Nắng đã ngủ yên trên ngàn lá...

Cố nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) bên người bạn đời - bà Đặng Thị Hồng Liên. Ảnh chụp sau khi ông đã hoàn thành trọng trách của người cán bộ lãnh đạo tỉnh. Ảnh: CTV

Sáng sớm cuối tháng 9, tôi đến cơ quan làm việc. Vừa mở máy thì nhận tin từ một người bạn: Nhà thơ Văn Công mất rồi. Tôi im lặng nhìn biển ban mai lấp lánh, sóng vỗ nhẹ triền cát vào cuối thu sáng lấp lánh, lòng chợt chùng xuống...

Mái tóc bạc, da thẫm đồi mồi cùng giọng trầm trầm xứ Nghệ của nhà thơ Văn Công khó lẫn vào đâu được. Điều đặc biệt ở ông là rất yêu mến những người viết trẻ, nhất là các hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Thứ đến là dù già lão (ông sinh năm 1928), ông vẫn đọc báo và sáng tác đều trên trang giấy với dòng chữ ngay ngắn dễ đọc. Tôi là người thường sửa lại các trang bản thảo để Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ in tác phẩm ký, tuyển tập thơ Văn Công...

Cống hiến đời mình cho kháng chiến và thơ ca

Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm sinh năm 1928, trong một gia đình Nho học ở Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An vốn có truyền thống văn học; do đó, ông cũng ảnh hưởng không ít tài thơ ca xướng họa của gia đình. Văn Công bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi; bài Tựu trường ông làm lúc đó đến năm 1996, NXB Hội Nhà văn đã in lại.

Nhà nghèo, năm 17 tuổi, ông bỏ học để đi làm kiếm sống ở Huế, Đà Nẵng và có dịp được trao đổi kiến thức về thơ văn (vì ông làm thư ký cho các ông chú họ) cho đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông lao vào công tác cách mạng, từ đội viên Đội công tác vũ trang Tây Nguyên đến Phòng quốc dân thiểu số Phú Yên. Từ cuối 1946, ông làm cán bộ công tác miền núi Phú Yên đến năm 1954. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, ông là người gắn bó mật thiết với miền núi Phú Yên và được người dân nơi đây nuôi nấng, bảo vệ.

Cuộc đời ngắn lắm... Nhưng với nhà thơ Văn Công thì không, vì ông cống hiến cả đời của mình cho kháng chiến và thơ ca một cách cần mẫn, trách nhiệm. Ông từng kể, thời ấy trong những căn nhà bên triền đồi ven bờ Krông Ba và Sông Hinh, vốn là cái nôi xuất phát của các trường ca Đam Sam, Xing Nhã, Đăm Đon và các điệu khan khiến tâm hồn thi sĩ của ông xúc động mà trở lại với việc sáng tác thơ, ca dao nổi tiếng ở miền núi (Khi ấy, nhà thơ Nguyên Hồ thì nổi tiếng ở đồng bằng Phú Yên).

Những tờ báo ở Khu 5 lần lượt in thơ Văn Công: Chín năm kháng chiến trường kỳ/ Chín năm gian khổ dạn dày gió sương/ Ngược xuôi qua mọi nẻo đường/ Ba lô, dép lốp, núi rừng xông pha... (Hát tiếp bài ca, tháng 8/1954)

Nhà thơ Văn Công từ một người miền xuôi đã dần hòa nhập với người miền núi và gắn bó với vùng đất này cho đến sau năm 1954 thì được phân công ở lại miền Nam, xây dựng xã Thồ Lồ (miền Tây của Phú Yên) thành căn cứ địa của tỉnh. Khi địch tăng cường khủng bố, đàn áp, ông thay tên, đổi họ bằng tiếng dân tộc, mặc khố hòa vào cùng bà con: Bảy năm quấn chiếc khố tời/ Bảy năm râu tóc mọc dài cải trang...

Lúc này, ông sáng tác những bài thơ thương nhớ quê hương Nghệ An, những bài thơ về những người vợ miền Nam gửi lòng theo chồng đi tập kết ở miền Bắc và cả thơ về đồng bào các dân tộc giữa vòng vây kẻ thù: Sợ lọt tai Mỹ Diệm/ “Hát nho nhỏ thôi em”/ Em vẫn hát tự nhiên/ Hồ Chí Minh muôn tuổi - 1954. Tác phẩm của ông đã từng được giải thưởng báo Thống Nhất, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam.

Văn Công đã có vị trí xứng đáng trong làng thơ miền Nam kháng chiến với những bài thơ giàu tình cảm và sục sôi chiến đấu. Rất tiếc là ông có rất ít thời gian cho riêng mình vì công việc của Đảng trong thời gian này cho đến năm 1965, tập thơ Bất khuất được Ban Tuyên huấn Phú Yên ra mắt và sau này, năm 1978, Hội Văn nghệ Phú Khánh xuất bản tập Mảnh đất yêu thương tập hợp các bài ông viết từ 1954-1975.

