Nâng cao vị thế kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác viết: 'Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều...'. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận ngày 11/4 hằng năm là Ngày hợp tác xã Việt Nam. Những năm qua, cùng với cả nước, phong trào hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ta ngày càng đi vào chiều sâu, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trở thành 'bà đỡ' cho nông dân phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.

HTX Vận tải Hợp Lực, Quỳnh Nhai nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ảnh: Huyền Trăng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 625 HTX, 5 liên hiệp HTX, với hơn 31.000 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, vận tải, quỹ tín dụng nhân dân. Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX phát triển, như: Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết 17/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ HTX trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021... tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển đa ngành nghề.

Là cơ quan chuyên trách, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tư vấn, hướng dẫn các HTX thành lập mới hoặc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để phát triển. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, các ngành trong và ngoài tỉnh, xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng...; hỗ trợ một số HTX xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà kính, tưới phun, tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ ghép mắt trong trồng trọt, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý các HTX về: Quản trị HTX, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng sản xuất theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn cách thức tổ chức, phương thức hoạt động, kỹ năng đàm phán... Đồng thời, hằng năm, phát động các phong trào thi đua: “Tiếp tục đổi mới hoạt động và tăng cường phát triển HTX, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, “HTX chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Trách nhiệm - sáng tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX”, “HTX tiên phong xóa đói, giảm nghèo - xây dựng nông thôn mới”..., tạo không khí thi đua sâu rộng trong các HTX, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Anh Tú, xã Mường Khoa (Bắc Yên) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Ảnh: Khải Hoàn

Trong quá trình hoạt động, các HTX đã trợ giúp chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước và môi trường liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Riêng năm 2019, các HTX trong toàn tỉnh duy trì và phát triển 99 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn (14 chuỗi rau, 65 quả, 1 cà phê, 2 chăn nuôi gia súc, gia cầm, 3 mật ong, 14 thủy sản), với tổng sản lượng sản phẩm khoảng 20.000 tấn/năm. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, 12 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, 3 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể... Nhờ vậy, sản phẩm nông sản bảo đảm các tiêu chí cung ứng cho các nhà máy, công ty, doanh nghiệp và phục vụ xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 226 HTX hoạt động trên lĩnh vực trồng cây ăn quả, sản phẩm chủ lực là nhãn, xoài, na, thanh long, cam, bưởi, quýt, chanh leo... quy mô khoảng 6.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện: Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ. Trong đó, 65 HTX đã xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn có Giấy chứng nhận sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP; 163 mã số vùng trồng cây ăn quả, gồm: 50 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc...; 113 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các HTX trồng cây ăn quả đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh ở địa phương; đóng góp tích cực vào việc bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tăng lợi thế về tiềm năng du lịch; tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong các HTX lên 3 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển kinh tế tập thể, HTX, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, hiệu quả; tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-vi-the-kinh-te-tap-the-trong-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-cua-tinh-30398