Nâng cao vai trò của lãnh đạo, quản lý trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

- Sau 10 năm thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về SKSS 2001-2010, chúng ta đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra, mà một trong những nguyên nhân là do chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền.

Nhiều lãnh đạo chính quyền chưa thực sự vào cuộc Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS), đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chính sách DS và SKSS; đề ra mục tiêu và các giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hiện chính sách; triển khai các biện pháp khắc phục những yếu kém, bất cập; phân công trách nhiệm cụ thể đến từng ngành, từng tổ chức, địa phương; hơn nữa công tác này cũng còn có sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đội ngũ cán bộ dân số, y tế các cấp, song ở nhiều nơi, nhiều địa phương, cấp ủy đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của công tác DS – CSSKSS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Tại Báo cáo 10 năm thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về DS-SKSS 2001-2010 của Bộ Y tế, có nhấn mạnh nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS và SKSS đối với sự phát triển bền vững của đất nước nên chưa quan tâm đầy đủ đến công tác CSSKSS, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-SKSS, giao khoán cho cơ quan chuyên môn; chưa tạo được sự phối hợp hoạt động đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức. Khi đạt được một số thành tựu bước đầu về công tác giảm sinh đã xuất hiện tình trạng chủ quan, thỏa mãn. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa guơng mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số. Năm 2003, khi Pháp lệnh dân số mới ban hành có một số điểm bất cập đã làm cho nhiều người lầm tưởng đươc sinh con không hạn chế dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy mô gia đình ít con. Đặc biệt, sau khi giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương đã không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo như trước, ít chú ý đến việc bố trí cán bộ phụ trách, không thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác dân số, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Ở nhiều nơi, cấp ủy đảng và chính quyền chưa nắm bắt đầy đủ tình hình và những thách thức trong lĩnh vực DS và SKSS; chưa nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, CSSKSS của địa phương, đơn vị; chưa có kế hoạch và biện pháp khắc phục những yếu kém, bất cập. Đó cũng là khởi nguồn của tình trạng xáo trộn và thiếu trầm trọng cán bộ làm công tác DS-SKSS. Trong 10 năm, bộ máy làm công tác dân số đã hai lần thay đổi, tổ chức cung cấp dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ cũng có xáo trộn. Sự thay đổi tổ chức bộ máy đã tác động không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện. Đến nay, sau hàng loạt những nỗ lực, tổ chức bộ máy mới bước đầu được củng cố nhưng vẫn chưa hoàn thiện; tình trạng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ được đào tạo, có kinh nghiệm làm công tác DS-SKSS còn tương đối phổ biến; chế độ đãi ngộ cán bộ chưa phù hợp. Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đầu tư nguồn lực của Nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương) cho công tác DS và SKSS chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cơ chế phân bổ và quản lý kinh phí chưa phù hợp với tính chất đặc thù của công tác DS-CSSKSS, nhất là trong điều kiện có chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng, miền như hiện nay, hạn chế khả năng huy động các nguồn lực sẵn có tại địa phương cũng như hạn chế việc điều tiết kinh phí của cơ quan chủ trì thực hiện Chiến lược, chương trình mục tiêu nhằm thực hiện tốt các mục tiêu chung của cả nước. Và đi cùng với đó là công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện còn có tư tưởng chủ quan, chưa quyết liệt trong thực hiện một số mục tiêu và giải pháp đã đề ra; thiếu nhạy bén với những vấn đề mới nảy sinh; lúng túng, chậm thích ứng với sự thay đổi. Việc xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và phân bổ kinh phí chưa tính toán đầy đủ đến sự khác biệt giữa vùng, miền, địa phương. Việc nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình chưa sát; công tác giám sát, đánh giá chưa hiệu quả. Cần những giải pháp đồng bộ Để thực hiện tốt công tác CSSKSS trong thời gian tới, chúng ta cần khắc phục những hạn chế trên, đặc biệt là, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó lãnh đạo, tổ chức và quản lý là giải pháp tiên quyết. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác DS và SKSS; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo quản lý và thực hiện có hiệu quả công tác này. Công tác DS và SKSS phải là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở phải thường xuyên quan tâm theo dõi, nắm chắc tình hình và những vấn đề đặt ra về công tác DS và SKSS; lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai lồng ghép công tác DS và SKSS vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội; huy động sự tham gia của toàn xã hội; thực hiện tốt các mục tiêu đề đã đề ra. Kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về DS và SKSS là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Ổn định và kiện toàn tổ chức bộ máy, phù hợp với tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác quản lý nhà nước về DS và SKSS theo hướng chuyên nghiệp hóa, thực hiện phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng và xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, đặc biệt là cấp cơ sở. Tập trung củng cố tổ chức bộ máy làm công tác này ở cấp tỉnh, huyện đủ mạnh để quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác DS và SKSS. Xây dựng chức danh chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành DS và SKSS cho công chức, viên chức làm công tác này, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách DS và SKSS ở cấp xã. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản trong việc tuyên truyền vận động, quản lý đối tượng và cung cấp các dịch vụ thích hợp đến tận hộ gia đình. Tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về DS và SKSS trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, kế hoạch; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ; làm tốt việc giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch về DS và SKSS ở tất cả các cấp. Thực hiện quản lý theo chương trình mục tiêu quốc gia đối với các hoạt động trong lĩnh vực dân số và một số nội dung thuộc mảng dự phòng trong lĩnh vực SKSS. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch về DS và SKSS trên cơ sở hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành. Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá chuyên ngành, liên ngành và có sự tham gia của cộng đồng. Cuối cùng, cần phải có sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân, có như vậy, chúng ta mới có một nền dân số ổn định, khỏe mạnh, chăm sóc tốt mục tiêu sức khỏe sinh sản, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=443238&co_id=30087