Ân tình sâu nặng với đất Phú Yên

Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà thơ Văn Công vẫn bị cuốn vào công việc. Ông từng kinh qua nhiều vị trí công tác như: Bí thư Huyện ủy Tây Sơn (bây giờ là huyện Sơn Hòa), Quyền Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Mãi đến năm 1989 khi tái lập tỉnh Phú Yên, ông từ chối mọi công việc được mời cả về chính trị lẫn văn học nghệ thuật.

Cố nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) cùng con gái Cao Thị Hiền Lương. Ảnh: CTV

Lúc này, ông hối hả viết như để bù lại những năm tháng làm việc cách mạng và như đuổi theo quỹ thời gian đã mất, chạy đua với tuổi già đang đến. Những tập sách cho ra mắt, những tập thơ in chung đều đặn xuất hiện. Ngoài thơ, ông còn viết ký, các công trình nghiên cứu về bản sắc đồng bào dân tộc nơi ông từng sống, từng hoạt động và trở thành đề tài quý giá cho người viết trẻ, các nhà nghiên cứu sưu tầm, các nhà sử học.

Bây giờ, mọi người đã gọi ông bằng cái tên đầy quý trọng cho dù nhiều lần ông lắc đầu từ chối: Nhà thơ Văn Công, nhà thơ Việt Nam cao tuổi nhất ở Phú Yên và người đã xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình với các tác phẩm được bạn đọc tiếp nhận đầy trân trọng: Khúc hát miền quê (Thơ 1985); Miền đất huyền thoại (Ký 1990); Vùng đất lửa (Ký 1992); Trước chiều gió (Thơ 1996); Hương đêm (Thơ 1996) và các tập sách về lịch sử và khảo cứu: Hậu cần nhân dân (1997); Người Ba Na ở Phú Yên (1998) và cả hồi ký: Ký ức về một miền đất (2001), Một chặng đường thơ (2007); Tuyển tập Thơ - Văn của Văn Công... UBND tỉnh đã tặng nhiều giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật cho ông vì đây không riêng gì sự tự hào của nhà thơ mà là của tỉnh, của Hội Văn học Nghệ thuật cùng nhiều văn nghệ sĩ mến mộ, trân trọng.

Nhà thơ Văn Công từng nói với mọi người, nhất là văn nghệ sĩ tỉnh nhà: Thơ là người bạn chí cốt của mình giúp mình vượt qua thử thách, gian nan, là nhật ký cảm xúc cuộc đời. Tuy viết cho riêng mình nhưng vẫn là nguồn mạch đến với đời, với những người đã từng sống, từng hoạt động, cùng chia sẻ mọi gian nan thử thách, chia sẻ với bạn bè nhiều nơi, nhất là các vùng đất mang nhiều kỷ niệm trong cuộc đời...

Nhà thơ Thanh Quế, người gốc Tuy An, luôn cảm phục nhà thơ Văn Công nên mỗi lần về thăm nhà đều ghé thăm ông và cũng từng nhận xét: Nhà thơ Văn Công là một con người luôn khiêm tốn, biết mình biết ta, tự lượng sức mình để làm việc và đánh giá người khác là đặc điểm của ông trong công tác chính trị cũng như trong sáng tác văn học.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trước thềm Đại hội đại biểu Hội Nhà văn lần VII đã gửi giấy mời cho nhà thơ Văn Công xem như đại biểu chính thức được mời của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và yêu cầu tôi chăm sóc ông trong chuyến đi vì sẽ khó có dịp ông về dự nữa (Quả thật, những đại hội sau này, nhà thơ Văn Công đều từ chối).

Nhà thơ Hữu Thỉnh từng bày tỏ: Nhà thơ Văn Công đã cống hiến không nhỏ cho nền văn học cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là nhà thơ cao tuổi thuộc thế hệ nhà thơ lớp cha anh vừa cầm súng vừa cầm bút và vừa là chiến sĩ chống giặc ngoại xâm. Sau ngày đất nước ngừng tiếng súng, ông vẫn miệt mài trên trang bản thảo để ghi lại những ân tình sâu nặng trên đất Phú Yên...

Tôi vẫn nhớ căn nhà nhỏ trên đường Trường Chinh, phố Tuy Hòa xanh bóng cây, lung linh sắc nắng mỗi khi tôi đến thăm lúc ông còn minh mẫn với ánh mắt đăm chiêu, buồn buồn: Năm nay sức khỏe kém quá cậu à, mà cũng đâu còn trẻ nữa... Ánh mắt toát lên những nỗi niềm, nỗi thương nhớ quê nhà vùng chiêm trũng Diễn Châu mà ông thường kể nay không có dịp về, thương nhớ vùng Miền Tây Phú Yên một thời kháng chiến ai còn, ai mất và những người bạn viết khi ông về phố biển Tuy Hòa.

Tử biệt sinh ly là điều không tránh khỏi. Chim đã kêu về núi, nắng đã ngủ trên ngàn lá xanh, bóng dáng nhà thơ cặm cụi bên trang bản thảo với những vần thơ trong sáng nơi góc phòng tĩnh lặng nay đã thành dĩ vãng...

HUỲNH THẠCH THẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/264766/nang-da-ngu-yen-tren-ngan-la.html