Nâng chất bữa ăn học đường

Bảo đảm dinh dưỡng để phát triển thể chất, bảo đảm vệ sinh, an toàn... là những mục tiêu được ngành giáo dục đặt ra trong việc nâng chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học

Ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cùng các cơ sở giáo dục bằng nhiều phương thức khác nhau đang nỗ lực giám sát, kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú và vệ sinh môi trường học đường.

Mời phụ huynh ăn cùng

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết từ tháng 11-2023, phòng đã tăng cường biện pháp giám sát nâng cao chất lượng bữa ăn học đường. Cụ thể, các nhà trường tổ chức đoàn kiểm tra có phụ huynh tham gia các khâu, công khai thực đơn, thực hiện đúng vệ sinh an toàn thực phẩm... Hình ảnh món ăn bán trú được gửi về phòng trước 12 giờ và đơn vị sẽ kiểm tra đột xuất nếu cần thiết. Cách làm của Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức cũng được nhiều cơ sở giáo dục tại TP HCM hiện nay triển khai.

Nhiều trường còn thường xuyên mời phụ huynh đến trải nghiệm, ăn cơm bán trú cùng học sinh. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), theo cô Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Chi, nhà trường thường tổ chức ngày hội "Open house" nằm trong tuần lễ "Open house" để mở cửa đón phụ huynh vào trường. Trong tuần lễ này, nhà trường mời phụ huynh vào thăm bếp ăn của trường, quan sát quy trình chuẩn bị các suất cơm bán trú cho học sinh. Phụ huynh đăng ký cơm trưa sẽ ngồi ở bàn, ăn cùng các con.

Tại Trường Mầm non Vườn Hồng (TP Thủ Đức), trong những tháng có ngày lễ, ngày kỷ niệm..., phụ huynh được mời tới trường tham dự giờ ăn tại lớp, kiểm tra bếp ăn, các công đoạn tổ chức bữa ăn bán trú tại trường cho con. Chị Hoàng Nga, một phụ huynh của lớp chồi 4, chia sẻ khi phụ huynh được tham dự, chứng kiến con mình ăn uống ở trường thế nào, bữa ăn ra sao mới thực sự yên tâm. Qua đây phụ huynh biết được lượng dinh dưỡng của con ở lớp để bổ sung thêm khẩu phần ăn uống tại nhà, cũng như góp ý với giáo viên chủ nhiệm, trường học vấn đề nào còn chưa vừa ý.

Năm học 2023-2024, bếp ăn bán trú của Trường THCS Minh Đức (quận 1) tạm ngưng hoạt động do trường đang sửa chữa, xây dựng lại một số hạng mục. Vì vậy, các suất ăn bán trú của trường được cung cấp từ bếp ăn công nghiệp. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ban giám hiệu đặc biệt chú trọng về công tác tổ chức bữa ăn bán trú. Nhà trường thực hiện công khai thực đơn bán trú, tổ chức những buổi dành cho phụ huynh tham quan quy trình phục vụ suất ăn, cân chia, lưu mẫu và phân phối đến từng lớp cũng như cùng ăn cơm với con tại trường. Ban giám hiệu cùng các cán bộ, giáo viên trong trường còn kiểm tra bếp ăn công nghiệp thường xuyên, định kỳ cùng với phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP HCM) tự chuẩn bị bữa ăn trưa

Thực đơn bảo đảm dinh dưỡng

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú), cho biết để kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh được an toàn, bảo đảm dinh dưỡng, cứ vào 5 giờ 30 phút hằng ngày, ban thanh tra, chủ tịch Công đoàn và đại diện ban giám hiệu của trường sẽ thực hiện giám sát thực phẩm khi đơn vị cung cấp giao đến trường.

Thực phẩm được đưa lên bếp ăn và sơ chế ở một khu riêng, trước khi được đưa vào chế biến tại bếp chính. Đây là cách làm thường xuyên của trường nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh. "Với tiêu chí an toàn sức khỏe học đường cho học sinh, từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, tổ chức nấu ăn đến đầu ra là từng suất ăn cho học sinh đều được nhà trường giám sát kỹ càng, cẩn trọng và vệ sinh, an toàn luôn đặt lên hàng đầu" - cô Nguyệt nói.

