Nặng lòng với di sản văn hóa dân gian

Sáng ngày 6/5/2024, đông đảo nhà khoa học, văn nghệ sĩ khắp cả nước... đã tiễn đưa GS.TS khoa học Tô Ngọc Thanh - một học giả, một cây đại thụ trong làng nghiên cứu văn hóa dân tộc, về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong nhiều năm qua, ông cũng là người đặc biệt quan tâm đến di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên quê hương Quảng Ngãi.

Cuốn hút bởi văn hóa biển, đảo

Vào một ngày tháng 9/1997, tôi may mắn được TS Nguyễn Chí Bền đưa đến thăm GS.TS khoa học Tô Ngọc Thanh (lúc này ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), để nhờ ông gợi ý cho tôi chọn đề tài làm nghiên cứu sinh về văn hóa học. Sau khi ông hỏi tôi một số vấn đề về văn hóa ở địa phương mà tôi quan tâm lúc đó, tôi có nói về Lý Sơn, về vùng biển nơi tôi sinh ra và lớn lên, ông gợi ý ngay cho tôi là cần nghiên cứu về văn hóa dân gian đảo Lý Sơn hoặc vùng ven biển Quảng Ngãi.

Rồi ông giải thích thêm: “Việt Nam là một quốc gia biển, có chiều dài bờ biển hơn 3.000km, với hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ. Tuy nhiên, cho đến những năm 90 này (tức những năm 90 của thế kỷ trước), vấn đề nghiên cứu văn hóa biển ở Việt Nam chưa được các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học thật sự quan tâm. Vậy nên hãy bắt đầu nghiên cứu về văn hóa biển”.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn). Ảnh: PV

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh được cấp bằng tiến sĩ năm 1978, bằng tiến sĩ khoa học chuyên ngành Âm nhạc năm 1987 tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria; được phong giáo sư vào năm 1991. Ông từng làm Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nhiều năm làm Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống ICTM của UNESCO; được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 (2001). Ông là con trai đầu của họa sĩ lừng danh Tô Ngọc Vân.

Chính từ gợi ý này, tôi đã làm đề tài tiến sĩ về văn hóa dân gian của cư dân ven biển ở quê hương mình, dù không phải không có nhiều lúng túng buổi đầu. Vào đầu năm 2003, lại cũng chính ông dành nhiều lời khen, mà có lẽ động viên là chính, khi ông làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của tôi.

Vài năm sau đó, GS Tô Ngọc Thanh lại bàn với chúng tôi nên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về văn hóa biển ở Quảng Ngãi, cũng như ở Nam Trung Bộ - Là nơi mà theo ông, đậm nét nhất về văn hóa biển. Và, cũng thật may mắn là lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, cùng các sở, ngành đã tạo điều kiện cho Sở Văn hóa - Thông tin (sau là Sở VH-TT&DL) phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - nơi ông làm Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội trong suốt 6 nhiệm kỳ, tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học toàn quốc về văn hóa dân gian biển, đảo, với hàng trăm tham luận giá trị.

Cuộc hội thảo lần thứ nhất có tên gọi “Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Quảng Ngãi” tổ chức năm 2007. Cuộc hội thảo lần thứ hai có tên gọi “Văn hóa dân gian với vấn đề biển, đảo” tổ chức năm 2016. Di sản văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi, cũng như ở cả nước được đánh thức, được coi trọng, được tôn vinh như ngày hôm nay, có lẽ một phần nhờ vào kết quả các cuộc hội thảo rất quan trọng và do chính ông chủ trì trong những lần này.

Cổ vũ lớp trẻ sưu tầm, nghiên cứu

Trong suốt 20 năm qua, dù tuổi cao, sức yếu (ông sinh năm 1930), nhưng ông đã cố gắng dành thời gian về Quảng Ngãi hàng chục lần, không chỉ để chủ trì các cuộc hội thảo khoa học, mà còn tổ chức và chủ trì các lớp tập huấn nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian...

Từ khi ông làm lãnh đạo Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội luôn tổ chức các lớp tập huấn phương pháp sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy văn nghệ dân gian ở nhiều nơi trong cả nước. Có lẽ hiếm có nơi nào mà Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lại tổ chức đến 4 lớp tập huấn như tại Quảng Ngãi, vào các năm 2005, 2012.

Trong các lớp tập huấn này, cùng với việc nghe giảng, trao đổi về phương pháp sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian với GS Trần Quốc Vượng (đầu 2005), với GS.TS Nguyễn Xuân Kính, GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Nguyễn Xuân Đức... hơn 300 học viên đều đặc biệt quan tâm đến các bài giảng rất sâu sắc, rất cuốn hút, rất thực tế của GS Tô Ngọc Thanh về cách điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể, các công đoạn xây dựng và thực hiện dự án tài trợ nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian.

Công cuộc sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, nhận diện giá trị, phát huy giá trị văn hóa dân gian các tộc người trong tỉnh Quảng Ngãi có được kết quả như ngày hôm nay, có lẽ có một phần quan trọng là nhờ vào các cuộc tập huấn như vậy.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh và tác giả bài viết. ( ảnh chụp đầu năm 2024)

Cách đây hơn 2 tháng, trong dịp đi công tác ở Hà Nội, tôi có đến thăm ông. Mặc dù ngồi trên xe lăn, giọng nói yếu ớt, nhưng ông lại nhắc về chiếc sáo tà-vố của người Hrê và vẫn khẳng định “đó là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người mà giờ đây chỉ còn người Hrê sở hữu, nên phải biết cổ vũ người Hrê trao truyền”.

Ông cũng hỏi tôi, là bản thảo cuốn sách “Văn hóa dân gian của người Ca Dong” của tôi đã in chưa, rồi khuyên tôi rằng: “Cố gắng in sớm, không chỉ để lưu giữ ký ức văn hóa của một tộc người, mà còn cổ vũ cho những người trẻ, đặc biệt người Ca Dong trẻ, biết trân trọng di sản văn hóa, biết sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian của tộc người mình”.

NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202405/nang-long-voi-di-san-van-hoa-dan-gian-5703bfe/