Nâng chất lượng điều tra, giải quyết vụ án hình sự

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng trong tỉnh (Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân) đã tăng cường phối hợp, nâng chất lượng hoạt động điều tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để khắc phục.

Trả hồ sơ vì thiếu chứng cứ

Đinh Tiến Mạnh (SN 1987) ở huyện Ý Yên (Nam Định) và Nguyễn Việt Thắng (SN 1983) ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cùng làm nghề cơ khí, chơi thân cùng nhau. Do cần tiền tiêu, tối 7/3/2023, Mạnh điều khiển xe mô tô chở Thắng đến Đền Xương Giang (TP Bắc Giang) cậy phá 4 két sắt (hòm công đức) lấy trộm 76 triệu đồng. Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố hai bị can về tội “Trộm cắp tài sản”. Tuy nhiên, Viện KSND TP Bắc Giang đã trả hồ sơ để xem xét hành vi phá két sắt lấy trộm tiền công đức có dấu hiệu của tội “Hủy hoại tài sản".

Vụ án hai chị em ruột Dương Thị Hoài và Dương Công Định trú tại xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên) bị tuyên phạm tội cướp tài sản bị TAND tỉnh trả hồ sơ để điều tra lại.

Sau khi điều tra bổ sung, Mạnh và Thắng bị khởi tố về hành vi “Hủy hoại tài sản”. Hay như vụ án Bùi Minh Hải ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) phạm tội cố ý gây thương tích xảy ra năm 2022, CQĐT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do chưa tiến hành đầy đủ các hoạt động điều tra, chưa thu thập tài liệu khám bệnh và điều trị ban đầu của bị hại; biên bản thực nghiệm điều tra không có tên, tuổi, địa chỉ và chữ ký người đóng thế; một số tài liệu là bản phô tô nên không có giá trị đã bị trả lại để điều tra lại.

Hơn một năm qua, TAND trả hồ sơ cho Viện KSND để điều tra bổ sung 63 vụ với 174 bị cáo. Viện KSND trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung 28 vụ với 103 bị can. TAND cấp phúc thẩm hủy 8 bản án sơ thẩm với 13 bị can, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Theo thống kê, hơn một năm qua (từ tháng 10/2022 đến 1/2024), Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp đã truy tố, chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp 2.139 vụ án với 4.345 bị cáo, trong đó TAND trả hồ sơ cho Viện KSND để điều tra bổ sung 63 vụ với 174 bị cáo.

CQĐT kết thúc điều tra đề nghị truy tố 1.882 vụ với 3.210 bị can, trong đó Viện KSND trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung 28 vụ với 103 bị can. Cùng đó, TAND cấp phúc thẩm còn hủy 8 bản án sơ thẩm với 13 bị can, yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Các vụ án trả lại do thiếu chứng cứ, có căn cứ xác định bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác, phát sinh tình tiết mới, bị cáo thay đổi lời khai và do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Mặc dù tỷ lệ các vụ án bị trả lại để điều tra bổ sung, điều tra lại nằm trong ngưỡng được pháp luật cho phép nhưng điều này ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, niềm tin của nhân dân. Nguyên nhân khách quan là do tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô, tính chất, phương thức, thủ đoạn, hậu quả thiệt hại. Một số vụ án có số đối tượng, người liên quan, người bị hại đông; tội phạm trên không gian mạng, tội phạm thực hiện tại nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước dẫn tới công tác điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian, công sức.

Nhiều hoạt động điều tra cần phải trưng cầu cơ quan chuyên môn, thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự... mà với thời hạn điều tra theo quy định thì chưa thể đáp ứng được việc thực hiện các hoạt động điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm một cách chắc chắn nhất. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn nhiều quy định bất cập. Công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật chưa kịp thời và đồng bộ, đặc biệt là việc vận dụng các án lệ vào công tác xét xử. Số lượng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn thiếu so với yêu cầu khối lượng vụ án giải quyết hiện nay.

Phối hợp liên ngành chặt chẽ

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh thì việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại trách nhiệm đầu tiên thuộc về CQĐT và điều tra viên. Điển hình như vụ án hai chị em ruột Dương Thị Hoài và Dương Công Định trú tại xã Trung Sơn bị TAND thị xã Việt Yên tuyên phạm tội “cướp tài sản” đã bị TAND tỉnh trả toàn bộ hồ sơ để điều tra lại. Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không thực nghiệm điều tra, không ghi âm, ghi hình việc hỏi cung các bị can trong khi các bị can không thừa nhận hành vi cướp tài sản ngay từ khi bị khởi tố, điều tra.

Lãnh đạo Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh và Cục Thi hành án dân sự ký kết quy chế phối hợp liên ngành.

Vì vậy, để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại cần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra. Khi được phân công thụ lý vụ án, điều tra viên phải chủ động trao đổi, phối hợp với kiểm sát viên ngay từ đầu; thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao tài liệu điều tra, xác minh cho Viện KSND theo quy định; thường xuyên phối hợp với kiểm sát viên rà soát, kiểm tra tiến độ để kịp thời bổ sung các hoạt động còn thiếu. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, điều tra viên và kiểm sát viên phải phối hợp đánh giá chứng cứ, tài liệu đã thu thập được (có lập biên bản), nếu phát hiện chứng cứ còn thiếu hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội khác thì phải kịp thời bổ sung, khắc phục ngay.

Đối với các vụ án có vướng mắc phải cùng nghiên cứu, đánh giá, kịp thời báo cáo để lãnh đạo liên ngành (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) trao đổi, thống nhất thực hiện hoặc xin ý kiến thỉnh thị liên ngành cấp trên sớm, tránh để vụ án sắp hết thời hạn điều tra hoặc vụ án đã được kết luận mới phát hiện dẫn đến bị trả lại. Thực hiện nghiêm quy định về "Phiếu kiểm việc" trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy đội và cán bộ điều tra trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, tiến hành các hoạt động điều tra.

Về phía kiểm sát viên chủ động phối hợp với điều tra viên ngay từ đầu, kịp thời nghiên cứu nội dung vụ việc để đề ra yêu cầu xác minh, điều tra từ sớm, cùng tham gia hỏi tổng cung bị can để nắm chắc nội dung vụ án và các tình tiết phạm tội của bị can. Đối với các vụ án phức tạp, bị can phản cung, chối tội hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sau khi kết thúc điều tra, kiểm sát viên phải thực hiện việc phúc cung đối với từng bị can để bảo đảm việc truy tố có căn cứ và thận trọng. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tăng cường kiểm tra, tham mưu, đề xuất áp dụng án lệ cho phù hợp; chủ động kiến nghị TAND Tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-chat-luong-dieu-tra-giai-quyet-vu-an-hinh-su-082353.bbg