Nâng cao trách nhiệm quản lý đường giao thông nông thôn

Với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, hệ thống đường giao thông nông thôn ở huyện Bắc Hà không ngừng được nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đường đến các thôn của xã Bản Liền đã được rải cấp phối và đổ bê tông xi măng.

Đường đến các thôn của xã Bản Liền đã được rải cấp phối và đổ bê tông xi măng.

Trong 10 năm qua (2009 - 2019), huyện Bắc Hà mở mới, nâng cấp được gần 970 km đường giao thông, trong đó đổ bê tông xi măng gần 453 km, mở mới và rải cấp phối 517 km. Đến nay, 100% tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông xi măng; 74,3% đường trục xã được đổ bê tông xi măng; 52,84% đường trục thôn, liên thôn và hơn 40% đường ngõ, xóm được cứng hóa. Huyện có 9/20 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Như Ruân, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Hà cho biết: Những năm qua, cùng với việc quan tâm đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn thì công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường cũng luôn được huyện chỉ đạo quyết liệt nhằm kéo dài thời gian sử dụng của công trình, giúp mặt đường luôn êm thuận, các phương tiện giao thông đi lại được an toàn, thông suốt. Tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn sau đầu tư đều được giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý, sau đó tùy thực tế của từng thôn mà xã sẽ giao cho từng tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên hoặc từng nhóm, tổ (khoảng 5 - 7 người) đứng ra tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa và bảo vệ. Nhờ vậy, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện luôn thoáng đãng, đi lại êm thuận cả 4 mùa.

Cốc Lầu là xã thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông nông thôn sau đầu tư. Theo Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu - Nguyễn Lê Tín, để bảo vệ và tăng độ bền, hiệu quả sử dụng của 17 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn với tổng chiều dài hơn 48 km, xã tăng cường tuyên truyền tới người dân và chủ phương tiện vận tải hàng hóa về thực hiện nghiêm các quy định về tải trọng khi lưu thông trên các tuyến; phân tuyến và giao cho từng tổ chức hội, đoàn thể, nhóm, tổ quản lý duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ. Ít nhất mỗi quý 1 lần, các tổ chức hội, đoàn thể hoặc nhóm hộ trong thôn đồng loạt phát quang bụi rậm, đắp bù lề đường, nạo vét cống rãnh; còn khi trên tuyến đường có những điểm sạt lở nhỏ thì huy động lực lượng khắc phục kịp thời. Với kinh phí phục vụ công tác bảo dưỡng thường xuyên hiện nay là 2,5 triệu đồng/km đối với đường bê tông xi măng, rải cấp phối và 1,5 triệu đồng/km đối với đường đất là quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa thực tế nên xã vận động các hộ nêu cao trách nhiệm tham gia cùng.

Còn tại xã Nậm Đét có 31,3 km đường trục xã, liên xã được rải nhựa và đổ bê tông xi măng và 26,3 km đường trục thôn, liên thôn được đổ bê tông xi măng. Xã đã giao việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường cho các thôn thực hiện. Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong công tác bảo dưỡng, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và chủ động phát cây, dọn cỏ, khơi thông cống rãnh đoạn đường gần nhà, giúp tuyến đường luôn sạch, đẹp, tạo điều kiện cho người và phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn. Cũng nhờ đó, nông sản của bà con không còn bị tư thương ép giá, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển. Điều đáng mừng, xã Nậm Đét vừa được cấp có thẩm quyền công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với Cốc Lầu, Nậm Đét, việc quản lý, duy tu, bảo vệ đường giao thông nông thôn sau đầu tư được các xã khác trong huyện quan tâm, chú trọng và làm tốt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là địa hình tự nhiên ở các xã vùng cao trong huyện bị chia cắt mạnh, địa chất yếu, khi mưa nhiều dễ gây sạt lở đất làm tăng kinh phí duy tu, bảo trì các công trình đường giao thông nông thôn. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi kinh tế của các hộ còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực thực hiện công tác này rất hạn chế.

Để khai thác hiệu quả hệ thống đường giao thông nông thôn thì công tác bảo trì, duy tu cần được đầu tư đúng mức và chú trọng hơn nữa. Đối với các xã, cần gắn việc bảo dưỡng các tuyến đường với phong trào thi đua ở địa phương, giúp người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong quản lý, khai thác nhằm tăng tính bền vững của những tuyến đường, góp phần khai thác tối đa lợi ích kinh tế - xã hội mà tuyến đường mang lại.

Quang Minh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/nang-cao-trach-nhiem-quan-ly-duong-giao-thong-nong-thon-z36n201909261030434.htm