Nâng cao ý thức bảo vệ công trình nước sinh hoạt

ĐBP - Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.036 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng có đến 490 công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động (chiếm 47,29% tổng số các công trình). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như: Mưa lũ, hạn hán, thiết kế, hết thời gian sử dụng... song ý thức quản lý, bảo vệ của người dân còn kém cũng là một trong những nguyên nhân chính, thậm chí còn xảy ra tình trạng tranh chấp, đục thủng, phá vỡ đường ống dẫn nước.

Nhờ quản lý, bảo vệ tốt, công trình nước sinh hoạt bản Chua Ta A, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) dù được đầu tư từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn phát huy hiệu quả.

Công trình nước sinh hoạt tập trung các bản Nậm Pố 1, 2, 3, 4 (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) được Nhà nước đầu tư năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 8,3 tỷ đồng. Công trình được thiết kế phục vụ 2.281 hộ dân của 4 bản (số hộ tính tại thời điểm đầu tư). Tuy nhiên sau khi được đầu tư, đưa vào sử dụng đến nay công trình hoạt động không hiệu quả; một số đoạn ống, tuyến dẫn nước của công trình đã xuống cấp, hư hỏng, người dân không đủ nước dùng. Hiện nay chỉ có một số người dân bản Nậm Pố 3 có nước sinh hoạt từ công trình này, các bản còn lại không có nước dùng.

Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Bên cạnh nguyên nhân khách quan do mưa lũ, thời tiết thì ý thức bảo vệ công trình của người dân kém. Khi chưa được đầu tư thì người dân kiến nghị, nhưng khi được đầu tư rồi thì không ai tự giác quản lý, bảo vệ, ngược lại còn trông chờ, ỷ lại vào chính quyền. Qua kiểm tra, chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân chung tay bảo vệ công trình, tuy nhiên ý thức bảo quản tài sản chung của người dân chưa cao. Nhiều đoạn tuyến ống dẫn nước bị hư hỏng, bục vỡ, bể chứa rò rỉ nước… không được khắc phục, lâu ngày xuống cấp nên không hoạt động. Cùng với đó, tập quán chăn nuôi thả rông của người dân đã để gia súc phá hỏng đường ống dẫn nước, đập đầu mối... Để khắc phục tình trạng thiếu nước, người dân các bản Nậm Pố 1, 2 và 4 tự mua đường ống dẫn nước về dùng.

Thực tế tại một số bản dùng chung công trình nước sinh hoạt còn xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước. Nguyên nhân là do lượng nước ít, trong khi số hộ dân sử dụng lớn, vì vậy cùng sử dụng một công trình nước nhưng bản đầu nguồn thì có bản cuối nguồn thì không. Điển hình như người dân bản Nậm Ngám A với một số hộ dân bản Pú Nhi A và Pú Nhi B (xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông), đã xảy ra tranh chấp nguồn nước sinh hoạt từ công trình nước sinh hoạt dùng chung. Một số hộ dân ở bản Pú Nhi A và Pú Nhi B (đầu nguồn công trình) đã chặn hết nguồn nước không cho chảy về bản Nậm Ngám A, thậm chí còn cho nguồn nước chảy vào nương, ruộng để sản xuất trong khi người dân bản Nậm Ngám A thiếu nước sinh hoạt, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Chính quyền xã Pú Nhi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các hộ dân bản Pú Nhi A và Pú Nhi B không chặn nguồn nước chảy về bản Nậm Ngám A và người dân Nậm Ngám A cũng đồng ý trả tiền công quản lý, bảo vệ công trình cho một số hộ dân 2 bản Pú Nhi A và Pú Nhi B. Tuy nhiên, một số hộ dân bản Pú Nhi A và Pú Nhi B vẫn không đồng ý chia nước cho người dân bản Nậm Ngám A với lý do thiếu nước sinh hoạt.

Khảo sát tại nhiều địa bàn, nhiều công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng hoặc hoạt động kém hiệu quả do ý thức bảo vệ của người dân hạn chế, để gia súc phá hỏng đường ống dẫn nước, đập đầu mối và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hiện nay hầu hết các công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động đều là những công trình giao cho cộng đồng quản lý. Theo thống kê, trong tổng số 1.036 công trình toàn tỉnh thì có 1.013 công trình được giao cho cộng đồng quản lý; chỉ có 23 công trình giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp có thu quản lý.

Đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chỉ đạt 51,26% trong tổng số 114.507 hộ dân nông thôn được điều tra, rà soát đánh giá trên toàn tỉnh. Để nâng cao chất lượng các công trình nước sinh hoạt, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, thời gian tới cần xem xét chuyển dần từ xu hướng cấp nước phục vụ người dân sang định hướng dịch vụ đối với các vùng, khu vực. Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức, tăng tính cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ các công trình sau khi được đầu tư, bàn giao, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/186587/nang-cao-y-thuc-bao-ve-cong-trinh-nuoc-sinh-hoat