Nâng cao vai trò của công tác truyền thông giáo dục

GD&TĐ - Ngày 12/5, Văn phòng Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác truyền thông giáo dục năm 2017 với sự tham dự của cán bộ phụ trách truyền thông đến từ 63 tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, công tác truyền thông giáo dục được đẩy mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, được giới truyền thông, các Sở GD&ĐT, các trường và dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Tính chủ động, chuyên nghiệp được thể hiện rõ nét.

Đã có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ với các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông. Các đơn vị đã thấy được tầm quan trọng của công tác truyền thông và có biện pháp vào cuộc mạnh mẽ. Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông cũng vì thế đi vào nề nếp và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động tạo sợi dây gắn kết thông tin với dư luận xã hội thông qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ và Bản tin GD&ĐT phát hành hàng quý.

Thực hiện việc phân cấp công tác truyền thông về địa phương. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách phụ trách công tác truyền thông.

Phó Chánh Văn phòng Trần Quang Nam trao đổi với các đại biểu
xung quanh các chuyên đề tập trung truyền thông.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được cung cấp một số nội dung trọng tâm truyền thông về giáo dục trong năm 2017, được tập huấn về kỹ năng cơ bản của truyền thông và trao đổi những mô hình, ý tưởng, cách làm hay tại địa phương, cơ chế phối hợp giữa các sở với Bộ.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, gặp gỡ để cán bộ phụ trách truyền thông có điều kiện trao đổi, chia sẻ thêm kinh nghiệm, có thêm kiến thức cũng như tự tin để triển khai công tác truyền thông tại địa phương.

Trong Hội nghị, các đại biểu tham gia tìm hiểu, trao đổi thêm về
vai trò truyền thông giáo dục do các chuyên gia truyền thông thực hiện.

Để công tác truyền thông giáo dục phát huy hiệu quả, thời gian tới, các đầu mối truyền thông tại 63 sở cần bám sát kế hoạch truyền thông của bộ để xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông tại địa phương; chủ động tham gia vào chuỗi sản phẩm truyền thông theo từng chủ để, vấn đề của ngành; phối hợp với bộ phận truyền thông của bộ để xử lý các tình huống phát sinh và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh truyền thông về những tấm gương thầy cô giáo, học sinh giỏi, những điển hình sáng tạo, đổi mới trong dạy và học để nhân rộng toàn quốc và để dư luận hiểu hơn về những nỗ lực, đóng góp của ngành.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nang-cao-vai-tro-cua-cong-tac-truyen-thong-giao-duc-3288285-l.html