Nặng lòng giữ nghề tò he

Hơn 25 năm làm tò he, anh Đặng Văn Hùng (SN 1980) trải qua nhiều vất vả nhưng vẫn giữ nghề như giữ lấy hồn quê, giữ lại những gì cha ông đã trao truyền.

Anh Đặng Văn Hùng xem việc giữ nghề tò he là giữ một phần hồn dân tộc, văn hóa mà cha ông trao truyền

Anh Đặng Văn Hùng xem việc giữ nghề tò he là giữ một phần hồn dân tộc, văn hóa mà cha ông trao truyền

Anh Đặng Văn Hùng là thợ nặn tò he, quê huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. 25 năm nay, anh rong ruổi khắp nơi làm, bán tò he chỉ bởi đam mê, yêu nghề, muốn gìn giữ chút hồn quê giữa tất bật của cuộc sống hiện đại. Từ nguyên liệu bột nếp, với đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chỉ trong vài phút, anh đã tạo ra những con tò he vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Anh Hùng chia sẻ: “Lớn lên từ quê hương có nghề truyền thống nặn tò he nên những đứa trẻ làng tôi khi đó ai cũng biết làm. Tôi cũng vậy, từ nhỏ, tôi đã biết nặn tò he như một lẽ đương nhiên. Do yêu thích nên tôi gắn bó với nghề đến nay”. Anh Hùng thường làm tò he tại các khu vui chơi, cổng trường. Đồ nghề của anh chỉ vỏn vẹn 1 tấm mút xốp để cắm tò he; 1/2 chiếc lược cũ để tạo hình, vài bịch bột màu,... ấy vậy mà với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, anh có thể làm ra hơn 100 mẫu tò he. Mỗi con tò he, anh chỉ mất 1-2 phút để hoàn thiện. Các tác phẩm của anh không chỉ đẹp mà còn có hồn.

Những con tò he vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu

Những con tò he vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu

Mặc dù mức thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày nhưng do yêu nghề nên mọi khó khăn đối với anh đều trở nên dễ dàng. Anh Hùng cũng truyền nghề cho nhiều người nhưng người học và giữ được nghề chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Em Đoàn Khánh Duy (SN 2004, ngụ xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) cho biết: “Em thấy tò he trên tivi, đây là lần đầu tiên được xem người thợ làm trực tiếp. Những con tò he có thể làm quà cho bạn bè, người thân rất ý nghĩa. Chứng kiến cách người thợ làm ra tò he mới thấy được sự khéo léo của họ”.

Ngày ngày, anh Đặng Văn Hùng cùng phương tiện hành nghề của mình rong ruổi khắp mọi miền để giới thiệu sản phẩm tò he đến người dân. Mỗi nơi đến, anh chỉ chọn một góc nhỏ bên đường phố hay các khu vui chơi, trường học để thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê của mình. Không những thế, anh còn đi biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội. Đây là dịp để quảng bá một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước./.

Hà Lan - Thái Bạch

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-long-giu-nghe-to-he-a149615.html