi chi tiêu của nhà nước cho việc bảo vệ khí hậu. Và ông không phải là người duy nhất: Các đảng cánh hữu từ Tây Ban Nha, Pháp, Đức và nhiều nước khác đã nhận ra rằng, chiến dịch chống lại luật bảo vệ khí hậu có thể mang lại chiến thắng chính trị.

Tại Brussels, Ủy viên Hành động vì Khí hậu Frans Timmermans, đã từ chức và giao chức vụ này cho người đồng hương Hà Lan là Wopke Hoekstra, người từng làm việc cho Shell.

Thế giới khó có thể "cai nghiện" dầu, than và khí đốt tự nhiên khi phần lớn cơ sở hạ tầng ngày nay được cấu hình để sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như nhà máy điện chạy bằng than, xe cộ và máy bay di chuyển bằng dầu diesel, xăng và dầu hỏa, các quy trình công nghiệp dựa vào khí đốt tự nhiên...

Vinh Trang

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nang-luong-sach-van-chi-la-giac-mo-post110826.html