Ngoài việc niêm yết trên bảng tin trước cổng trường, website, fanpage, thực đơn hằng ngày của học sinh được dán trước cửa bếp ăn để thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát, lưu mẫu. Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Hiệp Tân, để bảo đảm cho học sinh một bữa ăn bán trú an toàn, đủ dinh dưỡng ở trường cần nhiều công đoạn, từ giao nhận thực phẩm đến chế biến, giám sát, vệ sinh, rửa bát, lên thực đơn... "Bên cạnh yếu tố bảo đảm vệ sinh, nhà trường cũng chú trọng việc lên thực đơn để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh trong việc phát triển thể chất; thường xuyên mời các phụ huynh đến tham quan bếp ăn, ăn cùng các con. Qua đó để phụ huynh yên tâm và nhà trường cũng xin ý kiến đóng góp từ phụ huynh nhằm ngày một hoàn thiện hơn" - cô Minh Nguyệt cho biết.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, quản lý công tác tổ chức bữa ăn học đường và vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục. Trong đó nhấn mạnh thủ trưởng đơn vị trường học chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.

Cụ thể trong khâu tổ chức bữa ăn, các trường học phải phân chia thời gian mỗi ca ăn của học sinh hợp lý, khu vực nhà ăn thông thoáng, sạch sẽ. Ngoài ra, vận dụng hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng; tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường thể lực cho học sinh; thực hiện dinh dưỡng hợp lý…

Ngoài ra, các trường cũng phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh. Căng tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Học sinh chấm điểm bữa ăn

Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), mỗi tháng một lần, nhà trường tổ chức cho học sinh chấm điểm chất lượng bữa ăn bán trú trong thực đơn trong tháng. Nhà trường đưa ra 4 mức đánh giá gồm: rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ. Sau khi học sinh đánh giá, cán bộ phụ trách sẽ phân tích các dữ liệu và yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh cho phù hợp.

Để tạo thuận lợi cho học sinh vì lý do nhà trường chưa đáp ứng tốt mọi nhu cầu về ăn uống của các em, nên trường cũng đã cho học sinh mang cơm từ nhà đến trường ăn theo khẩu vị của các em. "Chỉ cần phụ huynh viết đơn minh bạch trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì học sinh hoàn toàn có thể đem cơm từ nhà đến trường ăn trưa" - cô Hiệu trưởng Trần Thúy An cho biết.

Khảo sát sự hài lòng về nhà vệ sinh

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết các trường học có trách nhiệm kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt khu vực nhà vệ sinh học sinh; thực hiện khảo sát sự hài lòng của học sinh đối với công trình vệ sinh tại đơn vị vào mỗi học kỳ trong từng năm học. Trên cơ sở kết quả khảo sát, lãnh đạo đơn vị có phương pháp khắc phục hạn chế, tồn tại nếu có.

Cụ thể, nhà vệ sinh trường học phải bảo đảm tiêu chuẩn số lượng và chất lượng theo quy định hiện hành. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn công trình vệ sinh tại các trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh, khử mùi, khử khuẩn các nhà vệ sinh (trước giờ học sinh vào học, sau giờ ra chơi và cuối giờ ra về). Không để xảy ra tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, ô nhiễm, bốc mùi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh.... Công tác kiểm tra của Sở GD-ĐT thành phố sẽ được thực hiện theo nhiều hình thức vào đầu năm học và cuối mỗi học kỳ. Kiểm tra đột xuất trong năm học tùy vào tình hình dư luận và thực tiễn.

Trước đó, Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM (nay là Sở An toàn thực phẩm TP HCM) tăng cường phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Sở đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm đẩy mạnh công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở cung ứng thực phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống, đặc biệt là cơ sở cung cấp suất ăn chế biến sẵn.

Bài và ảnh: ĐẶNG TRINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-chat-bua-an-hoc-duong-196240101194551373.htm